Robot hạn chế lây nhiễm trong mùa dịch Covid-19

21/02/2020 07:36 GMT+7

Với những tính năng hỗ trợ một số công đoạn cho bác sĩ và bệnh nhân, nhóm tác giả tin tưởng robot có thể phần nào giúp hạn chế việc lây nhiễm ở các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là trong mùa dịch Covid-19.

Nhóm tác giả là 2 chàng sinh viên đến từ Khoa Cơ khí chế tạo máy của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Những ngày này, mặc dù trường học rất vắng vẻ vì sinh viên chưa trở lại trường, nhưng phòng thí nghiệm Open Lap - nơi 2 sinh viên nghiên cứu, vẫn đều đặn mở cửa từ 8 giờ sáng đến tận khuya. Họ vẫn mày mò nghiên cứu để tiếp tục cải tiến những tính năng mới cho sản phẩm.
Sản phẩm của nhóm đã từng xuất sắc đoạt giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp quốc gia năm 2019 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ, T.Ư Đoàn, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức.

Hải bên robot do nhóm sáng chế

Ảnh: Nữ Vương

Quy trình khám chữa bệnh đơn giản hơn

Chia sẻ về lý do nghiên cứu và sáng chế robot này, Nguyễn Đào Xuân Hải (thành viên nhóm), cho biết xuất phát từ việc nhận thấy nhu cầu khám chữa bệnh rất cao và để có sức khỏe tốt thì mọi người cần kiểm tra, khám sức khỏe thường xuyên. Tuy nhiên, việc khám bệnh đang gặp một trở lại lớn là quãng đường đi và nhiều bất tiện trong các khâu thủ tục khám. Điều này khiến bệnh nhân phải di chuyển một quãng đường xa, đồng thời phải chờ đợi rất tốn thời gian và tiền bạc cũng như sức khỏe. Từ đó, nhóm đã nghĩ đến việc dùng robot để hỗ trợ.
“Tụi mình làm đề tài này với mục đích giúp cho việc khám bệnh của bác sĩ trở nên đơn giản hơn, đặc biệt đối với một số bệnh nhẹ hay việc thăm khám sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bác sĩ không cần phải đến tận nơi mà vẫn có thể cập nhật các thông số sức khỏe của bệnh nhân thông qua robot, điều khiển robot đến để nói chuyện, hỏi thăm bệnh nhân...”, Hải nói.
Khi người dùng tương tác với robot, ngay lập tức robot sẽ chào hỏi và hướng dẫn người dùng: “Xin chào, tôi là robot hỗ trợ khám bệnh. Chạm vào biểu tượng micro để trò chuyện với tôi hoặc nếu bạn muốn sử dụng các chức năng khác, hãy chọn trên màn hình nhé”.
Và người dùng có thể tùy theo nhu cầu mà chọn các chức năng khác nhau thông qua màn hình cảm ứng hoặc bằng giọng nói để tương tác với robot.
Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot có thể hỗ trợ người bệnh đo các số liệu sức khỏe như huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ… Tất cả thông số thu được sẽ được lập thành hồ sơ bệnh án điện tử và cập nhật trực tiếp cho bác sĩ để theo dõi tình hình sức khỏe.
“Robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa của tụi mình có khả năng kết nối với các thiết bị y tế khác và đồng bộ hóa các dữ liệu đó. Ngoài ra, robot sẽ san sẻ phần nào công việc lặp đi lặp lại hằng ngày của các bác sĩ và chuyên viên y tế như cấp phát thuốc cho bệnh nhân, đo nhịp tim, huyết áp... Hơn nữa, robot có thể giúp chuyển các mẫu thử, mẫu bệnh phẩm vào những phòng con người cần tránh tiếp xúc hay đi qua lại giữa các phòng chụp X-ray”, Hải tự hào chia sẻ.
Ngoài việc hỗ trợ khám chữa bệnh, khi người dùng tương tác, robot cũng đóng vai trò như lễ tân để chỉ đường các khu vực, phòng ban, giúp mọi người tra cứu thông tin về y tế cũng như hành chính của bệnh viện và có thể thanh toán viện phí điện tử thông qua các hình thức thanh toán điện tử hiện nay...

Hữu hiệu trong mùa dịch

Điều đặc biệt nhất mà 2 chàng sinh viên mong muốn là robot có thể hỗ trợ hữu hiệu cho bệnh nhân và bác sĩ trong mùa dịch này.
Theo Hải, với việc hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và bệnh nhân đều có thể kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà, điều này giúp hạn chế việc phải đến và tiếp xúc ở những nơi đông người như các cơ sở y tế khi chưa thật sự cần thiết, đồng thời cũng giúp phát hiện được những triệu chứng nguy cơ vì có thể thường xuyên tương tác với bác sĩ thông qua robot. Không những thế, với chức năng có thể thay thế người để vận chuyển các mẫu bệnh phẩm, mẫu xét nghiệm hay thuốc và thức ăn... cũng giúp phòng chống phần nào việc truyền nhiễm không mong muốn trong mùa dịch.
Đặc biệt, người nhận các mẫu bệnh phẩm hoặc bệnh nhân nhận thuốc hay thức ăn, đều phải xác nhận với robot bằng hình ảnh... đúng người, đúng đối tượng mới được nhận, tránh trường hợp thất lạc hay giao nhầm.
Nhưng một vấn đề đặt ra là khi robot đặt tại bệnh viện với màn hình cảm ứng như hiện tại, cũng có thể có nguy cơ lây nhiễm vi rút từ tay người dùng nếu chưa được vệ sinh an toàn. Trước thực tế đặt ra, nhóm tác giả cho rằng nếu muốn an toàn hơn, người dùng có thể tương tác và điều khiển robot bằng giọng nói thay vì chạm tay vào màn hình.
Ngoài những tính năng trên, Lương Hữu Thành Nam (thành viên nhóm) cũng chia sẻ thêm: “Sâu xa hơn nữa, việc sử dụng robot sẽ giúp quá trình số hóa dữ liệu bệnh án của bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn. Điều này có vai trò rất quan trọng cho các nghiên cứu về y học trong tương lai cũng như làm nền tảng cơ sở dữ liệu lớn để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y học của VN”.
Cũng theo Nam, hiện tại nhóm đang tiếp tục nâng cấp các tính năng của robot, đồng thời sẽ đi sâu vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh, kết hợp với đánh giá các chỉ số sức khỏe để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất.
“Hiện tại, robot có chức năng hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu, nhưng chỉ đang ở mức độ đưa ra những bài tập hướng dẫn. Tụi mình đang tiếp tục nghiên cứu sử dụng deep sensor - là một loại cảm biến độ sâu, để bắt khung xương, khớp của người tập, từ đó nội suy ra được góc của khớp tay, khớp chân của người tập vật lý trị liệu, để phát hiện và cảnh báo khi bệnh nhân tập sai”, Nam chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.