Nơi yêu thương không ngừng nảy nở

30/04/2020 07:54 GMT+7

Có một nơi mà người trẻ ví như là 'người mẹ' bao dung nhất, yêu thương nhất, bởi dù bạn đến từ đâu, giàu sang hay nghèo khó... thành phố này vẫn ôm ấp, nuôi dưỡng và phát triển ước mơ của biết bao người.

Và cũng chính nơi ấy, có rất nhiều hành động đẹp và yêu thương cứ thế không ngừng nảy nở… Đó là TP.HCM.

Không đâu như người TP.HCM

Một trưa cuối tháng 4, ghé lại quán cơm chay Bình An trên đường Ngô Quyền (Q.10, TP.HCM), nơi mà gần một tháng qua vợ chồng chị Võ Thị Thùy Trang và anh Nguyễn Minh Nhựt (cùng 35 tuổi) đã nấu cơm và phát miễn phí cho những lao động khó khăn trong mùa dịch.

Gần 1 tháng qua, vợ chồng anh Nhựt đã gửi đến hàng ngàn suất cơm ấm nóng mùa dịch cho người khó khăn

Nữ Vương

Người viết được nghe vợ chồng anh chị kể về những nghĩa tình của người TP.HCM, điều đã tạo cho anh chị có được nguồn năng lượng bất tận để nấu những suất cơm nóng hổi kịp đến tay người lao động khó khăn mỗi ngày.
Anh Nhựt nói: “Lúc đầu vợ chồng mình chỉ nghĩ sẽ dành tiền túi và nấu cơm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Nhưng không ngờ, chỉ trong vài ngày đầu phát cơm, tụi mình đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và chung sức của rất nhiều người. Nhờ thế mà từ dự định phát 150 phần/ngày, tụi mình đã có thể phát được 1.000, rồi 3.000 đến hơn 5.000 phần cơm mỗi ngày. Thật sự rất hạnh phúc”.

Những chuyến tình nguyện đêm của người trẻ khiến TP.HCM ấm áp đến lạ thường

Nữ Vương

Rồi anh Nhựt trải lòng: “Không đâu như người TP.HCM, có người ủng hộ 50.000 hoặc 100.000 đồng, rồi cũng có người mang đến rau củ, người mang đến 1 hay 2 chai nước tương và cũng có người góp 1 tấn gạo… Nói chung là có gì người ta góp nấy, ai cũng muốn chung sức và sẻ chia, dù họ giàu có hay thậm chí có người cũng không dư giả gì. Đến nay mọi người đã ủng hộ hơn 30 tấn gạo. Nhiều gạo quá, không nấu cơm hết nên vợ chồng mình chuyển về phát cho bà con ở các tỉnh miền Tây, Lâm Đồng…”.
Nghe anh Nhựt kể mới thấy dường như chính những ấm áp của yêu thương đã giúp cho con người như quên hết đi tất cả, họ chỉ còn nghĩ đến sẻ chia. “Có những ngày mà làm xong người quá mệt, vì ngày nào cũng dậy từ 3, 4 giờ sáng rồi đứng nấu và phát đến 6 giờ tối, rồi tối đến lại tới từng nhà phát quà. Nhưng cứ thấy còn có người cần mình, rồi rất nhiều người cũng muốn san sẻ yêu thương, đồng hành cùng tụi mình nên tự dưng thấy ấm áp lạ thường”, anh Nhựt bày tỏ.

Khi yêu thương được lan tỏa

Là một cô gái còn rất trẻ, Nguyễn Thị Thanh Khoa (Hoa hậu Sinh viên thế giới 2019, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thường xuyên rong ruổi khắp các con đường, ngõ phố để phát quà, giúp đỡ người vô gia cư. Và trong mùa dịch vừa qua cũng vậy, với Khoa, chính chất nghĩa tình của người TP.HCM đã len lỏi vào trong mình khiến Khoa luôn muốn cho đi và lan tỏa những yêu thương.

Những suất quà miễn phí trong mùa dịch

NV

“Nhiều năm về trước, có lần em trai của Khoa đi học về bị hết xăng phải dắt bộ mà đường từ trường về nhà còn rất xa. May mắn thay có một chú đi đường đã dừng xe dúi vào tay em ấy 50.000 đồng để đổ xăng. Một lần khác Khoa bị tai nạn giao thông khá nặng và cũng được người đi đường đưa tới bệnh viện giúp… Chính sự ấm áp mà em nhận được bao năm qua tại mảnh đất thân thương này đã giúp em luôn giữ được ngọn lửa trong tim mình, để từ đó làm thiện nguyện được hơn 5 năm nay, cùng bạn bè giúp đỡ những hoàn cảnh khác, hỗ trợ những người cần được giúp đỡ”, Khoa chia sẻ.
Anh Trần Lý Thành, chủ nhân của lớp học Hạnh phúc, nơi anh truyền cảm hứng để mỗi bạn trẻ cùng nhau sẻ chia yêu thương với những mảnh đời khó khăn, kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Tôi từng thấy một cô gái ăn mặc sang trọng đi ngang Sân khấu Sen Hồng mua một ly nước và một ổ bánh mì tặng người bán vé số bên đường Nguyễn Thái Học. Người bán vé số cảm ơn cô gái và tặng lại tờ vé số, nhưng cô không lấy và chào tạm biệt, đi nhanh về phía trước. Người ta cho, mà không mong sẽ nhận lại. Tôi cũng biết đến chú Phạm Văn Đặng (Tư Đặng) ở tận xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) sẵn lòng góp tâm sức của mình để nuôi sinh viên tình nguyện về với xã đảo từ năm 1996 đến nay với mong muốn giản đơn là sau này con mình có đến những nơi xa xôi cũng được người khác thương…”.

Không chỉ nghĩa tình với thành phố, bạn trẻ TP.HCM luôn đi đầu trong việc cứu giúp những địa phương khó khăn

N.V

Và đến một lúc nào đó không hay, chính anh Thành lại trở thành người được chia sẻ, truyền cảm hứng để làm một điều gì đó cho những người lao động nghèo. “Chính những câu chuyện mắt thấy tai nghe này đã gieo vào trong tôi niềm cảm thương và quyết tâm góp một chút sức nhỏ bé của mình cho xã hội này. Vậy là từ nhiều năm nay, tôi tình nguyện mua áo sơ mi, làm lồng đèn, mua quà để đi tặng bà con lao động và mở một lớp học nhỏ cho học trò, sinh viên nghèo”, anh Thành cho hay.
Và rồi, anh Thành đặt niềm hy vọng giữa những khó khăn còn vương đâu đó trong dòng đời và những góc khuất của xã hội, chúng ta vẫn luôn có niềm tin ở mảnh đất tình người này, ở nơi mà yêu thương không ngừng nảy nở giữa những khó khăn, thử thách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.