'Gọi bình yên về’, cuộc hội ngộ 'núi rừng' của những nghệ sĩ cao nguyên tại TP.HCM

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
07/12/2022 18:15 GMT+7

Gọi bình yên về, triển lãm quy tụ các nghệ sĩ đến từ vùng đất cao nguyên. Họ mang theo hành trang của những tâm hồn đậm chất núi rừng và nguồn cảm hứng vô tận, đầy sắc màu ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Triển lãm Gọi bình yên về giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật các tác phẩm đặc sắc của các họa sĩ tên tuổi như: Hồ Thị Xuân Thu, Bùi Văn Quang, Lê Vấn, Mai Thị Kim Uyên và nhà điêu khắc Nguyễn Vinh.

Tác phẩm Cơn mưa chợt đến (họa sĩ Lê Vấn), lụa 60cm x 80cm, năm 2021

Ngôi nhà gỗ (Lê Vấn), lụa 60cm x 80cm, năm 2021

Hoàng hôn xóm núi (Lê Vấn), lụa 60cm x 80cm, năm 2021

Nhà cũ trên đồi (Lê Vấn), lụa 60cm x 80cm, năm 2021

Họa sĩ Lê Vấn, quê Quảng Nam, hiện anh sinh sống và làm việc tại Đắk lắk

nvcc

Không gian Gọi bình yên về (diễn ra đến ngày 14.12) tại 97A Phó Đức Chính, Q.1 – TP.HCM, 'mở màn' là những tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Vinh, một nghệ sĩ trẻ tuổi nhưng rất được đông đảo công chúng biết đến thông qua nhiều tác phẩm điêu khắc được đoạt giải trong các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Với ngoại hình phong trần, cách nhìn phóng khoáng, nội tâm sâu sắc, tính cách có chút bất cần đời và có chút liều lĩnh nhưng tâm tư và tình cảm thì lại giàu cảm xúc đặc biệt là đối với nghệ thuật, đã tạo nên một Nguyễn Vinh nhanh nhạy, dũng cảm, độc đáo và phá cách.

Các họa sĩ khám phá đầy đủ những chất liệu truyền thống và hiện đại

Triển lãm giới thiệu đến công chúng loạt tác phẩm lụa đặc sắc của họa sĩ Lê Vấn, quê Quảng Nam, hiện anh sinh sống và làm việc tại Đắk lắk. Ngôn ngữ trong tạo hình trong tranh của họa sĩ Lê Vấn có những nét rất riêng biệt, khi trầm lắng, khi rực rỡ trên chất liệu lụa nổi tiếng nơi quê nhà.

Đôi bạn của Kim Uyên

Món quà từ trần gian của họa sĩ Kim Uyên

Miền hoa dại của họa sĩ Kim Uyên, sơn dầu, 100x180 cm, năm 2021

nvcc

Các gam màu đa dạng như hồng, xanh lam, xám, vàng, cam… được họa sĩ Lê Vấn thể hiện trên nền lụa một cách nhẹ nhàng, thêm chút nhấn nhá trong những mảng màu sáng, tạo nên sự hư ảo cho tác phẩm. Những vệt màu tựa khói sương hiện lên trên các ngọn đồi, trên những thung lũng nắng, hay trên những mảng rừng xanh trong các bức tranh tiêu biểu như: Vệt nắng lưng đèo, Xóm trên đồi xanh, Đất đỏ, Bên đồi nắng bụi… ta sẽ thấy được một lối miêu tả đậm nét Á đông, với góc nhìn xa xăm tựa tranh thuỷ mạc, phong cảnh được đặc tả với nhiều tầng lớp đan xen nhau. Cách vẽ và cách quan sát của hoạ sĩ tựa như cái nhìn của người thi sĩ đang đừng trên một tầng cao, càng lên cao càng thoả mãn được tầm mắt. Sự hoà sắc và cách xử lý ánh sáng trong tranh thực sự rất cuốn hút người nhìn.

Tác phẩm của Nguyễn Vinh thì khắc hoạ một cách tinh tế, chân thực, ẩn hiện lên trên một khoảng không gian mênh mông bát ngát của phố núi, của thảo nguyên bao la

nvcc

Các tác phẩm của Lê Vấn thẩm thấu một sự an nhiên nội tại bằng cách dùng trường nhìn thị giác rộng mở để tạo khoảng lặng trong tâm hồn người xem. Cùng một lối thể hiện, dưới một góc nhìn, nhưng mỗi tác phẩm đều cho người xem sự tìm kiếm và thụ cảm nghề riêng biệt. Phải là một người rất mực yêu cuộc sống thì mới truyền được những hơi thở về cái đẹp của thiên nhiên, cảnh vật một cách hư ảo đầy lãng mạn như vậy.

Đến với triển lãm lần này còn có hai nghệ sĩ nữ theo đuổi đam mê với sơn mài, đó là hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu và hoạ sĩ Mai Thị Kim Uyên. Những ai từng làm sơn mài, ắt hẳn sẽ hiểu được nổi vất vả của người nghệ sĩ. Đặc biệt đối với các hoạ sĩ nữ, sơn mài quả là một thách thức lớn. Phải có một tình yêu mãnh liệt thì mới bước qua được những thử thách và khó khăn khi làm nghề.

Điểm nhấn của các tác phẩm mà hoạ sĩ Kim Uyên giới thiệu đến công chúng là những thông điệp nhẹ nhàng thanh thoát, với những đề tài về con người và cuộc sống, dưới góc nhìn của một tuổi trẻ hăng say và nhiệt huyết. Tạo hình trong tranh của hoạ sĩ Kim Uyên thừa hưởng được cái đẹp trong chủ nghĩa tượng trưng, kết hợp với góc nhìn cá nhân mang chút đương đại và pha chút tinh thần của tuổi trẻ sôi nổi, tỉ mỉ, trau chuốt trong từng đường nét, sinh động trong màu sắc, nổi bật lên được sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây.

Lãnh đạo Hội Mỹ thuật TP.HCM (trái) tặng hoa chúc mừng các họa sĩ tham gia triển lãm

Men rừng (Hồ Thị Xuân Thu), sơn mài . 80x200 cm, năm 2005

Mùa gió hát (Hồ Thị Xuân Thu), sơn mài. 120x300 cm, năm 2020 - 2022

Nắng ven đồi (Hồ Thị Xuân Thu, sơn mài 100x200 cm, năm 2021

nvcc

Còn họa sĩ Bùi Văn Quang biết kết nối hình ảnh của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam và nghệ thuật tạo hình hiện đại với việc khai thác các chủ đề về những nét đẹp của con người và cuộc sống. Có thể nói tranh của ông gói gọn với chữ Duyên. Duyên về màu, về hình và cả nội dung. Các đề tài ông chọn không cao sang, phức tạp nhưng lại rất gần gũi với sinh hoạt hằng ngày. Mỗi bức tranh ông kể về một kỷ niệm của mình, có những bức khi sáng tác ông không định hình trước về nội dung, chủ đề đến với ông một cách rất ngẫu nhiên nhưng lại đem lại một xúc cảm rất chân thực.

Tác phẩm của Nguyễn Vinh thì khắc hoạ một cách tinh tế, chân thực, ẩn hiện lên trên một khoảng không gian mênh mông bát ngát của phố núi, của thảo nguyên bao la, đem lại một sự suy ngẫm sâu xa trong những hình ảnh mang tính ẩn dụ, ước lệ, hiện lên trên các khối hình vững chãi tạo hiệu ứng về ánh sáng vừa siêu thực vừa mơ hồ. Các hình thức thể nghiệm đa dạng như sơn dầu, lụa, điêu khắc, sơn mài… giúp các hoạ sĩ thực sự khám phá đầy đủ bản chất của những chất liệu truyền thống và hiện đại, tận dụng được hết trọn vẹn các tính năng của những tư liệu sáng tạo nghệ thuật.

Mùa thu hoạch (Bùi Văn Quang), sơn dầu 81x100 cm, năm 2022

Thiếu nữ (Bùi Văn Quang, sơn dầu)

Tác phẩm Ngày hội tuổi thơ của họa sĩ Bùi Văn Quang

nvcc

Không chỉ để chinh phục bản thân trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, mà người nghệ sĩ ở triển lãm Gọi bình yên về tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM còn là khao khát tìm kiếm sự đồng cảm từ những người xung quanh, đặc biệt từ thế hệ trẻ để tiếp thêm lửa đam mê trên con đường lao động nghệ thuật một cách tận tâm, nghiêm túc của các họa sĩ yêu nghề nơi phố núi xa xôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.