Trung thu mùa giãn cách: Bộ đội múa lân, tình nguyện viên làm 'ông Địa'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
20/09/2021 14:07 GMT+7

Bộ đội múa lân và tình nguyện viên chống dịch độn bụng làm 'ông Địa' để mang lại niềm vui cho trẻ em dịp Tết Trung thu tại một địa phương ở TP.HCM.

Chiều tối 19.9, lực lượng bộ đội và tình nguyện viên chống dịch ở P.11, Q.10, TP.HCM đã trao 100 suất quà trung thu cho các em thiếu nhi tại địa phương.

"Ông Địa" mặc đồ bảo hộ chống dịch

Với chiếc loa nhỏ phát ra bài hát Chiếc đèn ông sao, Trương Hữu Phước, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM, cải trang thành “ông Địa” trong lúc vẫn đang mặc đồ chống dịch. "Ông Địa" đặc biệt này nhún nhảy theo điệu nhạc, khiến nhiều người phì cười.
Đây là ngày thứ hai, anh Phước đóng vai “ông Địa” đi trao quà cho các em thiếu nhi. Tình nguyện viên 22 tuổi này cho hay anh thường vào vai “ông Địa” nhân dịp trung thu trước đây nhưng đa số là biểu diễn trên sân khấu, còn đi khắp con hẻm như thế này thì là lần đầu tiên.

Hữu Phước trong vai "ông Địa"

Ảnh: Tấn Đạt

“Tôi cảm thấy rất thích thú với việc cải trang như thế. Tôi chuẩn bị khá chu đáo cho cái bụng, khi hết vải thì lấy túi ni lông nhét vào cho bự. Khi đi xuống khu phố, nhiều trẻ em hí hửng chào đón “ông Địa" kìa!”, nhưng cũng có một số bé sợ và khóc toáng lên vì tưởng tôi xuống lấy mẫu xét nghiệm Covid-19”, Phước hài hước kể lại.

Nhiều trẻ em sợ vì tưởng đi xuống lấy mẫu xét nghiệm

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Phước cho hay việc mặc đồ chống dịch như thế giúp bảo vệ an toàn cho bản thân cùng mọi người và điều đặc biệt là muốn tạo ấn tượng trong mùa trung thu năm nay.
Hơn ba tháng qua, Phước cùng các anh, chị tại P.11, Q.10, ngày đêm chống dịch với nhiều hoạt động. Dù công việc có nhiều nhưng anh vẫn luôn tỏa ra một nguồn năng lượng dồi dào, tích cực với những người xung quanh mình.
Theo Phước, đây là một mùa trung thu đáng nhớ nhất vì diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi. “Chúng tôi muốn làm hết sức mình để các em có được một khoảnh khắc thật là ý nghĩa nhất trong Tết Trung thu”, Phước nói.

Rộn ràng cả một khu phố

Ảnh: Tấn Đạt

Đúng 18 giờ tối, trời bắt đầu đổ cơn mưa, các bạn trẻ này vẫn cố gắng len lỏi khắp con hẻm trong khu phố 5, 6 thuộc P.11 để trao hết quà cho thiếu nhi. Những bài hát chủ đề trung thu vẫn đều đặn chạy, cả một khu phố rộn ràng.
Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Thiện, bộ đội thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 302, Quân Khu 7,  trình diễn những màn múa Lân rộn rã. “Đây là lần đầu tiên tôi làm như thế nên không biết múa sao cho đúng, cứ thấy nhạc bật lên, "ông Địa" nhảy là nhún theo thôi", Thiện (18 tuổi) bộc bạch.
Hoàng Thiện là tân binh trẻ mới vào TP.HCM chống dịch từ giữa tháng 8. Điều khiến anh nhớ nhất là tình cảm của người dân, những hình ảnh màu áo xanh của các bạn trẻ tình nguyện đang kiên cường ngày đêm chống dịch.

Người trẻ luôn nhiệt tình hết mình

Ảnh: Tấn Đạt

Hoàng Thiện múa lân

Ảnh: Tấn Đạt

Tận dụng luôn đồ có sẵn

Dù hoạt động đón Tết Trung thu bị hạn chế do tình hình dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự nhiệt huyết của các bạn trẻ tình nguyện. Họ cố gắng trong từng động tác, hành động nhỏ, để tạo ra một đêm trung thu vui nhất có thể cho trẻ em.

Chật vật khiêng đồ trong những con hẻm nhỏ

Ảnh: Tấn Đạt

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, 24 tuổi,  Phó bí thư Đoàn P.11, Q.10, TP.HCM, cho hay trung thu năm nay, đoàn phường trao 200 phần trong hai ngày 18 và 19.9. Mỗi phần gồm bánh trung thu hoặc bánh pía, lồng đèn và sữa. Đối tượng được tặng là trẻ em hiện là F0, F0 đã điều trị xong được xuất viện, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và con em cán bộ UBND phường.

"Chị Hằng" được nhận dạng bởi hai đôi bông tay bằng lon nước ngọt

Ảnh: Tấn Đạt

Hay "chú Cuội" thông qua là chiếc khăn rằn... Tất cả đều được tái chế và mượn

Ảnh: Tấn Đạt

Các cán bộ đoàn, đoàn viên gặp một số khó khăn từ kinh phí cho đến tìm trang phục. Tuy nhiên, họ không ngại khó và đã tận dụng đồ có sẵn như khăn rằn, mượn đầu Lân, đầu "ông Địa" của trường học, loa cầm tay từ lực lượng công an địa phương.
"Trong tình hình dịch, việc di chuyển nhiều nơi sẽ có nhiều nguy hiểm, vì vậy các bạn mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn kỹ càng sẽ là điều tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho thiếu nhi. Nhìn chung, ở mỗi thời điểm, nếu chúng ta có sự sáng tạo thì chắc chắn hoàn cảnh nào cũng sẽ vượt qua", chị Hồng Thắm chia sẻ.

Ánh mắt của chị Như luôn tràn đầy niềm vui khi tạo ra được những đêm trung ý nghĩa nhất

Ảnh: Tấn Đạt

Còn chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, 25 tuổi, Bí thư Đoàn P.11, Q.10, TP.HCM, tâm sự: “Trung thu năm nay, chúng tôi nhận được nhiều lời khen ngợi của các hộ dân. Điều mà tôi ấn tượng nhất là nhận được rất nhiều tràng pháo tay của người dân".
"Các em thiếu nhi rất rạng rỡ, có bé nhìn thấy “con Lân”, “ông Địa”, còn xin chụp nhiều kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Có lẽ, sau bao ngày các em ở trong nhà cùng gia đình tuân thủ nguyên tắc 5K, hoặc ở bệnh viện chống chọi với Covid-19 thì hôm nay các em có thể cảm nhận được không khí Tết Trung thu”, Quỳnh Như kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.