Góp ý văn kiện ĐH XIII của Đảng: ‘Cần có cơ chế bảo vệ những người dám đột phá’

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/11/2020 20:58 GMT+7

Nhiều ý kiến trực diện, tâm huyết đã được các bạn trẻ nêu ra tại Hội nghị góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, do T.Ư Đoàn tổ chức.

Chiều 2.11, T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội nghị thanh niên công chức, viên chức, doanh nhân trẻ, lực lượng vũ trang góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội (ĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện; ông Bùi Văn Thạch, Phó chánh Văn phòng T.Ư Đảng; ông Lại Xuân Lâm, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.

Anh Nguyễn Ngọc Lương đại diện ban tổ chức chủ trì hội nghị

Ảnh V.T

Đột phá về thể chế

Đóng góp ý kiến về các giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, anh Phùng Quang Thắng, Bí thư đoàn Văn phòng T.Ư Đảng, cho rằng cần bổ sung 3 thành tố, gồm: bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thông chính trị và tăng cường công tác đối ngoại, để phù hợp với thực tiễn đất nước ta hiện nay.
Phân tích về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, anh Thắng cho rằng, ở nước ta, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên là thách thức rất gay gắt, ngày càng tác động mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, cuộc sống của nhân dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Ảnh Vũ Thơ

Theo anh Thắng, chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc gần đây đã ô nhiễm tới mức nghiêm trọng. Vừa qua lũ lụt nghiêm trọng tại một số tỉnh miền Trung cũng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm chậm sự phát triển của đất nước vì phải khắc phục hậu quả của thiên tai. Anh Thắng đề nghị bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường vào nội dung phát triển kinh tế - xã hội, thành "phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm".
Đồng thời, anh Thắng góp ý: “Về các đột phá chiến lược, tôi đề nghị phải thực sự có đột phá về thể chế, làm sao nhiệm kỳ 5 năm tới và chiến lược 10 năm tới đột phá về thể chế phải thực sự trở thành động lực”, anh Thắng nói.
Đặc biệt, anh Thắng mạnh dạn đề xuất: "Cần phải có nhân tố con người đột phá. Phải có cơ chế bảo vệ những người dám đột phá, nhất là khi nhận thức về pháp luật còn khác nhau, nếu không thì không ai dám đổi mới, sáng tạo".

Tăng cường sức mạnh quốc gia trên biển

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh trên biển. Anh Trần Văn Hiểu, Bí thư đoàn Học viện An ninh nhân dân, cho rằng cần nhấn mạnh nội dung về "xây dựng thể trận an ninh trên biển". Bởi lẽ, tình hình các hoạt động trên biển và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển trong thời gian qua đang có nhiều diễn biến phức tạp và được quan tâm hơn bao giờ hết.

Đại biểu trẻ nêu ý kiến góp ý văn kiện tại hội nghị

Ảnh Vũ Thơ

Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Quân chủng Hải quân, cũng cho rằng thời gian tới tình hình các vùng biển ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường.
Vì vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi định hướng, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2030, cần tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Đảng về nhiệm vụ này.
Đặc biệt, thượng tá Nam cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên các đảo, quần đảo; tăng cường xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển (cả lực lượng kinh tế, nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…) tương xứng với tầm quan trọng của biển.

Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên mạng

Tại hội nghị, anh Trần Văn Hiểu cũng đề nghị bổ sung nội dung về xây dựng thế trận thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, bởi sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh đã hình thành nên một không gian xã hội mới được gọi là “không gian mạng" - nơi mà thế giới ảo đan xen với thế giới thực.“Nhiều nước trên thế giới đã xác định không gian mạng là "lãnh thổ đặc biệt" và là vùng tác chiến mới. Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch cũng đã và đang triệt để lợi dụng không gian mạng để tăng cường các hoạt động chống phá Việt Nam. Với những nguy cơ và tác động hiện hữu, không gian mạng đã thực sự trở thành một trận tuyến mới trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia nói riêng, bảo vệ Tổ quốc XHCN nói chung”, anh Hiểu nhấn mạnh.
Do vậy, theo anh Hiểu, việc khẳng định nội dung này trong văn kiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân; đồng thời, có định hướng để hoàn thiện cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý về vấn đề này trong thời gian tới.
Trao đổi tại hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết, đây là hội nghị thứ 4 T.Ư Đoàn tổ chức, để các bạn trẻ góp ý cho văn kiện ĐH lần thứ XIII của Đảng. Tại hội nghị này, các đại biểu đã tiếp tục trao đổi thẳng thắn, trực diện vào các vấn đề trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Điều này thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, trí tuệ của tuổi trẻ đối với Đảng; đồng thời, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của thanh niên với Đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.