Đó là chuyện có thật. Và bà Thân Thị Kim Xuyến từng tham gia hàng chục giải chạy lớn nhỏ quanh TP.HCM, Đà Lạt và các địa điểm như núi Dinh, núi Bà Đen… ấy không chỉ có khối u ở não. Trong 27 năm qua, bà còn lần lượt phát hiện các khối u ở tử cung, vú, xương hàm. Ý chí và bản năng của một người mẹ đã giúp bà tìm được ý nghĩa sống ở đời.
Chạy tốc độ cao 81 tầng Landmark
Bà Xuyến (quê Lâm Đồng, đang tạm trú tại Q.1, TP.HCM) trông trẻ hơn tuổi 63 của mình. Bà rờ lên nước da láng mịn của mình khoe: “Tôi không hiểu sao càng chạy càng thấy mình khỏe, da tươi trẻ, người vui vẻ”.
Bà bắt đầu chạy bộ từ năm 2018, khi vừa tròn 60 tuổi. Nguyên nhân cũng từ con trai. “Nhiều người la tôi tại sao liều thế. Mẹ đã bệnh tật lại cho đi chạy các kiểu rồi còn chạy 81 tầng cầu thang, lỡ chết thì sao. Tôi nói là mẹ tôi tưởng như đã chết. Chiến thắng bệnh tật, mẹ may mắn được sống. Cái chết là điều tất yếu, nó sớm hay muộn cũng sẽ đến. Nhưng sống thì phải trải nghiệm và có niềm vui, có sự khao khát chứ không phải sống đến 90 tuổi nhưng cuộc đời đã chết ở tuổi 23”, Lê Hoàng Minh, con trai của bà Xuyến, kể.
Minh năm nay 27 tuổi, tốt nghiệp ngành luật và đang làm ở bộ phận pháp lý cho một công ty bất động sản tại TP.HCM. Năm 2018, anh biết tới giải marathon TP.HCM và tập luyện để tham gia. Anh đăng ký cự ly 21 km và nói “mẹ đi cổ vũ cho con”. Bà Xuyến nói “đứng ở ngoài buồn lắm, cho mẹ đi chạy cùng”. “Mẹ đăng ký 5 km. Sau vài tháng tập luyện, thành tích 2 mẹ con cải thiện rất đáng kể. Tôi nâng cự ly thành 42 km, mẹ nói vậy cho mẹ chạy 10 km, và bà hoàn thành với 1 giờ 14 phút 48 giây. Khi tôi cán đích, tôi chạy ào tới ôm mẹ khóc nức nở. Tôi nói mẹ ơi, chúng ta đã làm được rồi, mẹ đừng nghĩ là mẹ bệnh tật, con tự hào về mẹ, vì mẹ không bỏ cuộc”, Minh xúc động nhớ lại.
Sau 10 km đầu tiên, được động viên và tiếp thêm ý chí từ con trai, bà Xuyến tham gia các giải chạy lớn nhỏ ở cự ly 10 km với nhóm chạy SRC ở TP.HCM. Với chiếc đồng hồ thông minh đếm ki lô mét con trai mua tặng, bà Xuyến bền bỉ tập luyện mỗi ngày ở công viên Lê Văn Tám. Thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, bà chạy vòng vòng trên sân thượng 25 m2 nhà mình.
Thể lực, sức bền của bà Xuyến tăng lên, bà hoàn thành giải chạy La An Ultra Trail 35 km năm 2019; về đích sớm nhất nhóm tuổi 60 - 69 cự ly 21 km giải marathon Techcombank tháng 12.2019; chạy địa hình 38 km trong chặng 45 km của giải Đà Lạt Ultra Trail; leo núi Bà Đen tháng 8.2020 với thời gian từ chân núi tới đỉnh núi là 2 giờ 28 phút.
Đầu năm 2021, bà kết thúc 21 km giải chạy marathon TP.HCM với 2 giờ 22 phút và rất nhiều giải khác. Một trong những niềm tự hào nhất của bà là giải chạy leo cầu thang tốc độ cao 81 tầng Landmark ngày 28.4.2019, bà là một trong 4 người nhóm tuổi 50 - 65 về đích với thời gian 36 phút.
|
Cô bị u tuyến yên đây sao ?
Bà Xuyến lần đầu phát hiện khối u ở tử cung năm 1994, khi mang thai Minh và người mẹ đã từ chối điều trị khối u để sinh con ra lành lặn. Sau thời gian điều trị bằng viên phóng xạ, khối u teo lại. Nhưng đến năm 2007, bà phát hiện có khối u tuyến yên. Hai ca phẫu thuật (trong đó, một ca là xạ phẫu Gamma Knife tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM) giúp giảm đi 80% khối u. Các đợt kiểm tra sức khỏe sau đó của bà Xuyến cho thấy bà hồi phục tốt, thậm chí, bà kể vui có lần đi tái khám ở một BV, bác sĩ thấy bà khỏe mạnh, tươi tỉnh, cứ hỏi đi hỏi lại: “Bệnh nhân Xuyến đâu? Cô bị u tuyến yên đây sao?”.
Sau này khi phát hiện khối u ở ngực, rồi u ở xương hàm, bà Xuyến vẫn an nhiên, vừa uống thuốc theo lời khuyên bác sĩ, vừa suy nghĩ lạc quan. Niềm động viên lớn nhất của bà là “tôi đã có 2 người con”.
“Với 20% khối u còn lại trong não, tôi vẫn chạy bộ và dần chinh phục các mục tiêu của đời mình. Tôi nghĩ là dù thế nào cũng không là quá muộn để bạn sống với đam mê. Mục tiêu của tôi sẽ là chạy full marathon 42 km và chạy địa hình (trail running) 70 km”, bà Xuyến nói.
Hai mẹ con hiến tạng
Minh, người đưa mẹ vào “con đường chạy”, rất giống mẹ, nhất là việc luôn lạc quan. Bảy năm nay, anh tập yoga, đọc sách nhiều hơn và cùng mẹ chinh phục các giải chạy. Khi chúng tôi giơ máy ảnh chụp 2 mẹ con, anh nắm chặt tay mẹ. “Tôi thích ôm mẹ là chạy tới ôm, hôn mẹ như ngày tôi còn thơ bé. Bây giờ tôi thường động viên, hỏi ý kiến các huấn luyện viên xem mẹ nên tập chạy, ăn uống và tập bổ trợ thế nào là tốt nhất”, Minh tâm sự.
Cách đây 8 năm, khi Minh còn là sinh viên, hai mẹ con anh đã tới BV Chợ Rẫy để cùng đăng ký hiến tạng. Xong xuôi thủ tục, Minh lại chở mẹ qua BV Phạm Ngọc Thạch ghi danh để hiến xác cho nghiên cứu y khoa, nhưng lúc này BV đã ngừng tiếp nhận.
Minh bộc bạch: “Cuộc đời vô thường, sống nay chết mai. Mẹ con tôi luôn muốn chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ khi lỡ một ngày tôi không còn trên đời nữa. Tôi rủ mẹ đi, để đại diện người thân trong gia đình làm chứng bởi rất nhiều người đã đăng ký, nhưng khi chết rồi, gia đình lại không đồng ý để bác sĩ lấy tạng”.
Một người truyền cảm hứngRunner, travel blogger Liên Phạm, đồng thời là MC các giải chạy bộ bày tỏ sự ngưỡng mộ với bà Thân Thị Kim Xuyến. Liên Phạm nhiều lần chạy cùng bà Xuyến trong các giải, khi thấy bà, cô và nhiều người trẻ đều vẫy tay reo lớn: “Cô ơi cố lên!”.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, trưởng đơn vị Gamma Knife, Khoa Ngoại thần kinh, BV Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết: “Cô Xuyến là một trong 300 bệnh nhân đầu tiên xạ phẫu Gamma Knife tại BV Chợ Rẫy 14 năm trước. Tới bây giờ, cô gần như đã trở lại cuộc sống bình thường, tôi kiểm tra lại mọi thứ, cho thấy các chức năng tuyến yên của cô đã dần hồi phục”.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Bình, bên cạnh việc điều trị, bà Xuyến có quan điểm sống tích cực, có ý chí, tinh thần lạc quan, tập luyện thể thao tốt, điều đó cũng giúp cho quá trình bình phục tốt hơn. “Cô Xuyến có khoe tôi những giải chạy bộ mà cô chinh phục. Tôi động viên là cô làm rất tốt. Cô là người truyền cảm hứng sống tích cực cho rất nhiều người bệnh và cả những người trẻ đang khỏe mạnh”, ông chia sẻ.
|
Bình luận (0)