Góp gạo nấu cơm nuôi học trò

10/12/2019 08:05 GMT+7

Ở một nơi xa xôi, dưới chân núi Ngọc Ngo thuộc xã Tu Mơ Rông, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), hàng chục giáo viên hằng ngày góp quỹ nấu cơm để giữ chân học trò đến lớp.

Thầy An Văn Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết: Tại một điểm trường của huyện, các thầy cô giáo đang bỏ tiền túi ra lập quỹ, nấu cơm cho hàng chục học sinh (HS) đến lớp.

Từ câu chuyện học sinh nghỉ học

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông), dẫn chúng tôi đến điểm trường số 2 cách đó hơn 5 km, nơi tập trung trẻ lớp 1, 2 ở 3 thôn Văn Xăng, Đăk Ka, Đăk Neng.
Nhiều năm qua, do nhà cách trường từ 3 - 4 km nên HS ở đây hay nghỉ học. Có những em buổi sáng đi học, nhưng đến trưa phải đi bộ về nhà ăn cơm. Trong khi đó, phụ huynh ở trên nương rẫy cả ngày đến tối mới về nên không thể đưa đón con em đến lớp. Nhà xa quá nên các em cũng lười đi học.
“HS đến lớp chỉ khoảng 70%. Có em đi học buổi sáng rồi nghỉ buổi chiều. Cũng có em lên rẫy với bố mẹ rồi quên đến lớp dù giáo viên đã liên tục vận động bà con đưa con em đi học đều đặn. Đời sống bà con ở đây còn khó khăn quá nên phụ huynh cũng ít quan tâm đến việc học của con em”, cô Vân thở dài nói.
Học trò lười đến lớp kéo theo đó là chất lượng học tập không đảm bảo. Có nhiều em học hết lớp 1 vẫn chưa biết những phép tính đơn giản. “Tụi nhỏ không thể nhịn đói buổi trưa để học xuyên chiều. Chúng cũng không thể cuốc bộ 4 km về nhà ăn cơm rồi quay lại trường học tiếp. Trong khi đó, các em không nằm trong diện được hỗ trợ tiền ăn buổi trưa. Đó chính là gốc rễ của vấn đề”, cô Vân phân tích.

Thấy học trò bé quá, thầy cô còn đính kèm khẩu phần ăn hộp sữa tươi

Đức Nhật

Thầy giáo góp cơm, phụ huynh góp củi

“Phải giữ chân tụi nhỏ thôi, không thể làm khác được”, cô Vân nghĩ.
Trong cuộc họp hội đồng trường, cô Vân mạnh dạn đề ra ý kiến gây quỹ tự nguyện để nấu cơm trưa giữ HS ở lại lớp. Sau khi nghe hiệu trưởng trình bày những cái khó, cái khổ ở điểm trường số 2, cả thảy 19 cán bộ, giáo viên của trường liền nhất trí với phương án nấu cơm nuôi học trò.
Để HS có bữa cơm đầy đủ, mỗi thầy cô đóng góp một ít tiền mua thức ăn và gạo. Bữa cơm sẽ có đầy đủ thịt, cá, rau đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho học trò. Thấy học trò bé quá, các thầy cô còn kèm thêm trong khẩu phần ăn một hộp sữa tươi.
Việc nấu nướng do một thầy giáo nhà ở gần điểm trường phụ trách. Vì HS là người đồng bào thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nên nhà trường chỉ yêu cầu phụ huynh góp củi nấu cơm. Mọi chi phí của bếp ăn, phụ huynh không phải đóng dù chỉ một đồng.
Bếp ăn được thiết kế ngay trong phòng học bỏ trống của điểm trường. Những bộ bàn ghế cũ được trưng dụng làm bàn ăn cho HS. Để có đủ bát, đũa, nồi niêu, xoong chảo, tập thể giáo viên phải đi vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ. Sau thời gian chuẩn bị, tháng 11 vừa qua, bếp ăn chính thức nổi lửa.
Cô Lương Thị Út, giáo viên lớp 1 tại điểm trường này, cho biết: “Từ ngày được ăn cơm tại trường, các em đi học chăm chỉ hẳn. Luôn đảm bảo 100% sĩ số. Công tác vận động HS tới lớp của thầy cô cũng bớt đi phần khó khăn”.

Thầy A Phiên trở thành đầu bếp của điểm trường

Đức Nhật

Thầy An Văn Sáu cho biết sau khi Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tu Mơ Rông triển khai nấu cơm trưa cho HS, sĩ số HS đến lớp tăng lên rõ rệt, kéo theo chất lượng học tập cũng đi lên. Phòng sẽ cố gắng duy trì và phát huy mô hình này. Thời gian tới nếu nhà trường gặp khó khăn, phòng sẽ tìm cách hỗ trợ.
Ông A Hơn, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết: “Việc nhà trường tự xây dựng bếp ăn cho các HS có hoàn cảnh khó khăn là việc làm có ý nghĩa. Vừa qua tôi cũng nghe có một cô giáo mua bánh kẹo để động viên HS phát biểu nữa. Những tấm gương như thế cần được tuyên dương và học tập. Thầy cô đi dạy, lương bổng có bao nhiêu đâu. Để giữ chân HS đi học, thầy cô đã phải bỏ tiền túi ra để mua thức ăn, bánh kẹo cho HS. Đó là những nghĩa cử quá tuyệt vời”.
“Đầu bếp già” của điểm trường
Điểm trường số 2 nằm chênh vênh trên đỉnh một ngọn đồi dưới chân núi Ngọc Ngo. Hôm chúng tôi đến, gió núi thổi mạnh khiến cột cờ bằng tre nghiêng ngả. Trong làn khói bếp, thầy A Phiên (52 tuổi) nhanh tay nhặt mớ rau cải chuẩn bị bữa trưa. Thầy A Phiên với mái tóc hoa râm cứ chăm chú vào bữa trưa cho tụi nhỏ mà chẳng hề biết có khách vừa ghé thăm.
Ngẩng đầu chào mọi người, thầy Phiên nói như giải thích: “Một mình tôi chuẩn bị cơm cho mấy chục đứa trẻ nên việc cứ liền tay. Lại sắp đến giờ ăn cho tụi nhỏ rồi đấy”.
Từ hôm nấu cơm trưa cho học trò, thầy Phiên như trẻ hơn mấy tuổi. Thầy giáo có hơn 26 năm công tác cứ như chàng thanh niên lần đầu làm bố. Căn bếp của ông cũng rộn ràng bởi tiếng huýt sáo yêu đời.
6 giờ sáng, trời se lạnh, thầy Phiên lái xe máy qua 5 km, 3 con dốc dựng đứng để ra điểm trường chính. Ở trường chính, một thầy giáo khác đã đi chợ mua đủ thức ăn. Khi đến nơi, thầy Phiên chỉ kịp vớ lấy túi thức ăn, rồi quay lưng về núi. Về đến điểm trường, thầy Phiên bắt đầu nấu ăn. Bữa trưa hôm ấy có 1 kg thịt heo, 5 miếng đậu khuôn và 2 chiếc bắp cải. Chỉ có một mình nấu nướng, dọn dẹp nên thầy Phiên chẳng có lúc nghỉ tay.
Khi tiếng trống trường vang lên, cũng là lúc bữa cơm được dọn tươm tất. 26 chiếc ghế đặt ngay ngắn xung quanh bàn ăn. Bữa ăn bắt đầu bằng những cái khoanh tay mời cơm của lũ trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.