Giữ chân nhân lực y tế

06/08/2022 07:08 GMT+7

Thời gian qua, nhân viên y tế ở nhiều tỉnh, thành nộp đơn xin nghỉ việc vì lương thấp, không hài lòng với môi trường làm việc, cường độ làm việc quá cao… gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập.

Vậy giải pháp nào để giữ chân nhân lực trong hệ thống y tế công?

Nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt

Ngày 5.8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trực tiếp gặp gỡ đại diện cán bộ, nhân viên ngành y tế tại Sở Y tế TP.HCM cũng như trao đổi trực tuyến đến các bệnh viện (BV), cơ sở y tế. Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo và nhân viên ngành y tế đã bày tỏ hàng loạt tâm tư với Bí thư Thành ủy TP.HCM về trang thiết bị, cơ sở vật chất cho y tế cần được đầu tư, giải pháp bệnh án điện tử… Trong đó, nổi lên là vấn đề thu nhập và nhân viên y tế (NVYT) nghỉ việc.

Nhiều nhân viên y tế công lập giàu kinh nghiệm nghỉ việc khiến ngành y tế công khó khăn

NHẬT THỊNH

Theo Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngành y tế TP.HCM lại gặp những thách thức, khó khăn mới. Đó là dịch chồng dịch; thiếu thuốc, vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực, trong đó có một số cán bộ quản lý và nhân viên xin nghỉ việc; sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận NVYT. Riêng về nhân lực, từ đầu năm 2022 đến nay, TP.HCM có 891 NVYT cơ sở xin nghỉ việc, nhưng bù lại thì cũng có người mới xin vào làm.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, khóc khi nói về thu nhập nhân viên y tế

Khi BS không khỏe thì ai lo? Đây là câu hỏi làm chúng tôi luôn day dứt, áy náy.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Thống kê của Sở Y tế cho thấy tổng số người làm việc năm 2021 của ngành y tế công TP là 42.914 người; số người làm việc 6 tháng đầu năm là 42.608 người, giảm 306 người. Tuy số nghỉ chênh lệch không nhiều, nhưng gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc đều có thâm niên, kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành.

Điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

NHẬT THỊNH

Từ những khó khăn trên, ngành y tế TP đề ra giải pháp là tăng cường hỗ trợ nhân lực chuyên khoa và nhân lực quản lý đối với những đơn vị thiếu hụt nguồn nhân lực, ưu tiên cho các cơ sở gặp khó khăn như BV Mắt, BV TP.Thủ Đức, BV Q.7, Q.6, Trung tâm y tế Q.10… “Mặt khác, để chủ động giải pháp ổn định tâm trạng lo lắng của NVYT, lãnh đạo Sở Y tế luân phiên lắng nghe, tư vấn tâm lý, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ NVYT về nghỉ dưỡng, tổ chức hội thi là cơ hội giao lưu...”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ bản thân ông cảm thấy day dứt, áy náy vì chưa thấu hiểu hết được những trăn trở, băn khoăn của đội ngũ NVYT. Ông Nên dẫn một bài báo công bố kết quả khảo sát 500 bác sĩ (BS) đã nêu ra 6 nguyên nhân khiến họ nghỉ việc gồm: lương thấp, không hài lòng với môi trường làm việc, cường độ làm việc quá cao, không có cơ hội học hỏi nâng cao tay nghề, không hài lòng với giám đốc, không hài lòng với cấp trên trực tiếp. “Tôi không tin là lương thấp có thể khiến người ta bỏ việc, một sự không hài lòng nào đó làm người ta nản lòng, một giám đốc có thể làm người ta nản lòng… nhưng tôi tin rằng tất cả dồn lại một lần thì con người ta không vượt qua được”, ông Nên lý giải câu chuyện NVYT nghỉ việc hàng loạt.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, trước mắt, Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở Y tế cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của ngành y tế. Ngành y tế cần bám sát chiến lược y tế mà TP.HCM đã ban hành, để cụ thể hóa các vấn đề về nhân lực, chế độ chính sách, cơ sở vật chất… đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Về chính sách đãi ngộ, Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Sở Nội vụ bàn giải pháp tăng thu nhập cho tình nguyện viên, sinh viên ra trường về làm việc ở trạm y tế phường... “Khi BS không khỏe thì ai lo? Đây là câu hỏi làm chúng tôi luôn day dứt, áy náy”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề và và yêu cầu từng ngành, từng cấp, từng cá nhân theo trách nhiệm của mình phải tiếp tục chăm lo cho đội ngũ NVYT.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ cho NVYT để tham mưu UBND TP trình HĐND TP trong kỳ họp chuyên đề tháng 9.2022 hoặc kỳ họp cuối năm. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Phước Lộc cũng cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù về sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt đối với lĩnh vực y tế.

Cần điều chỉnh hệ số lương và quy định về lương

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức sáng 5.8, trả lời vấn đề nhân lực y tế công, BS Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết từ đầu năm 2021 đến 30.6.2022, toàn tỉnh có gần 500 người nghỉ việc, bao gồm 151 BS, 168 điều dưỡng, số còn lại là hộ sinh, dược sĩ… Sở Y tế đã tiến hành khảo sát, qua đó nhận thấy nguyên nhân nghỉ việc chủ yếu do thu nhập thấp.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như môi trường làm việc nhiều áp lực, lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình... Về giải pháp giữ chân NVYT trong thời gian tới, BS Bình cho hay đã chỉ đạo lãnh đạo các BV tạo môi trường làm việc phù hợp, nhằm phát huy khả năng, sở trường; động viên khích lệ; thi đua khen thưởng kịp thời; phân công, điều chuyển, bố trí cán bộ hợp lý; kết nối với các trường đào tạo để thu hút BS về cho Đồng Nai. “Hiện Sở Y tế cũng đang tham mưu dự thảo nghị quyết thu hút và hỗ trợ NVYT. Thu hút ở đây không chỉ BS, mà cả điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ... với mức hỗ trợ phù hợp để NVYT an tâm công tác”, BS Bình nêu.

Một giải pháp khác mà BS Bình nhấn mạnh là đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ, cần điều chỉnh hệ số lương và quy định về lương. “Vì thứ nhất, BS đào tạo 6 năm ra trường mà hệ số lương cũng bằng ngành đào tạo 4 năm là chưa hợp lý. Thứ hai, cần phải điều chỉnh chế độ phụ cấp đặc thù trong hoàn cảnh mới. Cuối cùng, phải tăng biên chế cho ngành y tế đối với những xã, phường đông dân cư”, BS Bình đúc kết.

Tương tự, trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại TP.HCM, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, bày tỏ: “Phải thi điểm rất cao mới đậu vào trường y. Mang tâm huyết ra trường, nhưng lương của BS trẻ mới ra trường là 7, 8 triệu đồng, mà sống ở TP.HCM thì làm sao sống nổi?”.

Vẫn phải chờ T.Ư

Cũng trong ngày 5.8, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay tỉnh này có 51 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc; trong đó 20 BS, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác. BV Sản - Nhi có số lượng nghỉ nhiều nhất với 12 người; tiếp đến là BV đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế H.Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người.

“Sở đang nhận thêm 5 hồ sơ xin nghỉ việc, trong đó có 4 BS. Số lượng nghỉ nhiều cũng ảnh hưởng đến công việc, như thời gian trực tăng lên từ ca 4 lên ca 3, anh em cố uyển chuyển công việc để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện Sở chuẩn bị tổ chức tuyển thêm nhân lực y tế và chờ T.Ư triển khai kết luận về việc tăng phụ cấp 100% cho hệ y tế cơ sở rồi mới tính tiếp được”, ông Kha thông tin.

Theo ông Kha, nguyên nhân cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc là do thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp còn thấp không đủ trang trải cuộc sống, thu nhập tăng thêm không đảm bảo, từ đó dẫn đến cán bộ ngành y không có động lực để làm việc. Năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch kéo dài, cán bộ ngành y phải chịu áp lực công việc nên có nguyện vọng tìm việc làm khác để giảm bớt áp lực, cải thiện thu nhập và lo cho cuộc sống gia đình được tốt hơn.

Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cho biết sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Y tế, Chính phủ tăng mức lương hoặc phụ cấp để cán bộ ngành y có nguồn thu nhập ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu cho đời sống được tốt hơn, góp phần nâng cao tinh thần, sức khỏe cho viên chức y tế đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, điều trị và chăm sóc cho nhân dân. Tăng định mức biên chế cho ngành y tế nhằm đảm bảo công tác khi dịch bệnh xảy ra, đào tạo nguồn nhân lực phòng chống dịch, nhất là tuyến xã và y tế dự phòng.

Bộ Y tế cho hay theo báo cáo từ các địa phương và các đơn vị trực thuộc, số nhân viên nghỉ việc được thống kê từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm nay là hơn 9.000 người (hơn 5.200 NVYT thôi việc trong năm 2021); 6 tháng đầu năm nay có hơn 4.000 người, trong đó gần 360 người công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song lý do chủ yếu là thu nhập thấp, chế độ phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu sống, đặc biệt tại đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở. Trong khi đó, các đơn vị y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn...

Tại Hà Nội, thống kê mới nhất của Sở Y tế cho biết, trong năm 2021, toàn ngành y tế TP có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. 4 tháng đầu năm nay có 243 người nghỉ việc và xin chuyển công tác. Nguyên nhân khiến nhiều cán bộ, nhân viên ngành y thủ đô xin nghỉ việc, chuyển công tác được lý giải là do phải làm việc quá tải, không kể ngày, đêm. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho NVYT còn thấp.

Hiện Hà Nội có khoảng 37 cơ sở y tế là đơn vị tự chủ, nguồn thu giảm không đủ bù đắp, chủ yếu sống bằng tiền lương. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho hay Sở vừa trình UBND TP.Hà Nội dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế thủ đô. Mức hỗ trợ đề xuất 5 - 10 triệu đồng/người, tổng kinh phí cho khoản hỗ trợ này ước tính cần 248 tỉ đồng.

Thúy Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.