Triển khai từ tháng 10.2018, đến nay, Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.Cần Thơ và Quỹ Hy Vọng đã xây dựng 119 cây cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí hơn 54 tỉ đồng.
Khó khăn, trắc trở trăm bề vì không có cầu kiên cố
Sau hàng chục năm chờ đợi, ngày khánh thành cầu Hy Vọng 292 (cầu Rạch Ông Ngọ, xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) mang đến niềm phấn khởi cho các hộ dân ở ấp Vĩnh Phụng. Với chiếc cầu này, việc sinh hoạt, lao động, sản xuất của các gia đình sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Tạ Thành Tâm (người dân địa phương) cho biết trước đây, cầu cũ làm bằng gỗ, hư hỏng chỗ nào thì vá chỗ đó nên không chắc chắn. Bên kia cầu là ruộng, nếu máy cắt vào được thì bà con khỏe re, lúa chuyển thẳng qua đường cầu, chạy chừng 200 m là tới lộ lớn. Đằng này, lúa thóc bị kẹt lại hết, bà con phải vận chuyển ngược ra Rạch Đường Trâu (cách cầu khoảng 700 m - PV). Mất thời gian, công sức nên việc thu hoạch lúa hay bị ùn ứ khi mưa. Đó là chưa kể phải đi hỏi mượn đường từng chủ ruộng để chở lúa ra, bất tiện vô cùng.
Cầu Rạch Ông Ngọ nằm giữa tuyến đường có hơn 40 hộ dân sinh sống. Một bên cầu nối thông ra đường chính, người dân đổ đá làm lộ. Tuy có chút khó khăn nhưng xe cộ vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng vẫn có thể ra vào. Ngược lại, đời sống bên kia cầu, hướng đi vào ruộng thiếu thốn đủ thứ. Mấy chục năm qua, khoảng 12 hộ dân phải đi lại trên triền đê. Mùa mưa trơn trượt, sình lầy, học sinh hay té ngã. Mỗi sáng, phụ huynh vác xe đạp cho con em ra tận cầu để đến trường. Việc đi lại quá khó khăn nên nhiều hộ phải mua thực phẩm dự trữ cả tuần.
Bên cạnh đó, điều bà con lo lắng là khi có người bệnh nặng hoặc gặp tai nạn. "Mấy năm trước, thằng cháu tôi bị té gãy chân. Taxi không vào được tận nơi, chỉ đậu bên kia cầu chờ. Thằng bé đau đớn mà chúng tôi phải khiêng bằng ghế bố. Đường đê nhỏ quá 4 người khiêng không được. Hai người này mỏi thì tới lượt người khác thay. Sang tay nên phải để thằng bé lên xuống nhiều lần, ì ạch khoảng 15 phút mới ra tới nơi. Nếu cầu và đường thông thoáng thì xe chạy một mạch vào không tới 5 phút", ông Nguyễn Quốc Tuấn (46 tuổi) kể.
Quê nghèo dần khởi sắc
Mong chờ, hy vọng về một cây cầu bê tông là điểm chung của người dân ấp Vĩnh Phụng. Bà con cũng nhiều lần bàn chuyện hùn vốn xây cầu nhưng dở dang, bởi kinh phí rất lớn so với thu nhập từ nghề nông. Vì vậy, khi Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.Cần Thơ và Quỹ Hy Vọng đến khảo sát, quyết định hỗ trợ 50% chi phí xây cầu, nhà nhà vui mừng khôn xiết và bắt tay thực hiện ngay.
Cầu Rạch Ông Ngọ được xây mới với chiều dài 20 m, chiều rộng 4 m. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 300 triệu đồng, trong đó địa phương đối ứng phân nửa. Công trình nhận được sự quan tâm của chính quyền và các nhà hảo tâm. Bà con vui vẻ đóng góp mỗi người một ít, kể cả các hộ dân nằm ngoài tuyến đường.
"Chòm xóm tiếp nhau. Thợ thầu là lực lượng tại chỗ, không phải mướn thêm. Cơm nước thì các hội từ thiện cho rau củ về nấu. Cầu Rạch Ông Ngọ làm trong 6 tháng là hoàn thành, nếu không có sự tiếp sức nhiệt tình của đoàn thanh niên thì chắc sẽ kéo dài lâu hơn", ông Lê Văn Sậm (người dân địa phương) chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Tèo, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Trinh, cho biết công việc thiết kế cầu do những nông dân cố cựu có kinh nghiệm làm hồ đảm nhận. Đóng góp nhiều nhất của đoàn thanh niên là đào hố, đóng cọc; hàn, cắt sắt; khiêng vác vật liệu xây dựng; đổ bê tông, tráng nền. Ngày cao điểm, lực lượng thanh niên tình nguyện huy động lên tới 30 người. Nam ra công trình, nữ vào bếp phụ nấu cơm. Do làm cầu trong mùa mưa nên ai cũng tranh thủ trời nắng. Tuy có vất vả, mệt nhọc nhưng ai nấy rất quyết tâm để công trình nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết năm 2013 địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cầu Rạch Ông Ngọ hoàn thành góp phần giúp hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn liên ấp, liên xã. Cầu kết nối đôi bờ là động lực để địa phương tiếp tục hoàn thiện con đường bê tông. Sự thay đổi rõ rệt là diện mạo nông thôn dần khởi sắc. Không chỉ việc đi lại dễ dàng mà một số mảnh vườn lộ ra "mặt tiền" có giá, nhiều hộ còn có ý định xây nhà mới khang trang. Đời sống của bà con nhộn nhịp hơn hẳn.
Theo anh Trần Việt Tuấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.Cần Thơ, trong 119 cây cầu Hy Vọng đã khánh thành, địa phương sở hữu nhiều nhất là H.Vĩnh Thạnh (68 cây), H.Cờ Đỏ (33 cây), còn lại là 2 quận Ô Môn và Thốt Nốt. "Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay đã xây dựng 20 cây cầu, mỗi cây 350 - 450 triệu đồng. Nhu cầu về cầu giao thông ở Cần Thơ còn nhiều nhưng một số nơi chưa thể triển khai do chưa có nguồn kinh phí đối ứng. Tuổi trẻ thành phố sẽ cố gắng để dự án cầu Hy Vọng được triển khai dài hơi, đến lúc các địa phương không có nhu cầu nữa mới thôi", anh Tuấn chia sẻ.
Bình luận (0)