Muốn phát triển kinh tế phải giữ ổn định CT-XH

Vũ Thơ
Vũ Thơ
27/10/2020 07:45 GMT+7

Góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các đại biểu trẻ cho rằng muốn phát triển kinh tế phải giữ ổn định chính trị.

Ngày 26.10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội và thanh niên tiêu biểu, góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội (ĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chủ trì hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; ông Đỗ Văn Phới, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Cùng tham dự hội nghị có ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư…
Tại hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của ĐH Đảng các cấp, tiến tới ĐH lần thứ XIII của Đảng, T.Ư Đoàn đã tổ chức 4 đợt hoạt động cao điểm trong năm chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước.
Đồng thời, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức 6 hội nghị lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đoàn, Hội, Đội và các tầng lớp thanh niên cho văn kiện ĐH. Việc tham gia góp ý Văn kiện ĐH lần thứ XIII của Đảng gắn với quá trình tham gia góp ý văn kiện ĐH Đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều cách làm đa dạng, sáng tạo.
“Qua theo dõi tổng hợp bước đầu cho thấy 100% Đoàn cơ sở, Đoàn cấp huyện và Đoàn cấp tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đóng góp ý kiến vào văn kiện ĐH lần thứ XIII của Đảng; các nội dung góp ý của tuổi trẻ cả nước được các cấp ủy Đảng đánh giá cao; có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trực diện, khách quan. Những kết quả bước đầu nêu trên đã và đang tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tuổi trẻ cả nước thiết thực chào mừng ĐH lần thứ XIII của Đảng”, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.

Phát triển mạnh các ngành có hàm lượng công nghệ cao

Tại hội nghị, đóng góp ý kiến về các giải pháp phát triển đất nước, TS Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần cấu trúc lại nền kinh tế, phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
PGS-TS Trần Xuân Bách (Trường đại học Y Hà Nội), Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, cũng cho rằng văn kiện ĐH đề cập đến 2 mục tiêu là: “Phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh thời đại” và “Chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Theo anh Bách, để thực hiện được 2 mục tiêu quan trọng này thì việc giáo dục, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật trình độ cao; huy động trí tuệ và sức sáng tạo trong lao động sản xuất của toàn dân; tập hợp trí thức Việt Nam trên toàn thế giới, là những vấn đề cần giữ vị trí then chốt, xuyên suốt trong trục phát triển của nước ta những năm tới.

Rút ngắn khoảng cách

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng muốn phát triển kinh tế, cần có các giải pháp giữ ổn định chính trị xã hội.
Trong đó, TS Hà Việt Quân, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam, nói việc chênh lệch khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi là nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Anh Quân thẳng thắn cho biết, sau 35 năm đổi mới, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, KT-XH phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với cả nước.
Theo anh Quân, tại ĐH lần này vẫn rất cần thiết phải xác định “chênh lệch khoảng cách phát triển là một trong những nguy cơ, thách thức cơ bản”, để định hướng kịp thời cho cả hệ thống chính trị quan tâm, chú ý và cùng vào cuộc giải quyết thấu đáo thách thức này.
Đề cập đến công tác chính trị tư tưởng, có ý kiến cho rằng dự thảo văn kiện ĐH chưa có mục riêng cho vấn đề này, vì vậy cần bổ sung các giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với từng đối tượng, từng giới khác nhau. Cần xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển KT-XH. Trong đó, báo chí phải đóng vai trò thực hiện nhiệm vụ này, thay vì chỉ có vai trò phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam...
Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Mai cho biết trong dự thảo báo cáo chính trị của ĐH, ở nội dung về thế hệ trẻ, thanh niên luôn ở vị trí là rường cột của nước nhà, vì vậy, thanh niên cần phát huy vai trò rường cột như thế nào. “Thế hệ trẻ nên suy nghĩ thêm những thách thức, cơ hội cho 5, 10, 15 năm tới nữa. Thế hệ trẻ sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào, để tận dụng toàn bộ cơ hội. Thanh niên phải học hành giỏi hơn; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để vượt qua những thách thức, góp phần đưa đất nước phát triển”, bà Mai đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.