Gương sáng biên cương: 'Phủ sóng' tri thức nơi địa đầu

Vũ Thơ
Vũ Thơ
25/11/2021 08:13 GMT+7

10 năm qua, đại úy Chu Thanh Xuân (34 tuổi), Đồn biên phòng Cốc Pàng, H.Bảo Lạc (Cao Bằng), đã trở thành cha nuôi của nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở biên giới, để giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Cơ duyên làm “cha nuôi”

Đồn biên phòng Cốc Pàng đóng quân ở một xã khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng vì đường đi lại gian nan, toàn núi cao và vực sâu. Địa bàn mà đồn biên phòng này quản lý gồm 26 xóm hành chính của 2 xã biên giới (xã Cốc Pàng của H.Bảo Lạc và xã Đức Hạnh của H.Bảo Lâm), trong đó có 7 xóm sát biên giới. Vùng đất địa đầu biên cương này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 90% là hộ nghèo, vì thế cuộc sống không ít gian nan.

“Từ xóm nọ sang xóm kia toàn là đường đất. Có khi đoạn đường khoảng 10 km mà đi gần 3 giờ mới đến nơi. Bánh xe cứ quay tít mù khét lẹt. Tôi vừa đi họp về mà người bẩn như trâu, hơn cả đi cày”, đại úy Chu Thanh Xuân, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cốc Pàng, chia sẻ khi nói về khó khăn đầu tiên ở miền biên cương này.

Đại úy Chu Thanh Xuân đứng lớp xóa mù chữ cho bà con ở xã Sóc Hà, H.Hà Quảng, Cao Bằng

Nơi đây cũng là đồn biên phòng thứ 4 mà anh Xuân được điều động đến công tác, được cấp ủy, chỉ huy đơn vị phân công trực tiếp làm “cha nuôi” ở đồn. Hiện anh đang cùng đồng đội chăm sóc nuôi dạy 2 trẻ mồ côi được Đồn biên phòng Cốc Pàng nhận về làm con nuôi, là Sùng Mí Lừ (lớp 8) và Vừ Mí Lầu (lớp 3). Đây là 2 học sinh dân tộc Mông, đều mồ côi cha mẹ, ở xóm biên giới khó khăn.

Khi mới về Đồn biên phòng Cốc Pàng, Mí Lừ và Mí Lầu chỉ mới biết nghe chứ không biết nói tiếng Kinh. Mí Lầu đã 9 tuổi nhưng chưa biết chữ. Mí Lừ thì nhút nhát, không biết giao tiếp. Từ khi được bộ đội biên phòng nuôi ăn học, giờ đây Mí Lầu đã có kết quả học tập đứng tốp đầu của lớp. Mí Lừ cũng mạnh dạn vượt bậc, còn tham gia các đội tuyển thi đấu thể thao và đứng tốp đầu của nhà trường.

Mí Lừ và Mí Lầu là 2 trong nhiều đứa trẻ may mắn đã được anh Xuân cùng đồng đội nuôi dạy, trong chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ đội biên phòng Cao Bằng. Anh Xuân cho biết anh bắt đầu công tác từ năm 2011, tại Đồn biên phòng Xuân Trường (xã Xuân Trường, H.Bảo Lạc).

“Khi ấy Xuân Trường cũng là một xã vô cùng khó khăn. Ở các xóm vùng cao, nhiều học sinh thất học, bởi người dân còn thiếu ăn, đường đi lại khó khăn. Thấy thực trạng đó, tôi đã tham mưu với đơn vị nhận những em có hoàn cảnh đặc biệt về nuôi dạy tại đồn và đã được cấp trên đồng ý cho triển khai thí điểm”, anh Xuân chia sẻ về cơ duyên làm “cha nuôi”.

Dạy con nên người

Từ năm 2014, Đồn biên phòng Xuân Trường đã phối hợp cùng địa phương, nhà trường lựa chọn và nhận giúp đỡ 2 trẻ có hoàn cảnh éo le để được tiếp tục đến trường bằng hình thức cho 2 em về đồn sinh hoạt cùng cán bộ, chiến sĩ; và anh Xuân bắt đầu hành trình làm “cha nuôi”. Hai con nuôi là Phủng Tào Líu (xóm Thẩm Tôm) và Chảo A San (xóm Lũng Mật) đều là người dân tộc Dao. Chảo A San có bố không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, gia đình mỗi năm thiếu đói 3 tháng, nên 3 anh em của San đều không được đến trường. Còn Phủng Tào Líu vì nhà ở cách xa trường, phải đi bộ mấy tiếng mới đến nơi, nên đã bỏ học.

Khi mới về, cả Chảo A San và Phủng Tào Líu đều “khó dạy”, nhất là nếp sống sinh hoạt vì các con chưa biết sạch sẽ là như thế nào. Các con chưa có thói quen vệ sinh thân thể thường xuyên nên có mùi rất “đặc trưng”. Tắm giặt cũng không biết làm thế nào cho sạch. Phòng ở cũng không biết sắp xếp cho gọn gàng, nên anh Xuân phải tỉ mỉ dạy các con từng tí một.

Anh Xuân dạy toán cho con nuôi Vừ Mí Lầu tại Đồn biên phòng Cốc Pàng

NVCC

“Để các con biết mùi thơm, thay cho mùi “đặc trưng” mà các con đã quen, tôi mua nước giặt có mùi thơm về để ngâm quần áo; chỉ cho các con khi giặt phải vò ở những chỗ nào; khuyên bảo các con tắm rửa hằng ngày… Phải rất lâu, các con mới bỏ được thói quen sinh hoạt cũ”, anh tâm sự.

Đặc biệt, việc kèm cặp dạy học là một hành trình vất vả, bởi hầu như các con chưa sõi tiếng phổ thông, nói rất ngọng: “ăn cơm” thì toàn nói “ăn cơ”, “cái bàn” thì gọi là “cái bà”… Anh Xuân đã cho các con đọc sách báo, mỗi ngày luyện 1 từ, luyện phát âm, từ nào nói ngọng thì uốn đến bao giờ chuẩn mới thôi. Rồi anh bắt đầu dạy cách diễn đạt, cách giao tiếp, cho đến khi các con tự tin.

Từ sự kỳ công ấy mà những đứa con được anh Xuân và đồng đội nuôi dạy đã trưởng thành. Nông Trang Nhung, một con nuôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, được anh Xuân kèm cặp khi công tác ở Đồn biên phòng Sóc Giang (xã Sóc Hà, H.Hà Quảng), giờ đã học lên bậc đại học.

Phủ sóng tri thức ở vùng biên

Nhớ lại kỷ niệm khi nuôi trẻ, anh Xuân không thể quên cái tình huống trớ trêu là khi anh về nghỉ phép, thì nhận được tin Phủng Tào Líu (khi đó đang học lớp 9) đã bị gia đình bắt về nhà lấy vợ. “Tôi lập tức quay lại đồn vì nếu không kịp hoãn cưới, thì bao công sức nuôi dạy sẽ đổ sông đổ bể. Khi đó, tôi báo cáo chỉ huy xong thì cùng giáo viên chủ nhiệm đến nhà, để vận động gia đình. Họ nói đã ăn hỏi rồi, định ngày rồi và không hoãn. Tôi chỉ còn biết vận động Líu. Và rồi khi Líu thuận tình thì gia đình đã không thể làm đám cưới”, anh kể.

Có lẽ khi nói đến anh Xuân, ai cũng thán phục bởi anh có tài vận động. Nhiều năm nay, anh đã không quản khó khăn, đi thuyết phục học sinh tới trường. Có những trường hợp giáo viên “bó tay” thì anh đều vận động thành công. Cô giáo Nguyễn Khánh Ly, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hưng Đạo (xã Hưng Đạo, H.Bảo Lạc), người từng cùng anh Xuân đi vận động học sinh, chia sẻ: “Anh Xuân là người xông xáo, nhiệt tình và có tài thuyết phục. Khi tôi dạy học ở Xuân Trường, trong lớp tôi chủ nhiệm có 2 học sinh không đi học, tôi phải nhờ anh đi vận động giúp. Không biết anh đã nói với học sinh điều gì, vì tôi không biết tiếng dân tộc, nhưng ngay sau khi chúng tôi rời đi thì em ấy đã tự giác đến trường và từ đó không bỏ học nữa”.

Không chỉ kiên trì vận động học sinh đi học, để giúp đồng bào dân tộc biết chữ, trong quá trình công tác, anh Xuân còn trực tiếp đứng lớp tham gia dạy xóa mù cho bà con và đã giúp được 60 học viên (15 - 61 tuổi) biết đọc, biết viết.

Chia sẻ về việc chăm lo cái chữ cho đồng bào vùng cao, anh Xuân nói: “Tôi chỉ muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công tác giáo dục, để làm sao “phủ sóng” được tri thức ở vùng biên. Vì chỉ có tri thức mới giúp bà con thoát nghèo và trẻ em có tương lai tươi sáng hơn”.

Nhận xét về đại úy Chu Thanh Xuân, thượng tá Lương Tuấn Long, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng Cao Bằng, chia sẻ: “Anh Xuân là một trong những tấm gương điển hình trong việc thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, được Bộ đội biên phòng Cao Bằng triển khai từ 2014 đến nay. Việc làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn đó đã giúp con đường tới trường của các em học sinh dân tộc thiểu số không còn là rừng thẳm, suối sâu, mà được trải rộng thênh thang bằng tình yêu thương, đùm bọc của cộng đồng và người lính biên phòng. Từ những cái nắm tay, dìu dắt những bước đi đầu tiên ấy, sẽ là nền tảng vững chắc để trong tương lai, những đứa con này trở thành lớp kế cận, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.