Ngoài những lúc rực rỡ trên sân khấu, khi bỏ vương miện xuống, H’Hen Niê vô cùng năng động và gần gũi. Không chỉ tích cực tham gia nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa, H’Hen Niê còn được biết đến với hình ảnh “đại sứ bánh mì” khi xuất hiện trong trang phục bánh mì Việt Nam ở đấu trường sắc đẹp quốc tế.
Thời gian qua, “bánh mì” là chủ đề nóng trên mạng xã hội. Mặc dù câu chuyện về nhóm 20 du khách Hàn Quốc và cách đưa tin của đài YTN gây tranh cãi trái chiều, nhưng sau tất cả, bánh mì vẫn là món ăn được mọi người đón nhận, yêu thương và dành nhiều sự trân trọng. Rất nhiều YouTuber trong và ngoài nước đã thực hiện nhiều video trải nghiệm và ăn bánh mì Việt Nam trên mạng để bày tỏ niềm yêu thích với món ăn đường phố được vào top ngon nhất thế giới.
Ăn bánh mì trong 24 giờ
Ngày 24.3.2020, nhân kỉ niệm ngày từ “bánh mì” chính thức được đưa vào từ điển Oxford năm 2011, biểu tượng Google Doodle mang hình ảnh ổ bánh mì Việt xuất hiện trên trang chủ Google Tiếng Việt. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên một hình ảnh đặc trưng của Việt Nam xuất hiện không chỉ trên trang chủ Google Tiếng Việt mà còn ở hơn 10 quốc gia trên thế giới, ở những nơi bánh mì được xem là món ăn nổi tiếng, được yêu mến và ưa chuộng.
Trước thông tin này, H’Hen Niê đã quyết định dành 24 giờ để “ăn hết” tất cả các điểm bán bánh mì “hot” nhất tại Sài Gòn. Toàn bộ hành trình này cũng được cô ghi lại trong vlog mới nhất và đăng tải trên kênh YouTube cá nhân vào cùng thời điểm Doodle bánh mì được hiển thị.
Phóng viên Thanh Niên đã có cơ hội trải nghiệm hành trình này với hoa hậu. Theo đó, các địa điểm mà H’hen lựa chọn là: Bánh mì xíu mại ở Thành Thái, Q.10, bánh mì chảo Cô Lê ăn trong bữa sáng và trưa. Bánh mì Bảy Hổ, bánh mì phá lấu Dì Nũi là 2 địa điểm để ăn bữa xế và bữa tối. Đặc biệt, H’hen mặc quần áo gọn gàng và tự chạy xe máy để cảm nhận rõ nét nhịp sống và ẩm thực Sài Gòn.
|
“Tại điểm đầu tiên, Hen rất đói bụng và nghĩ có thể ăn tận 2 ổ. Sau đó mình nghĩ hôm nay phải quay hình nên chỉ ăn một ổ thôi. Tại điểm thứ hai không khí rất vui vẻ, Hen được ăn bánh mì cùng các bạn trẻ ở đó. Tất cả mọi thứ làm mình nhớ Hen của thời sinh viên, mình cũng hẹn bạn bè ra quán ngồi ăn thoải mái như vậy. Hen cũng sẵn sàng để dạ dày của mình được lấp đầy bởi bánh mì”, H’Hen nói về trải nghiệm khi ăn bánh mì. Khi ăn bánh mì chảo cô Lê, H’Hen cũng bắt gặp một nhóm các em nhỏ bán vé số, cô mời các em ngồi xuống bàn và tự tay phục vụ món bánh mì cho các em nhỏ.
|
Nói về lý do thực hiện vlog ăn bánh mì Sài Gòn, cô nói: “Có nhiều cách để quảng bá hình ảnh bánh mì nhưng với bản thân Hen, qua kênh YouTube cá nhân, Hen muốn cho mọi người thấy bánh mì Việt Nam hấp dẫn, đa dạng và phong phú thế nào. Bánh mì có thể ăn theo nhiều kiểu khác nhau và như mọi người thấy, Hen có thể ăn cả ngày mà không hề ngán”.
|
Trong suốt hành trình, H’hen Niê và ekip cũng hạn chế lượng người tham gia hành trình, thậm chí, một số ít phóng viên được cùng H’Hen trải nghiệm điều này để tránh tiếp xúc quá đông người.
Vì sao Google tôn vinh bánh mì Việt Nam?
“Banh mi” theo định nghĩa của từ điển Oxford là “một loại bánh kẹp gồm một chiếc baguette nướng làm từ bột gạo và bột mì, được cho vào nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt, đồ chua và ớt”. Từ 'Bánh Mì' nếu được dịch ra tiếng Anh chỉ mang nghĩa 'bread', 'baguette', hay 'sandwich', không đủ để thể hiện hết những nét đặc trưng độc đáo của bánh mì Việt Nam.
|
Bắt nguồn từ ổ bánh baguette trứ danh của ẩm thực Pháp, một ổ bánh mì Việt Nam truyền thống được tạo nên từ ổ bánh giòn, rỗng ruột, cho vào các loại thịt tùy ý (như pate gan heo, giò lụa, thịt nguội, hay xíu mại), các loại rau củ giòn chua ngọt và rau thơm (đồ chua và ngò), phết thêm một lớp sốt mayonnaise hoặc bơ dầu, thêm chút nước tương, và cuối cùng là tương ớt hoặc ớt xắt. Bằng cách thay thế hương vị châu Âu bằng những nguyên liệu thuần Việt, một món ăn mang đi với đầy đủ các hương vị đậm đà từ mặn, ngọt, chua, cay kết hợp với nhau một cách cân bằng và tinh tế đã ra đời.
Không chỉ vậy, món bánh mì Việt Nam qua thời gian vẫn liên tục được phát triển và biến tấu với hàng loạt những phiên bản mới với cách phối hợp nguyên liệu và chế biến khác nhau không ngừng được tạo ra. Ổ bánh mì Việt đi qua từng vùng miền lại mặc thêm chiếc áo ẩm thực đặc trưng của vùng miền đó: từ chiếc bánh mì chả cá Nha Trang hay bánh mì thịt rim Hội An, bánh mì xíu mại Phan Thiết, hoặc bánh mì thịt kho Bình Định, phản ánh khẩu vị và phong cách ẩm thực đặc trưng của từng địa phương.
|
|
“Bánh mì trở thành một món ăn khác biệt, đặc trưng và trở nên gần gũi với lối sống của người Việt. Cùng chiến dịch ý nghĩa này, Sở du lịch phối hợp với Hiệp hội ẩm thực Việt Nam thực hiện những hoạt động truyền thông trực tuyến và tại một số điểm du lịch trên địa bàn TP.HCM với thông điệp “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”, thông qua đó giới thiệu một sản phẩm ẩm thực, một giá trị văn hoá, là một lý do mà du khách đến với Sài Gòn – TP. HCM", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho biết.
|
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam, nhận định: “Có thể nói, sự lên ngôi của bánh mì Việt qua các đánh giá từ các chuyên gia ẩm thực trong nước và quốc tế đã phần nào nói cho thấy sự thú vị của một món ăn rất bình dân nhưng cũng chứa đựng sự giao thoa giữa ẩm thực phương Tây và phương Đông, tuy nhiên bằng sự khéo léo tài tình của người Việt, bánh mì Việt Nam đã dần mang những đặc trưng riêng, độ nổi tiếng vượt xa khỏi phiên bản gốc để ít ai còn biết đó từng là một món ăn do người phương Tây đem đến”.
Bình luận (0)