Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần quan tâm đến giáo dục và y tế

28/02/2013 14:40 GMT+7

(TNO) Tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức ngày 28.2, nhiều đại biểu góp ý Hiến pháp cần nói rõ hơn các nội dung liên quan đến giáo dục, y tế để đảm bảo quyền được học tập và được chăm sóc sức khỏe của người dân.

(TNO) Tại Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức ngày 28.2, nhiều đại biểu góp ý Hiến pháp cần nói rõ hơn các nội dung liên quan đến giáo dục, y tế để đảm bảo quyền được học tập và được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bà Nguyễn Thị Minh Phượng - hội viên Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài - cho rằng hai điểm ưu việt lớn nhất mà nước ta cần chú trọng là giáo dục và y tế. Điều 41 của dự thảo Hiến pháp có ghi: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”. Bà Phượng cho rằng nên thêm vào cụm từ: “Không để cho bất cứ ai chịu chết vì không có tiền chữa bệnh” bởi nếu để người bệnh vì không có tiền mà phải trở về nhà chịu chết thì trái với lương tâm và y đức của ngành y tế.

Ông Trần Thanh Pôn - Ủy viên Hội đồng tư vấn dân tộc, Ủy ban MTTQVN - cho rằng hiện nay, chúng ta có thể xây nhà cao tầng tầng lớp lớp nhưng không thực hiện được "giáo dục không tiền” là điều còn thiếu sót. Do đó, trong Khoản 2, Điều 66 của dự thảo Hiến pháp cần bổ sung: “Đặc biệt, các tỉnh miền núi, các tỉnh thuộc vùng sâu vùng xa thật sự khó khăn thì hệ thống giáo dục mầm non, mẫu giáo và cấp tiểu học được miễn học phí, học sinh không đóng tiền”.

Cùng quan tâm đến vấn đề giáo dục, nhiều đại biểu khác đồng tình quan điểm giáo dục miễn phí các cấp học phổ thông và nên đưa vào Hiến pháp. Ông Phạm Văn Bảy (Hội liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, mấy chục năm qua cải cách giáo dục và phát triển khoa học nhưng chỉ thấy nói chứ chưa thấy hiệu quả. Hiến pháp cần ghi rõ ràng, cụ thể những điều sẽ làm cho giáo dục, khoa học phát triển chứ không nên đặt mục tiêu chung chung rằng giáo dục tiên tiến, khoa học hiện đại…

Theo Ủy ban MTTQ TP.HCM, các nhân sĩ, trí thức và nhân dân có thể gửi những kiến nghị, góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về cơ quan này đến hết ngày 31.3.

Tin, ảnh: Thanh Thùy

>> Kiến nghị nghiên cứu Tòa án Hiến pháp
>> Liên hiệp Phụ nữ thảo luận dự thảo sửa đổi hiến pháp
>> Dự thảo Hiến pháp sửa đổi “thiếu vắng” nội dung về thanh niên
>> Đoàn viên thanh niên góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền công dân, vai trò của người trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.