Tăng lương, thêm ưu đãi vẫn không giữ được giúp việc
Sau tết, khó khăn lắm gia đình chị Phương Nga, ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới tìm được giúp việc trông con, nhưng cuối tuần qua, người giúp việc xin về quê “một đi không trở lại”. Chị Nga kể: “Bác giúp việc nói chồng ốm, xin phép về quê. Chủ nhật vừa rồi lại thấy gọi điện báo chồng không cho lên Hà Nội làm nữa vì nghe khu chung cư của mình có người bị cách ly, sợ lây bệnh Covid-19. Mình hứa tăng lương từ 5 triệu lên 5,5 triệu, bác ấy vẫn không chịu”.
Đang mùa dịch bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em và người già, nhiều gia đình “quán triệt” người giúp việc hạn chế ra ngoài đường, không về quê thăm gia đình, bà con. Tuy nhiên, quy định của các gia chủ khiến nhiều giúp việc không thoải mái, cộng thêm tâm lý lo sợ dịch bệnh, nên đã đòi về quê. Chị Kim Thoa, ở quận Hà Đông, cho hay: “Về quê thời điểm này đi tàu xe, sinh hoạt tập thể rất khó kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh. Mình chỉ mới nhắc nhẹ thế mà bác giúp việc đã tự ái bỏ về quê. Gọi điện đến các trung tâm tìm người thì nơi nào cũng bảo phải chờ. Tuần này, hai vợ chồng đành thay nhau xin nghỉ ở nhà làm online”.
Trên các diễn đàn giúp việc gia đình, giúp việc theo giờ, câu lạc bộ giúp việc sinh viên… những ngày qua, rất nhiều người đăng tải thông tin tìm người giúp việc theo giờ với mức lương 150.000 đồng/buổi, 70.000 đồng/giờ, nếu ăn ở tại nhà giá 5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, nhiều người còn sẵn sàng trả thêm tháng lương thứ 13, tiền tàu xe, tiền gửi xe tháng (với người giúp việc theo giờ)… tuy nhiên, nhu cầu thì nhiều, nhưng nguồn cung vô cùng khan hiếm.
Cần chương trình đào tạo giúp việc
Là công ty chuyên cung ứng lao động giúp việc gia đình, tạp vụ văn phòng, lao động phổ thông, anh Nguyễn Mạnh Cường, quản lý Công ty TNHH và dịch vụ An Tâm (quận Nam Từ Liêm), cho biết dịch bệnh những ngày qua đã làm giảm 50% số lượng lao động giúp việc gia đình tại công ty. “Chúng tôi tuyển dụng lao động khắp cả nước, trong đó đông nhất vẫn là các lao động nông thôn khu vực phía bắc như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Bình, Thanh Hóa… Những năm trước, trung bình mỗi tháng tuyển từ 60 - 70 người, năm nay số lượng giảm đi một nửa. Nhiều lao động tuyển dụng xong nhưng trả lời chờ hết dịch mới lên Hà Nội đi làm”, anh Cường than thở. Trong bối cảnh khó khăn chung, anh Cường cho hay, công ty chỉ còn cách cố gắng duy trì tuyển dụng, khai thác tìm nguồn từ các địa phương để cung ứng cho thị trường Hà Nội.
Trong khi đó, Công ty Thiên Kim chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh tại các khu chung cư ở Hà Nội mới đây cũng đã phải gửi thông báo tới các khách hàng tạm dừng dịch vụ trong 1 tuần, từ 9 - 15.3. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, quản lý Công ty này, cho biết sau khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh số 17 nhiễm Covid-19, đã có những thông tin làm hoang mang dư luận. “Nhân viên chúng tôi dọn vệ sinh theo giờ tại các gia đình, căn hộ chung cư, thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với chủ nhà, những người trong căn hộ, nên họ rất lo lắng khi thông tin dịch bệnh lan truyền. Chúng tôi đã phải quyết định tạm dừng cung cấp dịch vụ. Dù biết sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của công ty, nhưng sức khỏe và an toàn của mọi người là quan trọng nhất. Đến ngày 10.3, các nhân viên cũng đã về quê hết”, chị Hồng cho hay.
Theo chị Hồng, công ty đã khuyến cáo nhân viên về quê hạn chế đi lại, tiếp xúc với người lạ; nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng bằng cách uống trà gừng mật ong. “Dịch bệnh không trừ một ai, chúng tôi chỉ có thể bảo vệ nhân viên bằng cách này. Nếu tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, nhân viên sẽ tiếp tục ở lại, công ty tiếp tục dừng cung cấp dịch vụ cho đến khi tình hình ổn định. Cũng may khách hàng thông cảm với chúng tôi”, chị Hồng chia sẻ.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng cho hay, đa phần giúp việc ở Hà Nội đều là lao động nông thôn, ngoại tỉnh, có trình độ học vấn không cao, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm. Khi thuê người giúp việc, chủ nhà thường không có văn bản giấy tờ, mà chỉ thỏa thuận bằng miệng, khiến người giúp việc tự ý bỏ việc, tự ý đòi tăng lương; hoặc chủ nhà có thể tự ý cho người giúp việc thôi làm nếu thấy không hài lòng.
Bên cạnh đó, theo bà Liễu, do dịch bệnh kéo dài, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội cho sinh viên nghỉ học, nên nhiều bạn trẻ còn ở quê chưa lên Hà Nội. “Các gia chủ muốn có được nguồn giới thiệu người giúp việc tin cậy, muốn biết những thông tin chính xác về gia cảnh, địa chỉ sinh sống của người sẽ giúp việc cho gia đình mình, cần có giao kết bằng hợp đồng, hoặc nên thông qua các trung tâm uy tín”, bà Liễu nói, và mong muốn để việc kết nối cung - cầu cho lao động giúp việc gia đình chuyên nghiệp, hiệu quả, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đưa nghề giúp việc gia đình vào đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo khung chương trình thống nhất.
Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm giúp việc gia đình những dịp cao điểm, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị khảo sát chi tiết về thị trường lao động, qua đó nắm bắt nhu cầu thực tế của nghề giúp việc gia đình để đề xuất các giải pháp kết nối cung - cầu phù hợp, hiệu quả.
Bình luận (0)