GS-TS Võ Tòng Xuân cả cuộc đời dành cho cây lúa và nông dân

Đình Tuyển
Đình Tuyển
20/08/2024 06:11 GMT+7

GS-TS Võ Tòng Xuân trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 19.8, để lại niềm tiếc thương vô hạn, đặc biệt là với quê hương miền Tây.

Cuối năm 2023, hình ảnh GS-TS Võ Tòng Xuân gầy đi, đứng nhận giải thưởng đặc biệt VinFuture thực sự xúc động đối với nhiều người dân miền Tây khi 1 năm trước đó, ông rơi vào nguy kịch, hôn mê hơn nửa tháng. Cũng từ lần bệnh nặng đó, sức khỏe ông không còn được như xưa. Cho đến những tháng cuối cuộc đời, mong ước lớn nhất của GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn là ươm mầm khoa học, phát triển nông nghiệp và làm sao giúp nông dân giàu lên nhờ cây lúa.

GS-TS Võ Tòng Xuân cả cuộc đời dành cho cây lúa và nông dân- Ảnh 1.

GS-TS Võ Tòng Xuân trò chuyện cùng nông dân ĐBSCL ngoài đồng

CÔNG HÂN

Người khởi xướng cuộc cách mạng IR36

Từ những năm tháng đất nước đang chìm trong khó khăn, GS-TS Võ Tòng Xuân đã chọn con đường trở về quê hương, mang theo những hạt giống tri thức và hoài bão lớn lao. Đó là năm 1971, khi đang có việc làm ổn định ở Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI, tại Los Baños, Laguna, Philippines), ông đã quyết định trở về nước, công tác tại Viện ĐH Cần Thơ (sau đổi tên thành Trường ĐH Cần Thơ - PV). Đến năm 1974, ông sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh rồi trở về đúng tháng 4.1975.

Chia sẻ với PV Thanh Niên hồi tháng 12.2023, ông kể: "Khi ấy, trên máy bay chỉ có vài người, vì người ta chủ yếu bay ra khỏi Việt Nam chứ ít ai bay về. Trong lòng tôi cũng ngổn ngang, lo vì bấy giờ thách thức lớn nhất là làm sao giúp nông dân khôi phục ruộng đồng bởi đất đai đã bị bom đạn tàn phá nặng nề. Mà muốn đẩy nông nghiệp đi lên thì phải làm sao để người dân quay lại sản xuất và phổ biến cho họ giống lúa cao sản, năng suất cao hơn".

Sau đó, được sự hậu thuẫn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và sự ủng hộ của thầy Phạm Sơn Khai, cố Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, GS Xuân cùng cộng sự đã dần tìm ra những giống lúa mới thích nghi nhất với ĐBSCL, nổi bật là giống IR30 mang lại năng suất gấp 2 - 3 lần lúa mùa.

Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của GS Xuân là năm 1977, khi sản xuất lúa ở ĐBSCL đang phát triển thì nhiều cánh đồng ở miền Tây bị rầy nâu tấn công, chết héo. Tình hình rất nguy cấp vì cả nước còn thiếu lương thực. GS Xuân đã đánh điện qua IRRI để nhờ hỗ trợ và được họ gửi cho 4 giống lúa mới IR36, IR32, IR34, IR38 mỗi thứ chỉ có 5 gr đựng trong một bì thư. Sau thí nghiệm, chọn được giống có tính kháng rầy mạnh nhất là IR36. Chẳng ai ngờ rằng, 7 tháng sau, GS Xuân và cộng sự đã nhân lên được 2.000 kg lúa giống IR36 từ vỏn vẹn 5 gr. Giữa năm 1978, từ đề xuất của GS Xuân, Trường ĐH Cần Thơ làm một việc chưa từng có là đóng cửa trường 2 tháng để sinh viên (SV) ra đồng cùng nông dân sản xuất, nhân giống lúa IR36. Hành trang của mỗi SV là những bài học thật tiết kiệm, cấy một tép, một bụi.

Cuối vụ lúa chín, nông dân chỗ này thu hoạch lại đong lúa giống cho nông dân khác. Chẳng bao lâu sau, cánh đồng miền Tây kín mít lúa cao sản IR36, rầy nâu cũng hết đất sống. Dần dần, lúa cao sản 2 vụ/năm, năng suất ít nhất 9 - 10 tấn/ha đã thay thế gần như hoàn toàn lúa mùa 2 - 3 tấn/ha, trồng một vụ/năm. Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha, tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Ở nước ta, GS-TS Võ Tòng Xuân còn góp công lớn trong việc thúc đẩy các cơ chế khoán, thay cho cơ chế bao cấp, hợp tác hóa nông nghiệp. Đặc biệt, năm 1989, Quốc hội họp đưa vấn đề xuất khẩu lúa gạo ra bàn. Khi đó, GS Xuân là đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ mở cửa xuất khẩu, khi miền Tây có thể làm chủ nguồn lúa gạo. Tới tháng 11.1989, nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo. Chỉ trong 2 tháng cuối năm ấy, đã có 1,7 triệu tấn gạo xuất khẩu, mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

GS-TS Võ Tòng Xuân cả cuộc đời dành cho cây lúa và nông dân- Ảnh 2.

GS-TS Võ Tòng Xuân tại cuộc Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt", do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 6.4.2023

Độc Lập

Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS-TS Võ Tòng Xuân (1940 - 2024)

GS-TS Võ Tòng Xuân sinh ra tại TP.Châu Đốc, An Giang; là giáo sư nông học từ năm 1981. Ông từng giữ các chức vụ: Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ; Đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; thành viên Nhóm tư vấn của Thủ tướng (1993 - 1996); Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo; Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ… Ông được nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Lao động hạng ba…; nhiều giải thưởng quốc tế như Huy chương "Hiệp sĩ nông nghiệp" của Pháp (1996); Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới"; huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản… Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng đặc biệt VinFuture (2023).

Đối với Báo Thanh Niên, GS-TS Võ Tòng Xuân luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức chuyên môn sâu rộng về ĐBSCL cũng như các chính sách liên quan phát triển bền vững, đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Sự đóng góp của ông không chỉ dừng lại ở chia sẻ chuyên môn sắc sảo trên mặt báo, mà còn qua sự tham gia nhiệt tình vào các hoạt động do Báo Thanh Niên tổ chức. Điển hình là hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" tại Đồng Tháp tháng 11.2022. Đặc biệt, dù bận rộn, GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn dành thời gian quý báu để tham gia làm giám khảo cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây năm 2022 do Báo Thanh Niên tổ chức.

GS-TS Võ Tòng Xuân qua đời

Mong ước cuối cùng

Trong lần gần nhất trả lời phỏng vấn Thanh Niên, GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ rất nhiều về những mong ước cuối cùng của ông. Đó cũng là khi ông nhận Giải đặc biệt VinFuture 2023, giải thưởng dành cho nhà khoa học các nước đang phát triển, về những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ông bảo giải thưởng này là công sức của rất nhiều người, của đồng nghiệp, của hàng trăm SV và hàng triệu nông dân đã tổ chức sản xuất nhân rộng diện tích lúa cao sản IR36 những năm 1978 - 1979.

Chính vì vậy, ông đã quyết định sử dụng khoản tiền thưởng dùng vào quỹ học bổng phổ biến song ngữ và dành cho các em SV có đam mê với ngành nông nghiệp. "Nông nghiệp thời nay đâu chỉ có cây lúa mà còn cây ăn trái, chế biến, thủy sản… rồi rất nhiều lĩnh vực, IT, số hóa nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao rất cần nguồn nhân lực. Tôi kỳ vọng với học bổng này sẽ khuyến khích các em nuôi dưỡng đam mê với nông nghiệp, tiếp nối các thế hệ trước, giúp đỡ cho người nông dân tốt hơn", GS-TS Xuân nói.

Vị chuyên gia nông nghiệp kỳ cựu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đang được triển khai. Mục tiêu là chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo, nâng cao tri thức cho nông dân, giúp các hợp tác xã nông nghiệp đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp. Ông tâm sự: "Có thể nói ước mơ sau cùng trong đời tôi là được thấy nông dân không còn cảnh mạnh ai nấy làm mà có thể liên kết, yên tâm sản xuất theo quy trình, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao. Nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo có phát triển bền vững thì nông dân mình mới có lợi tức cao hơn và làm giàu".

Cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, hạt gạo, di sản của GS-TS Võ Tòng Xuân để lại chắc chắn sẽ sống mãi trên những cánh đồng miền Tây. Từng bước tiến của nền nông nghiệp sẽ nhắc mãi tên ông, một nhà khoa học lỗi lạc, một người thầy tận tụy, một người bạn chân thành của hàng triệu nhà nông.

Theo thông báo của gia đình, tang lễ GS-TS Võ Tòng Xuân được tổ chức tại CLB hưu trí TP.Cần Thơ (số 30A Mậu Thân, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), nghi thức động quan lúc 8 giờ ngày 22.8, an táng tại quê nhà TT.Ba Chúc, H.Tri Tôn, An Giang.

Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, công nhân viên Báo Thanh Niên xin thành kính gửi lời chia buồn cùng gia đình GS-TS Võ Tòng Xuân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.