Nhiều người trẻ tham quan ngắn ngày TP.HCM thường băn khoăn có thể ghé những nơi đâu để trong một thời gian không dài mà có được cái nhìn bao quát về thành phố sôi động này? Ngoài mua sắm, ăn uống, ngắm những công trình cổ bên những ly cà phê sữa đá, sống gần hơn thiên nhiên ở Cần Giờ…, còn một địa điểm nữa rất đáng để
bạn trẻ "check in", “sống ảo”, đó chính là
buýt đường sông Sài Gòn -Saigon water bus.
Bến tàu Bạch Đằng nằm trên Đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM được thiết kế hiện đại với khu mua vé, nhà chờ, tiệm cà phê và đồ ăn nhanh… Trước mặt khu cà phê là khoảng sân rất rộng được trang trí theo phong cách trẻ trung. Với hậu trường là sông nước Sài Gòn, những tòa cao ốc xa xa, đây cũng là nơi chụp ảnh cưới của nhiều cặp đôi, nơi “check in” của nhiều người trẻ đánh dấu điểm đến- một TP.HCM hiện đại, năng động.
Bến tàu cũng là nơi chụp ảnh siêu đẹp cho các bạn trẻ
|
Bến tàu Bạch Đằng được thiết kế hiện đại
|
Cùng một bạn gái trẻ từ Hà Nội vào thăm TP.HCM, chúng tôi chọn chuyến đi từ bến Bạch Đằng tới Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) .
Tàu khởi hành lúc 8 giờ sáng, trên tàu có hơn 20 người, trong đó phần lớn là sinh viên đi trải nghiệm.
Nhiều người thích thú trải nghiệm du lịch sông Sài Gòn
Thúy Hằng
|
Nhóm bạn trẻ Trần Văn Dương, 22 tuổi, làm nhiếp ảnh và hai cô gái Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Ngọc Quế Anh, 20 tuổi, (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), mang theo máy ảnh chuyên nghiệp đi chụp nhiều ảnh “sống ảo” trên
sông Sài Gòn. “TP.HCM bình thường vốn rất sôi động, xe cộ đi lại nườm nượp, những tòa nhà mình có thể thấy cao lớn nhưng không được quan sát toàn cảnh. Từ buýt đường sông, tôi nhìn thấy nhiều góc hơn về thành phố mình đang sống, những tòa nhà đồ sộ, công trình cầu đang xây dựng, những bến cảng hiện đại, sông nước bao la”, Nguyễn Ngọc Quế Anh, sinh viên khoa kế toán nói.
“Tôi nhìn thấy một
TP.HCM rất khác”, đó cũng là chia sẻ của Nguyễn Hoàng Mẫn, 25 tuổi, từ Hà Nội vào TP.HCM du lịch, người bạn đồng hành với tôi. “Có những không gian đối lập nhau, bên cạnh những tòa nhà chọc trời, những bến cảng với du thuyền hiện đại khiến mình tưởng như đang du lịch ở
Singapore, tôi cũng nhìn thấy những khu nhà ở tạm của
người lao động, những người dân mưu sinh ven sông, những mảng xanh trầm lặng ở khu vực Thanh Đa, Q, Bình Thạnh”.
Bên cạnh những tòa nhà chọc trời là những mái nhà nhỏ ven sông của người lao động
|
Ghi lại những hình ảnh của TP.HCM nhìn từ sông nước Sài Gòn
|
Tàu buýt đường sông Sài Gòn hiện đại, nhân viên trên tàu hiếu khách, lịch thiệp khi du khách hỏi thăm, tuy nhiên theo nhiều người trẻ, nên đa dạng thêm các loại hình dịch vụ tại mỗi bến xuống.
“Có thể thiết kế thêm các quán cà phê, đồ ăn nhanh, kết nối các hạ tầng vui chơi
giải trí để du khách khi dừng chân ở mỗi bến tàu đều có thể sử dụng các dịch vụ. Ví dụ chúng tôi xuống bến Thanh Đa, nơi này khá vắng vẻ, lác đác có một số hàng quán người dân tự
kinh doanh. Nếu thiết kế thêm được nhiều loại hình ắn uống, giải trí dọc hành trình, chắc chắn tour đường sông Sài Gòn còn hấp dẫn hơn nữa”, Nguyễn Hoàng Mẫn, du khách đến từ Hà Nội nói.
Nhóm bạn trẻ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM
|
Những mảng xanh của thành phố phía Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)
|
Lục bình trôi trên sông gợi nỗi buồn mang mác...
|
Những ngày cuối tuần, buýt đường sông Sài Gòn đông hơn hẳn ngày thường
|
Từ bến Bạch Đằng, tàu buýt đường sông Sài Gòn có các chặng dừng, như bến Bình An (Q.2), Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), Bình Triệu… Vé cho mỗi lượt đi hoặc về là 15.000 đồng/người/lượt, không phân biệt điểm dừng.
Theo nhân viên trên tàu, các ngày thứ bảy và chủ nhật, ngày nghỉ lễ lượng khách đi buýt đường sông Sài Gòn đông nhất, luôn chật kín các ghế ngồi. Do đó, nếu bạn trẻ muốn trải nghiệm sông nước Sài Gòn những ngày này, nên mua vé khứ hồi sớm để không lỡ chuyến đi nào. Có thể mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống. Mỗi bến tàu có không gian nhà chờ khá mát mẻ, mọi người có thể trải khăn và cùng tổ chức bữa ăn nhẹ, đó cũng là gợi ý khá thú vị.
|
Bình luận