Chiều 12.12, chủ trì hội nghị công bố và triển khai nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành trong tháng 1.2025 để tránh lãng phí tài nguyên, góp phần đảm bảo nguồn điện cho phát triển.
Theo Bộ Công thương, đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%.
Sản lượng điện phát của nguồn điện lũy kế năm 27,31 tỉ kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 12,75% hệ thống điện. Kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, việc phát triển điện năng lượng tái tạo thời gian qua phát sinh một số sai phạm như một số dự án hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng; công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình.
Một số dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản, thủy lợi, đất quốc phòng; chưa đúng về trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai; đầu tư điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp…
Thủ tướng cho biết, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của đất nước ở mức 8%, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 ở mức 2 con số.
Với quy mô các dự án điện năng lượng tái tạo đã đầu tư lên đến 308.409 tỉ đồng (tương đương khoảng 13 tỉ USD), việc chậm trễ, không đưa các dự án vào khai thác sử dụng gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội; không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, những sai phạm trong phát triển điện năng lượng tái tạo thời gian qua phải được xử lý, khắc phục theo quy định. Song, không để các dự án ách tắc mà phải tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục triển khai.
Do đó, Chính phủ thống nhất, tích cực xây dựng phương án tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng thống nhất tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo theo hướng lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội; hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích nhà nước - nhà đầu tư.
Các dự án sai phạm xử lý ra sao?
Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bằng giải pháp kinh tế. Nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình theo quy định pháp luật.
Thủ tướng thống nhất cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.
Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng đầy đủ các điều kiện, thì không được hưởng giá ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định. Đồng thời, thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Thủ tướng yêu cầu việc xử lý hoàn thành trước tháng 2.2025, nghiêm cấm việc xử lý vướng mắc để tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân.
Bình luận (0)