Giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu làm gì?

12/11/2022 06:41 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì từ thực tế cửa hàng đóng cửa, người dân phải xếp hàng dài chờ mua xăng những ngày qua, không thấy vai trò của quỹ này ở đâu.

Không rõ vai trò Quỹ bình ổn ở đâu?

Chiều 11.11, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội (QH) khóa XV, QH thảo luận về luật Giá sửa đổi. Theo dự thảo luật trình QH, Chính phủ đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, là quỹ bình ổn duy nhất hiện nay. Tuy vậy, nhiều đại biểu (ĐB) QH bày tỏ không đồng tình với đề xuất này.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp

Gia Hân

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: Từ đầu tháng 10 tới nay, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng, nhiều cây xăng đóng cửa, người dân phải xếp hàng dài để chờ mua xăng. “Vậy không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này nữa không? Nên chăng đã đến lúc thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa tuân theo quy luật thị trường”, ông Thịnh nêu và đề nghị 2 bộ Tài chính, Công thương cân nhắc một cách thận trọng vấn đề này.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu như hiện nay. Theo ĐB Hòa, lý do quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, nguồn hình thành tính vào giá mua (xăng, dầu) do người tiêu dùng chi trả, hiện là 300 đồng/lít, song lại do doanh nghiệp quản lý, quyết định. Người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối. Mặc khác, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, do đó cần theo cơ chế thị trường sẽ hợp lý hơn. “Trong trường hợp thật cần thiết Nhà nước sẽ điều tiết giá xăng dầu bằng công cụ khác như thuế, phí và hỗ trợ khác cho đối tượng yếu thế”, theo ông Hòa.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng: Bình ổn giá là hành động can thiệp vào thị trường, chỉ nên sử dụng trong vài thời điểm nhất định, một vài trường hợp nhất định. Đặc biệt, với mặt hàng xăng dầu, theo ông An, những gì đang diễn ra cho thấy cần sự điều chỉnh phù hợp trong bình ổn giá. “Trong biện pháp bình ổn giá, mục tiêu là đảm bảo cho thị trường ổn định, nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp. Như trong câu chuyện xăng dầu hiện nay, tại sao doanh nghiệp nói càng nhập càng lỗ, càng bán càng lỗ? Chúng ta xác định mối quan hệ này thế nào để thực hiện cho thật hài hòa”, ông An phân tích.

Dẫn báo báo cáo giải trình của Bộ Tài chính có nêu quỹ này là bước đệm để quản lý giá xăng dầu, không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc, ông An nói: “Tôi không hiểu bước đệm này là gì?”. Theo ông An, các lý do nhiều ĐB nêu về việc không nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đều có lý, và bản thân ông cũng không đồng tình với việc tiếp tục duy trì quỹ này. “Chúng ta hiện có nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không lý do gì cần tồn tại quỹ này”, ông An nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói về vụ nâng khống giá của Việt Á: "Đó chỉ là giá để mua 200.000 kit tets thôi"

Giải trình ý kiến ĐB cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Công thương, các bộ, ngành khi được lấy ý kiến đều đề nghị giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông Phớc, giá xăng dầu tăng lên thì ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Việc giữ quỹ này giúp giảm sốc từ từ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện có 5 công cụ để điều chỉnh giá xăng dầu. Thứ nhất là thuế, thứ hai là chi phí định mức, thứ ba là nguồn cung, thứ tư là thông qua cấp phép, thứ năm là Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Càng nhiều công cụ thì đảm bảo điều chỉnh, giảm sốc giá xăng dầu phục vụ cho việc phát triển KT-XH, ổn định sản xuất kinh doanh, cuộc sống người dân là điều rất cần thiết.

“Khoảng trống” định giá làm nảy sinh tham nhũng

Liên quan tới quy định về định giá, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng dự thảo luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá đối với doanh nghiệp ở T.Ư, và giao việc này cho các bộ, ngành thì “khó có thể yên tâm”. Nguyên nhân là vì không phải bộ, ngành nào cũng có bộ phận chuyên môn về định giá và không có đủ nhân lực làm việc này.

“Xuống nước trước, tập bơi sau là việc làm nguy hiểm”, bà Thúy nói. Bên cạnh đó, bà Thúy băn khoăn việc để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thì liệu có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp kit test của Công ty Việt Á hay không? “Nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật”, bà Thúy nói và đề nghị bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở T.Ư.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận các vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua bằng ngân sách hoặc khi bán tài sản công. Nguyên nhân căn bản, theo ông Cường, là trong quy định pháp luật hiện nay chưa có những quy định một cách chặt chẽ, một cách cụ thể những căn cứ, những phương pháp để xác định giá cả hàng hóa.

“Chính vì chúng ta chưa có căn cứ một cách chặt chẽ và cụ thể, cho nên rất có thể khi định giá thì người ta đã tìm các căn cứ mà có lợi cho việc định giá, làm thế nào có thể hàng hóa bán có lợi nhuận thấp xuống, rồi khi mua thì tìm căn cứ để đưa hàng hóa đó giá trị cao lên”, ông Cường phân tích và đề xuất phải “làm kín” khoảng trống này.

ĐB đoàn Hà Nội cũng cho rằng kê khai giá là cơ sở dữ liệu đầu vào quan trọng làm cơ sở để xác định giá. Do vậy, ông Cường đề nghị hoạt động kê khai giá này không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa hiện nay mà tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông đều phải kê khai giá. Theo đó, chỉ có 2 đối tượng phải kê khai giá là doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và doanh nghiệp nhập khẩu lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa vào tiêu thụ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói sẽ tiếp thu ý kiến của ông Hoàng Văn Cường vì nhiều loại phải kê khai giá quá cũng không đủ lực lượng để rà soát. Do đó, nếu kê khai giá tập trung vào một số giá cụ thể thì sẽ sâu hơn, kiểm soát được.

Quốc hội quyết định tăng lương công chức, viên chức từ 1.7.2023

Chiều 11.11, QH đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, QH quyết định từ 1.7.2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (hiện lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng); tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Đồng thời, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, QH đồng ý điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề từ ngày 1.1.2023 theo Kết luận số 25 ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết cũng nêu rõ, các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế chính sách, thu nhập đặc thù ở T.Ư được cấp có thẩm quyền quy định với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thì tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27. Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1.7.2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).

Các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.