Điều này gây ô nhiễm nguồn tư liệu học thuật và góp phần làm tha hóa môi trường khoa học.
Loạt 9 bài báo mạo danh của tác giả Tim Chen, người được Trường ĐH Tôn Đức Thắng giới thiệu như là một giáo sư của trường mình, bị Viện Nghiên cứu quốc gia về khoa học biển của Pháp (IFREMER) phát hiện, cho thấy phần nào góc khuất trong công bố quốc tế với nhiều chiêu trò, mánh khóe gian lận (Xem bài: Một "giáo sư ngoại" trường ĐH Việt Nam bị tố giả mạo trong hoạt động khoa học trên Thanh Niên ngày 3.3). Những hiện tượng như mạo danh, ngụy tạo tác giả, khai man địa chỉ làm việc hay đạo văn đều đã được phát hiện trước đây nhưng thường xuất hiện riêng lẻ. Hiếm khi cả 4 sai phạm nghiêm trọng về đạo đức xuất bản này lại cùng xảy ra trong không chỉ một bài mà mang tính hệ thống với 9 bài báo liền.
Hệ lụy từ việc tôn sùng bài báo ISI/scopus
Nhiều người làm nghiên cứu nghiêm túc có lẽ sẽ bất ngờ khi thấy những bài báo mắc nhiều sai phạm như vậy lại có thể vượt qua quá trình bình duyệt để đăng trót lọt trên cả các tạp chí ISI/Scopus chứ không chỉ xuất hiện trên tạp chí săn mồi. Ở Việt Nam hiện nay, ISI/Scopus thường được dùng làm chuẩn mực để đánh giá chất lượng tạp chí.
Tim Chen trên website Khoa CNTT của Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong bản tin về một sinh hoạt học thuật của khoa do người này chủ trì ngày 29.10.2018 với slide bị cho là đạo văn |
chụp màn hình |
Đây là slide của Will G Hopkins với địa chỉ nơi làm việc là Khoa Thể thao và Giải trí, ĐH Auckland, New Zealand |
chụp màn hình |
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chỉ nên coi ISI/Scopus là công cụ sàng lọc thô sơ ban đầu các tạp chí mà thôi. Danh mục ISI và Scopus bao gồm hàng vạn tạp chí thượng vàng hạ cám, trong đó có không ít tạp chí chất lượng rất đáng nghi vấn, thậm chí lẫn cả tạp chí săn mồi. Hằng năm,
ISI/Scopus đều loại bỏ nhiều tạp chí kém chất lượng, vi phạm đạo đức xuất bản hoặc không còn đáp ứng được các tiêu chí của các danh mục này. Nói cách khác, ISI/Scopus không phải chuẩn mực hay khuôn vàng thước ngọc bảo chứng cho chất lượng tạp chí, lại càng không phản ánh chất lượng mỗi bài báo, mà chỉ là hàng rào kỹ thuật và mặt bằng tối thiểu về chất lượng tạp chí mà thôi.
Chính vì thế, không quá khó hiểu khi nhiều tạp chí tuy nằm trong danh mục ISI/Scopus nhưng đã xử lý các bài báo gian lận của Tim Chen theo cách bất thường và đáng thất vọng, trái với quy ước, thông lệ quốc tế và hướng dẫn của Ủy ban Đạo đức xuất bản. Thế nhưng, miễn là được gắn mác ISI/Scopus, những bài báo dù gian lận vẫn sẽ được các tổ chức xếp hạng sử dụng làm căn cứ để tạo ra các bảng xếp hạng ĐH hằng năm.
Theo thống kê của Retraction Watch, cơ sở dữ liệu về các bài báo bị gỡ bỏ lớn nhất thế giới của trang này hiện bao gồm hơn 32.000 bài. Riêng trong năm 2021, Retraction Watch đã ghi nhận hơn 3.000 bài báo bị các tạp chí rút bỏ.
Tuy vậy, số lượng bài báo gian lận, vi phạm đạo đức xuất bản, đáng bị xóa bỏ khỏi kho tư liệu học thuật nhưng chưa bị phát hiện có thể lớn hơn con số 32.000 rất nhiều. Những kẻ gian lận, danh tính đáng ngờ như Tim Chen dễ dàng lợi dụng nhiều kẽ hở và điểm yếu trong hệ thống xuất bản khoa học hiện nay để đăng hàng vạn bài báo rác nhưng các mánh khóe, chiêu trò của họ hiếm khi bị phát hiện.
Các trường ĐH chạy theo thành tích ảo, mua bán bài báo vô tội vạ cùng các nhà xuất bản và tạp chí vô trách nhiệm, không coi trọng liêm chính và đạo đức xuất bản chính là những đối tượng giúp sức đắc lực nhất cho những kẻ gian lận như Tim Chen, gây ô nhiễm nguồn tư liệu học thuật và góp phần làm tha hóa môi trường khoa học.
Trách nhiệm giải trình
Đây không phải lần đầu tiên gian lận trong bài báo của các tác giả ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng bị phát hiện.
Theo các thông báo của IFREMER trên PubPeer về loạt 9 bài báo mạo danh của Tim Chen, cơ quan này cho biết họ đã liên lạc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng hơn 1 năm trước, vào tháng 1.2021, để thông báo về việc Tim Chen mạo danh nhà nghiên cứu của viện này và ĐH Melbourne. IFREMER cho biết Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã tiến hành điều tra hành vi gian lận của Tim Chen, nhưng IFREMER không có thẩm quyền pháp lý để công bố kết quả điều tra của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Tim Chen vẫn có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu chủ trì giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh theo đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng |
chụp màn hình |
Như chúng tôi đã phân tích trong bài trước, một mặt Tim Chen nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu chủ trì giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh theo đề án tuyển sinh các năm 2019, 2020 và 2021 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mặt khác lai lịch và danh tính của người này lại rất khó xác định qua các nguồn thông tin công khai. Câu hỏi quan trọng cần đặt ra cho những người có trách nhiệm tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng là tại sao hơn nửa năm từ lúc nhận được thông báo của IFREMER vào tháng 1.2021 về hành vi gian lận và sai phạm nghiêm trọng của Tim Chen, trường này vẫn giữ lại tên Tim Chen để tính chỉ tiêu tuyển sinh theo đề án tuyển sinh năm 2021 công bố ngày 27.8.2021?
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng lại cho rằng: “Ông Tim Chen có hợp đồng làm việc với trường từ tháng 8.2018. Tuy nhiên, do phát hiện ông có dấu hiệu vi phạm các quy định của nhà trường về liêm khiết trong nghiên cứu khoa học, nhà trường đã kết thúc hợp đồng làm việc với ông Tim Chen từ tháng 7.2021”.
Nhiều lần trước đây, khi nghi vấn “mua - bán” bài báo để tạo thành tích ảo cũng như gian lận trong các bài báo bị gỡ bỏ của các tác giả ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng được đặt ra, trường này đã im lặng và không đưa ra bất kỳ phản hồi trực tiếp và chính thức nào. Lần này, khi IFREMER đã liên lạc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng về hành vi gian lận của nhân vật đáng ngờ Tim Chen, cũng như đăng thông báo rộng rãi về vụ việc trên PubPeer tới cộng đồng khoa học, chúng tôi thiết nghĩ những người có thẩm quyền ở trường này không nên né tránh thêm nữa việc thực hiện trách nhiệm giải trình của họ: trước hết là giải trình với chính cán bộ viên chức, người lao động và sinh viên của trường; sau đó là giải trình với cộng đồng khoa học và rộng hơn là công luận. Không coi trọng minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình, ĐH sẽ không bao giờ giành được niềm tin của công chúng để thực hiện sứ mệnh của nó.
Theo tiến sĩ Doãn Minh Đăng, một nhà khoa học đang làm việc ở Đức, tháng 1.2021, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đăng lên trang web của trường bài “Đạo đức nghiên cứu và chương trình tầm soát công bố khoa học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng” để giải trình việc trường đã thành lập Ủy ban Đạo đức khoa học từ năm 2016 nhằm phòng ngừa, phát hiện và điều chỉnh sự lạm dụng hay tha hóa trong công bố khoa học. Dù vậy, nhiều bê bối trong công bố khoa học liên quan nhà nghiên cứu của trường vẫn nảy sinh trong những năm 2018 - 2021, điều này cho thấy việc trường ĐH có hay không có ủy ban đạo đức là một chuyện, hiệu quả thực chất của ủy ban này thế nào lại là một chuyện khác.
Slide bài giảng của Tim Chen tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng là đạo văn
Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Một "giáo sư ngoại" trường ĐH Việt Nam bị tố giả mạo trong hoạt động khoa học, một bạn đọc phản hồi, ngay cả slide bài trình bày của Tim Chen tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng hồi tháng 10.2018 cũng là “đồ chôm”.
Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, thông tin đúng như bạn đọc phản ánh. Theo bức ảnh được đăng trên trang web của Khoa CNTT, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nội dung và hình thức trang đầu tiên của slide mà Tim Chen sử dụng trùng khớp hoàn toàn với trang đầu tiên trong một slide của Will G Hopkins, trừ thông tin về người soạn slide. Phần tác giả, slide của Tim Chen ghi rõ “Tim Chen” (không có địa chỉ nơi làm việc); còn slide của Will G Hopkins thì ghi tên mình, kèm theo địa chỉ nơi làm việc là Khoa Thể thao và Giải trí, ĐH Auckland, New Zealand.
Will G Hopkins là nhà nghiên cứu về khoa học thể thao, ông lập một trang riêng Sportscience (sportsci.org), để cung cấp tài liệu, các nghiên cứu, công bố... trong khoa học thể thao. Slide mà Tim Chen “đạo” được tải lên trang này từ năm 2006.
Quý Hiên
* (Bài viết là của cá nhân các tác giả, không phản ánh quan điểm của nơi tác giả làm việc).
Bình luận (0)