Từ chiếc điện thoại đến cai nghiện game

Tấn Đạt
Tấn Đạt
13/06/2020 07:30 GMT+7

Chiếc điện thoại nhỏ nhắn chỉ cần kết nối được mạng thì thế giới sẽ nằm trong tay, nhưng nếu không cẩn thận và mất kiểm soát nó sẽ khiến người trẻ nghiện game.

“Chơi game có nhiều cảm xúc hơn... đi học”

Một buổi trưa tại Trường THCS-THPT Phùng Hưng (Q.12, TP.HCM - chi nhánh Trường phổ thông nội trú IVS, trường cai nghiện game), chúng tôi tiếp xúc những bạn trẻ đang cai nghiện game để biết rõ hơn các câu chuyện đằng sau “cuộc chiến” này.
Qua lời giới thiệu của ông Đặng Lê Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và thể thao (IVS), chúng tôi gặp T. (18 tuổi, ngụ TP.HCM) vào trường để cai nghiện game được gần 1 năm nay. Mẹ của T. đi lao động nước ngoài, ba đi làm suốt nên T. ở với bà ngoại từ nhỏ.
Mở đầu câu chuyện với vẻ mặt đượm buồn, T. kể: “Hồi đó ở nhà em chơi game rất nhiều, đi học về không bao giờ chịu nghỉ ngơi, cứ lao vào bấm điện thoại thôi. Một ngày có khi chơi 12 - 13 tiếng. Khi ngoại không cho tiền thì cạy tủ lấy tiền”.
Từng đi du học ở Canada năm 2017 - 2018 nhưng vì nghiện game, H. bị nhà trường kỷ luật và phải về VN vào đầu năm 2019. Lúc về nhà, H. vẫn tiếp tục chơi cho đến khi được ba mẹ đưa vào Trường phổ thông nội trú IVS.
H. kể khi đi du học ở Canada có bạn trong ký túc xá tải game về điện thoại chơi thử. Sau đó, em lên YouTube xem các giải đấu game và cố gắng luyện tập sao cho “lên tay”, mỗi lần chơi thắng và có thưởng thì vui lắm, dần dà có thêm mấy bạn nữa chơi cùng thì em chơi nhiều hơn. H. cho biết: “Em có đi học nhưng tiết học tiết không. Nghỉ học không phép điểm danh quá 12 buổi là em bị đuổi học. Lúc đó người ta cho em hai cơ hội nhưng em không thay đổi, vậy là em bị đuổi học”.
H. chia sẻ thêm: “Ngày nào cũng thế, việc đi học ở bên đó với em nó cứ lặp đi lặp lại rất chán chường, còn chơi game thì lúc thắng lúc thua, nhiều cảm xúc hơn. Những cảm xúc đó em không tìm được trong bài học hay cuộc sống. Em vẫn nhớ những buổi tối ăn cơm xong cả đám ngồi chơi game, chơi ghiền luôn, đôi khi mẹ gọi điện thì nói là bận học không nghe điện thoại được”.
Từ chiếc điện thoại đến cai nghiện game1

Học viên Trường phổ thông nội trú IVS trong buổi học thể dục

ẢNH: TẤN ĐẠT

“Bây giờ hầu như chẳng có gì để chơi cả”

Ông Đặng Lê Anh tâm sự: “Cuộc sống bây giờ hầu như chẳng có gì để chơi cả, con người ta bây giờ bị đóng khuôn trong thế giới bê tông, đi đâu cũng máy lạnh, không có thiên nhiên, năng lượng bên trong không được giải phóng. Đi học thì các em ngồi trong lớp cả buổi sáng, buổi chiều và rất ít hoạt động ngoài trời. Quan hệ xã hội cũng bó hẹp, đôi khi đến trường còn bị bắt nạt và cô lập. Vì vậy, chiếc điện thoại chính là phương tiện để người trẻ “giao lưu”.
Theo ông Đặng Lê Anh, nếu một đứa trẻ chơi game hay xem ti vi, dùng mạng xã hội trên điện thoại từ 3 tiếng trở lên/ngày có thể đã bị nghiện. “Cuộc sống đôi khi nỗ lực nhưng chưa chắc đã thành công, nhưng trong game lại đưa ra một mức nào đó để người chơi đạt được, mà mỗi lần thành công thì lại càng muốn chinh phục những mức cao hơn nhằm đạt được những phần thưởng đắt giá, mà đó chỉ là phần thưởng “ảo”. Theo quy luật của đường chân trời càng đi thì đường chân trời càng trước mắt không bao giờ tới đích được, và trong game mặc dù chiến thắng trong từng phút giây nhưng chiến thắng cuối cùng vẫn còn mãi ở phía trước... Những thứ đó đã tạo ra 2 chữ nghiện game”, ông Lê Anh chia sẻ.

Phụ huynh cần đồng hành với con

Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hiện nay các trò chơi không bao giờ “chê” người sử dụng và để sở hữu chiếc điện thoại bây giờ rất dễ dàng. Người trẻ tìm đến game để giải tỏa nỗi buồn phần lớn vì họ ít nhận được sự quan tâm và sẻ chia từ gia đình khi cần.
Thạc sĩ Lê Minh Huân trăn trở: “Nhiều phụ huynh sẵn sàng dành thời gian cho chuyện họp hành, gặp gỡ bạn bè, đối tác nhưng việc dành thời gian cho con rất hạn hẹp. Chưa kể nhiều phụ huynh không hề làm gương cho trẻ noi theo, học tập. Một số phụ huynh luôn tranh thủ lướt điện thoại bất kỳ không gian, thời gian nào nên nhiều đứa trẻ nhìn vào và suy nghĩ “người lớn làm vậy thì mình cũng vậy, có sao đâu!”. Từ đó đứa trẻ không đủ động lực để tự tách mình ra khỏi game. Phụ huynh hãy là những tấm gương tốt để con học hỏi, cùng con “đấu tranh” chống lại việc sử dụng điện thoại để chơi game”.
Ông Phạm Thanh Tuấn, chuyên viên tham vấn tâm lý Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TP.HCM, nhận định mình không thể nào cấm các con không được chơi cái này, chơi cái kia mà quan trọng có sự chia sẻ, quản lý. “Đứa trẻ nào cũng thích cái mới hết, mà càng cấm thì càng làm, nên phụ huynh phải luôn gần gũi và đồng hành với mọi hoạt động của con em mình”, ông Tuấn nhắn nhủ.
Theo ông Đặng Lê Anh, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con lập kế hoạch thời gian trong ngày với những việc cụ thể. Trong đó, trẻ từ 5 - 8 tuổi: chơi game không quá 15 phút/ngày, xem phim hoạt hình không được quá 15 phút/ngày; trẻ từ 8 - 13 tuổi: chơi game không quá 30 phút/ngày; trẻ trên 13 tuổi: chơi game không quá 45 phút/ngày; một tuần chỉ chơi từ 1 - 2 lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.