Đó là những tour miễn phí của câu lạc bộ (CLB) Saigon Lovers được thực hiện suốt 5 năm qua. Sáng lập bởi những người trẻ muốn phát triển du lịch cho thành phố, tới nay CLB với 15 tình nguyện viên là sinh viên các trường ĐH đã thực hiện hàng trăm chuyến cho các bạn trẻ nước ngoài tham quan, trải nghiệm đời sống, ẩm thực TP.HCM.
Giọt nước mắt ở bảo tàng chứng tích chiến tranh
Phan Ngọc Ánh (21 tuổi), sinh viên năm 3 ngành kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, trưởng ban nhân sự của CLB, cho biết du khách chọn tour của các bạn đến từ nhiều nơi nhưng nhiều nhất là: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Thụy Điển, Hà Lan. Phần lớn du khách đều là người trẻ, dưới 35 tuổi. Xuất phát tại sảnh Diamond Plaza (đường Lê Duẩn, Q.1), các tình nguyện viên đưa khách đi bộ và cùng tham quan nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Đường sách, Dinh Độc Lập, Bảo tàng TP.HCM. Khách quan sát tỉ mỉ và đặt nhiều câu hỏi, do đó tình nguyện viên phải chủ động tích lũy nhiều kiến thức.
Một bạn người Anh vươn vai sảng khoái: "Tuyệt vời, lâu lắm rồi tôi không cần mặc áo khoác để ra đường. Người TP.HCM hay cười, gặp chúng tôi nhiều người nói hello, thank you". Đó là một trong những câu chuyện nhỏ mà các bạn trẻ kể lại với Ánh. Những phản hồi như vậy khiến Ánh yêu thêm công việc tình nguyện của mình.
Ánh bộc bạch: “Không chỉ được trau dồi kỹ năng nghe nói tiếng Anh, khả năng giao tiếp, sau các hành trình cùng du khách, chúng tôi hiểu và thêm yêu lịch sử Việt Nam. Tôi nhớ mãi một lần dẫn 2 du khách người Anh tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cô gái đi trước nghe tôi giới thiệu, rồi nhìn các hiện vật, các bức ảnh và liên tục khóc, chàng trai đi sau cầm bịch khăn giấy, họ cứ thế thăm hết bảo tàng”.
Trong khi đó, Phạm Thanh Thảo (20 tuổi), sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, tình nguyện viên của CLB, cũng có một kỷ niệm khó quên. Một lần mời khách tới nhà chơi, mẹ Thảo không biết tiếng Anh, khách không biết tiếng Việt nhưng cả hai rôm rả trò chuyện bằng… ngôn ngữ cơ thể. Nữ du khách tới từ châu Âu được dẫn đi tham quan ngôi nhà và rất ngạc nhiên khi được giới thiệu về nơi thờ cúng tổ tiên, không gian thiêng liêng của mỗi gia đình người Việt.
Việt Nam là điểm đến an toàn
Đã trở về Mexico, nữ du khách tên Georgia Ar để lại lời nhắn cho những người bạn ở CLB Saigon Lovers: “Một ngày tuyệt vời nhất của tôi ở TP.HCM. Tôi có chuyến đi với Mai, một cô gái ngọt ngào, thông minh và tuyệt vời. Cô ấy biết nhiều về thành phố, chúng tôi cùng chuyện trò suốt. Chắc chắn tôi sẽ kể với những người bạn của mình về TP.HCM”.
Nguyễn Thị Ngọc Hà, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chủ nhiệm CLB, chia sẻ làm sao để ngày càng nhiều bạn bè quốc tế thêm yêu thành phố và Việt Nam, đó cũng là mục tiêu, tâm huyết của Hà và các bạn.
Một trong những mục tiêu khác CLB cùng hướng tới là phát triển du lịch bền vững. Với tour miễn phí, mọi người cùng đi bộ để thăm các công trình kiến trúc, di tích lịch sử. Những địa điểm quán ăn, cà phê mà nhóm giới thiệu với du khách cũng là các quán hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh tour miễn phí, những hành trình khác mà các bạn trẻ nước ngoài rất thích khi chọn CLB, đó là cùng đi uống cà phê “bệt” - đặc trưng của TP.HCM trong công viên 30.4, đi chợ hoa Hồ Thị Kỷ, khám phá ẩm thực chợ Tân Định, lắng nghe những câu chuyện về thành phố được kể dưới góc nhìn của người trẻ.
“Du lịch Việt Nam sẽ phát triển trở lại sau dịch Covid-19. Chúng tôi muốn nói với du khách, Việt Nam của chúng tôi rất đẹp và là một điểm đến rất an toàn. Việt Nam đã được cả thế giới công nhận về nỗ lực chống dịch Covid-19. Xin mời bạn trải nghiệm và đừng quên quay trở lại!”, Phan Ngọc Ánh nói đầy tự hào.
Nói tiếng Việt với người nước ngoài
Nếu như trong tour miễn phí, Ánh, Hà, Thảo và các tình nguyện viên khác của CLB dùng tiếng Anh trao đổi với du khách thì chiều thứ sáu mỗi tuần, ở quán cà phê trên đường Nguyễn Khắc Nhu (Q.1, TP.HCM), họ cùng nhiều du khách khác “nói tiếng Việt càng nhiều càng tốt”. “Học tiếng Việt, giới thiệu văn hóa Việt Nam, chúng tôi muốn giúp các bạn nước ngoài đang sống, làm việc ở quê hương mình gặp thuận lợi hơn về giao tiếp, hiểu hơn về Việt Nam”, Phan Ngọc Ánh cho hay.
|
Bình luận (0)