Sau những ngày đi thực tế lâm phần “rừng cộng đồng” thôn 4 tại tiểu khu 438a và 439, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy rừng bị “chia năm xẻ bảy”, mạnh ai nấy “cải tạo” để cho ra những trang trại cà phê, những vườn bơ, vườn chanh dây… Ngay dưới tán cà phê, bơ, trồi lên những gốc cây rừng bị đốt cháy xém, có những cây mới bị đốn ngã chưa lâu. Điều đáng nói, chủ của những trang trại này không phải 9 thành viên ban đầu được giao rừng, mà có cả một số “đại gia” đến từ địa phương khác và cả người nhà một số cán bộ địa phương. Chúng tôi hỏi một chủ vườn vì sao lại được canh tác cả chục héc ta cà phê, bơ trên đất rừng, ông này cho biết “hợp tác sản xuất với ông D. tổ trưởng nhận rừng cộng đồng”. Phương thức hợp tác được ông “tiết lộ” là: “Tôi nộp tiền cho ông D., ông chia rừng cho tôi trồng cà phê”...
Qua câu chuyện cho thấy sau khi bàn giao rừng về cộng đồng dân cư thì việc quản lý, bảo vệ rừng “phó thác” trong tay ông tổ trưởng. Khi PV Thanh Niênlàm việc với ông Phan Duy Tâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, ông cho biết có nhận đơn người dân tố ông K. (cán bộ xã Lộc Phú, là chú của ông D.) bán “rừng cộng đồng” với giá 200 triệu đồng/ha và UBND xã đã hướng dẫn người tố cáo gửi đơn đến công an để làm rõ. Ngoài ra, ông Nguyễn Tài Tú, hạt trưởng hạt Kiểm lâm H.Bảo Lâm, cũng thừa nhận các thành phần nhận rừng không đúng như ban đầu.
Chính sách của nhà nước khi giao đất, giao “rừng cho cộng đồng” thôn bản nhắm đến mục tiêu đảm bảo rừng có chủ và được bảo vệ tốt, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân... Thế nhưng, có bao nhiêu “rừng cộng đồng” đạt được mục tiêu này? Thật khó có thể chấp nhận khi cộng đồng nhận rừng rồi thì chính quyền địa phương phó mặc để một vài cá nhân “chia năm xẻ bảy” hưởng lợi.
Bình luận (0)