“Làm bố” tuổi 23
Tháng 9.2020, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng với quân hàm trung úy, Phạm Thái Sơn được phân công làm Đội phó Đội vận động quần chúng - Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt tại H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Những bỡ ngỡ của anh ở địa bàn này cũng gắn với những bỡ ngỡ của việc “làm bố” khi anh được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ cháu Lê Văn Thìn (người Tà Ôi, hiện là học sinh lớp 7). “Thìn là con nuôi của đồn biên phòng mấy năm qua. Được giao kèm cặp Thìn, tôi lo lắng lắm vì mình chỉ mới 23 tuổi, chưa có người yêu nói gì đến chuyện “làm bố””, trung úy Sơn dí dỏm.
Trung úy Phạm Thái Sơn giới thiệu ý nghĩa cột mốc Việt - Lào cho học sinh và chiến sĩ mới (ảnh chụp trước thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào tháng 4) |
Việc đầu tiên trung úy Sơn làm là hướng dẫn cháu Thìn cách xếp chăn vuông vức đúng với tác phong của quân đội. Khi đã ý thức hơn, trung úy Sơn rèn cho Thìn ý thức tự học tập, dạy Thìn từ lời ăn tiếng nói, đến cung cách chào hỏi với người lớn…
“Thìn có hoàn cảnh đặc biệt vì bố tàn tật, mẹ làm ăn xa, nên để cháu không bị cảm giác tủi thân, tôi luôn cố gắng đọc sách báo để tìm hiểu tâm lý của trẻ nhằm có phương pháp động viên cháu. Tôi cũng là đứa trẻ mất mẹ khi mới học lớp 3 rồi ở với ông bà nội, nên càng hiểu Thìn cần được quan tâm và động viên nhiều hơn. Dù vậy, phải rèn được cho cháu ý thức học hành”, trung úy Sơn trải lòng.
Sĩ quan biên phòng Phạm Thái Sơn trên chốt chống dịch Covid-19 ở biên giới |
Hằng ngày phải lên chốt chống dịch Covid-19, đêm về anh Sơn lại dành thời gian để hỏi han, kèm cặp cho Thìn. Thấy Thìn thiếu thốn thứ gì là anh liền tìm cách đi mua cho em. Anh lặng lẽ đóng giá sách “Thắp sáng ước mơ” để Thìn có thêm kênh tiếp cận tri thức. Từ một cậu bé hay xao nhãng, Thìn dần tiến bộ trong học tập. Thi học kỳ đạt kết quả tốt, trung úy Sơn chở Thìn vượt hàng chục cây số ra chợ huyện để mua đồng hồ thưởng cho cháu.
Trung úy Phạm Thái Sơn chở chổi đót đi bán giúp cho vợ chồng cụ Quỳnh Xăng |
S.X |
“Ngày 4.6.2021, tôi được phân công về làm Đội trưởng Đội vận động quần chúng - Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân và phải rời xa “đứa con” của mình. Trong 9 tháng ở với cháu, tôi nhận ra rằng để những đứa trẻ tiến bộ, không gì tốt bằng giải pháp là chân thành lắng nghe. Điều khiến tôi vui nhất là ở với cháu trong 1 năm học, Thìn đã được nhà trường tặng giấy khen học sinh tiên tiến”, trung úy Sơn nói.
Ngày trung úy Sơn rời đồn, anh lặng lẽ đóng khung tờ giấy khen và tấm ảnh 2 “bố con” chụp chung treo lên tường, vừa làm kỷ niệm vừa nhắc nhở Thìn lấy đó làm động lực học hành.
Trung úy Sơn kèm cặp “con nuôi” Lê Văn Thìn học bài |
Về nhận công tác ở đơn vị mới, cơ duyên “làm bố” lại đến với trung úy Sơn. Và lại một quãng đường nữa chăm sóc, dìu dắt cho “đứa con” Lê Thanh Tùng (học sinh lớp 6).
Hết mình với cuộc sống của đồng bào
Chúng tôi theo chân trung úy Sơn đến thăm gia đình cụ Quỳnh Xăng (80 tuổi, người Pa Kôh, trú thôn Tà Lo A Hố, xã Hồng Vân, H.A Lưới). Vừa thấy Sơn, cụ Xăng ôm chầm anh, hỏi: “Mấy nay con đi đâu, bố mẹ nhớ con quá”. Sơn ân cần đỡ cụ rồi kể khoảng 1 tuần qua anh cùng thanh niên đi tuyên truyền lưu động phòng chống dịch Covid-19 nên chưa đến thăm vợ chồng cụ được. Còn cụ Kăn Thiết (vợ cụ Xăng) thì cứ nắm chặt bàn tay Sơn, hỏi chuyện: “Sao dạo này con gầy thế. Điện thoại hư, mẹ tính bán chổi đót được ít tiền sẽ mua cái điện thoại để gọi hỏi thăm con”.
Nghe những câu chuyện xung quanh cây chổi đót, chúng tôi mới biết, vì thương hoàn cảnh tuổi xế chiều nhưng phải lao động để nuôi đứa con trai hơn 40 tuổi không bình thường, Sơn trở thành “shipper” bất đắc dĩ nhằm giúp vợ chồng cụ bán chổi nhanh hơn, nhiều hơn. Có những đơn hàng xa, anh chẳng nề hà mà cứ thế lỉnh kỉnh buộc lên xe máy rồi chạy cả chục cây số giao cho khách. Sự chân thành đã khiến vợ chồng cụ Quỳnh Xăng ngày càng yêu quý anh. “Bố mẹ coi Sơn là đứa con út trong nhà”, cụ Thiết nói như khoe.
Trung úy Sơn bảo, anh được giao công việc chủ yếu là vận động quần chúng nhưng với anh, trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì làm việc gì cũng phải xuất phát từ sự chân thành giữa người với người, chứ không phải muốn được việc của mình rồi thì quan tâm lấy lệ. Cũng bởi sự chân thành mà anh đã nhận được sự tin yêu của rất nhiều người dân khi còn ở đơn vị cũ, qua đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
Cuối tháng 6 vừa qua, khi vừa nhận công tác ở Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, trung úy Sơn đã nảy ra ý tưởng xây dựng chòi du lịch “tình quân dân” tại khu du lịch cộng đồng suối A Lin (xã Trung Sơn). Sau khi đi vào hoạt động và thu được một số tiền, anh cùng các cán bộ trong đơn vị phối hợp địa phương trao nhiều suất quà cho các gia đình khó khăn. Đó chỉ là một trong nhiều mô hình hướng về đồng bào dân tộc thiểu số mà trung úy Sơn đề xuất và thực hiện thành công khiến nhiều người thêm tin yêu.
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhận xét trung úy Phạm Thái Sơn là một sĩ quan trẻ năng nổ, nhiệt huyết, gần gũi nhân dân, thực hiện nhiều mô hình tốt, được người dân và chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm cao. Vừa qua, trung úy Sơn được Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế vinh danh là “Gương mặt trẻ tiêu biểu” năm 2021.
Bình luận (0)