Gương sáng biên cương: Thầy giáo nhặt rác nuôi học trò nghèo vùng biên

Vũ Thơ
Vũ Thơ
07/12/2021 08:35 GMT+7

Dạy học ở xã vùng biên vô cùng khó khăn, thầy giáo Lò Văn Hơn, Tổng phụ trách Đội của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sam Kha đã có nhiều sáng kiến giúp học sinh được đến trường.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sam Kha (xã Sam Kha, H.Sốp Cộp, Sơn La) là ngôi trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, với hơn 90% là dân tộc Mông, đa số là hộ nghèo. Các điểm trường đều xa trung tâm, điểm gần nhất cách 5 km, xa nhất là 19 km, nhiều điểm trường ở tình trạng “3 không”: không điện, không sóng điện thoại, không có mạng internet. “Học trò của tôi nhiều em phải vượt núi, đi bộ từ 5 - 7 km đường đất để đến trường. Do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng”, thầy Lò Văn Hơn (32 tuổi) kể.

Vì thế, từ khi về đây công tác (năm 2012), với vai trò là Tổng phụ trách Đội, thầy Hơn đã có rất nhiều sáng kiến để giúp học trò nghèo được đến lớp. Thầy cũng là một người dân tộc Thái, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải vượt 150 km để đến trường dạy học, nhưng đã thắp lên nhiều tương lai cho học sinh ở vùng biên giới này.

Học sinh của thầy Lò Văn Hơn phân loại rác thải để bán lấy tiền gây quỹ giúp học sinh khó khăn

“Em không muốn bỏ học”

Trong một buổi sinh hoạt Đội, thầy giáo Hơn bỗng thấy cuối hàng có một học trò mảnh khảnh, màu tóc vàng cháy nắng, chiếc áo rách, không đeo khăn quàng đỏ và đôi chân trần. Là người sinh sống ở vùng khó khăn, thầy Hơn thấy đó cũng là chuyện bình thường khi học sinh của trường có hơn 80% thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, thầy nhận thấy ánh mắt buồn của cô học trò nhỏ. Ánh mắt ấy cứ ám ảnh tâm trí thầy cho đến cuối buổi sinh hoạt.

“Kết thúc giờ sinh hoạt, tôi gọi em vào phòng làm việc của mình và hỏi: “Sao hôm nay em có vẻ không được vui, em mệt à? Cô học trò nhỏ tên Ly Thị Chứ nghẹn ngào: “Thưa thầy em không mệt đâu ạ, em buồn vì mẹ em không muốn cho em đi học nữa. Mẹ cứ bắt em lên nương, em không muốn bỏ học. Thầy hãy nói với mẹ để em được đi học”, thầy Hơn nhớ lại.

Ngay chiều hôm đó, thầy Hơn tìm đến nhà em Chứ. “Bước vào nhà, tôi lặng đi một chút, nhìn quanh ngôi nhà chắp vá, mái lợp lá cọ, những miếng tre xếp thành từng mảnh và kẹp bằng 2 thanh tre yếu ớt tưởng chừng như một cơn gió mạnh sẽ làm đổ nát. Bố cô bé còn đang bị bệnh”, thầy Hơn chia sẻ. Khi vận động, mẹ Chứ cương quyết bắt em phải ở nhà lên nương rẫy làm việc, trông em và cả 3 chị em đều phải nghỉ học.

Lần vận động thất bại, trên đường về, thầy Hơn cứ nghĩ phải tìm phương án nào giúp gia đình em Chứ, để nữ sinh này được đi học. Thầy về trường báo cáo Ban giám hiệu, rồi cùng các thầy cô giáo và trưởng bản đến vận động lần thứ hai, hỗ trợ gia đình 2 triệu đồng để giúp bố Chứ chữa bệnh. Sự động viên kịp thời đó đã giúp gia đình Chứ vượt qua khó khăn và em được tiếp tục đến trường.

Đó cũng chỉ là một trong rất nhiều học sinh được thầy Hơn vận động và hỗ trợ đến trường trong gần 10 năm qua. Có những học sinh được thầy giúp đỡ đã có tương lai tươi sáng hơn. Em Vì Thị Tuyết (ở bản Nậm Tỉa, xã Sam Kha) khi còn học lớp 5 đã định bỏ học, nhưng được thầy Hơn chăm sóc, nuôi dạy, đưa đi tham gia cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, và đã đoạt giải nhất cấp huyện, giải khuyến khích cấp tỉnh. Giờ Tuyết đã là học sinh giỏi lớp 12 ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Sơn La.

Thầy giáo Lò Văn Hơn (người đeo khăn quàng đỏ) tặng quà cho học sinh nghèo từ tiền làm “Kế hoạch nhỏ”

NVCC

Tiên phong đi nhặt rác gây quỹ

Để có quỹ giúp học sinh tới trường, thầy Hơn đã tiên phong đi nhặt rác và phát động phong trào này để mọi người cùng thực hiện. Thầy làm một giỏ sắt để ở góc sân trường, vận động học sinh, thầy cô giáo tham gia nhặt rác từ nhà đến trường, sau đó phân loại, bán những rác thải nhựa như: vỏ chai, lon nước ngọt… Đồng thời, thấy nhà trường còn nhiều đất trống, thầy Hơn đã cùng học sinh bán trú triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ”, huy động các chi đội trồng rau sạch để bán cho nhà bếp bán trú. Số tiền thu được từ phong trào nhặt rác và trồng rau lên tới 20 triệu đồng mỗi năm, thầy Hơn dành 50% làm quỹ để xây dựng phong trào, giúp vận động học sinh đến lớp, phần còn lại được nộp về Liên đội trường để tham gia các phong trào tình nguyện, thiện nguyện. Từ nguồn quỹ này, Liên đội trường đã nhận đỡ đầu được 50 em thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời xây dựng được một khu vui chơi cho học sinh.

Bên cạnh đó, 2 năm qua, thầy Hơn đã kết nối hơn 10 đoàn thiện nguyện, tình nguyện quyên góp nhiều phần quà tặng người dân và học sinh còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn xã, với tổng giá trị trên 200 triệu đồng. Thầy đã tổ chức nhiều chương trình tình nguyện như: Bữa cơm tất niên; Giúp bạn đến trường, hướng tới tương lai; tặng áo sơ mi, dép, sách vở cho học sinh...

Không chỉ giúp học sinh đến trường, thầy Hơn còn ở lại trường chăm sóc và dạy dỗ các em như người cha, người anh. Thầy luôn trăn trở, làm sao mang đến điều tốt đẹp nhất cho học sinh, nên thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho các em thông qua các hoạt động tập thể. Để chăm sóc học sinh bán trú, thầy còn định kỳ tổ chức cắt tóc, gội đầu, cắt móng tay cho các em. “Hơn ai hết, tôi thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em vùng cao phải chịu khi điều kiện kinh tế khó khăn. Bản thân tôi đã trải qua những khó khăn đó nên càng muốn làm được điều gì đó cho các em”, thầy Hơn tâm sự.

Không ngừng sáng tạo

Dạy học ở xã đặc biệt khó khăn, thầy Hơn càng nỗ lực giúp học sinh tiếp cận tri thức. Là thầy giáo dạy môn âm nhạc của trường, dù không có phương tiện giảng dạy và gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, nhưng thầy vẫn không ngừng sáng tạo, có nhiều sáng kiến, mô hình hay trong quá trình giảng dạy, trong đó có sáng kiến “Sử dụng xen lẫn tiếng dân tộc Mông trong quá trình giảng dạy bộ môn âm nhạc”. Sáng kiến này đã khơi gợi hứng thú học tập của học trò.

“Thông qua sử dụng xen lẫn tiếng Mông để giảng giải các từ hoặc nội dung kiến thức mà các em không hiểu, sau một thời gian triển khai, tôi nhận thấy học sinh nắm được kiến thức môn học tốt hơn, khả năng sử dụng tiếng Việt của các em cũng được cải thiện rõ rệt”, thầy Hơn nói.

Sáng kiến “Vai trò của thầy giáo Tổng phụ trách Đội trong giáo dục học sinh bán trú” của thầy Hơn đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh bán trú. Đặc biệt, sáng kiến “Tích hợp hiệu quả hoạt động trải nghiệm và khám phá trong dạy học môn âm nhạc lớp 1” của thầy Hơn, nhằm phát hiện và rèn luyện năng khiếu âm nhạc, khiến học sinh hứng thú học tập, linh hoạt trong các hoạt động ngoài trời, đã được hội đồng khoa học cấp trường, cấp huyện công nhận là sáng kiến có hiệu quả và được áp dụng từ năm 2017 đến nay.

“Tôi luôn suy nghĩ rằng, là người thầy, chèo lái con thuyền của tri thức, dù đứng ở vị trí, hoàn cảnh nào, trải qua bao nhiêu khó khăn cũng phải cố gắng. Nếu chúng ta dùng sự nhiệt huyết, tấm lòng để nhìn nhận và giúp đỡ học sinh, chúng ta sẽ làm được điều tưởng như không thể. Từ đó, các em có đam mê, khát khao chinh phục tri thức để có cuộc sống tốt hơn”, thầy Hơn tâm sự.

Tấm gương tiêu biểu ở vùng biên

Nhận xét về thầy Lò Văn Hơn, bà Tòng Thị Quyên, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Sốp Cộp, cho biết thầy là một giáo viên tâm huyết, nhiệt tình trong mọi công tác, tình nguyện cống hiến sức trẻ cho hoạt động của xã, của trường. Thầy Hơn vừa dạy học vừa nuôi dưỡng học sinh, với nhiều sáng kiến để các em có cuộc sống tốt hơn. Nhiều năm liền, thầy Hơn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, lao động tiên tiến, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu ở vùng biên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.