Rốt ráo giãn nợ, hạ lãi
Thông điệp trên được Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh khi chủ trì hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, tổ chức ngày 22.4. Trước đó, báo cáo về tình hình triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng (NH), ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng, với dư nợ 62.835 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, các NH đang phải vừa thực hiện mục tiêu kép vừa giữ hoạt động ổn định, vừa hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp (DN), người dân và nền kinh tế. “Việc giảm lãi suất, mỗi NH có năng lực tài chính khác nhau. Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các DN. Chúng tôi giảm đồng loạt trên hệ thống từ nay đến 30.9”, ông Thành thông tin.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank cũng lo lắng bởi NH đi huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn. “Điều này lý giải vì sao có một số DN phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có... chưa tiếp cận được vốn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro”, ông Thành bày tỏ.
Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ cũng cho rằng, việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hệ quả nợ xấu. Tuy nhiên, VietinBank bằng nhiều giải pháp đang nỗ lực cho khách hàng đủ điều kiện, có phương án tốt giải ngân vốn một cách nhanh nhất. “Đối với các lĩnh vực thiết yếu, chúng tôi chỉ đạo rất nghiêm túc giảm ngay lãi suất 2 - 2,5%/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 - 1,5%/năm”, ông Thọ nói.
Đối với khối nhà băng cổ phần, Tổng giám đốc NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng báo cáo đã giảm lãi suất cho khoản vay mới, đưa mức 0,5 - 2%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn. Cho đến nay, đã có 2.800 khách hàng, 2.400 tỉ đồng dư nợ được giảm lãi. Toàn bộ chương trình sẽ phủ đến 8.300 khách hàng, với tổng dư nợ 5.500 tỉ đồng. Theo Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh, nhà băng này có hơn 80.000 khách hàng, chiếm 1/3 dư nợ tín dụng trong danh mục các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, có những nhóm khách hàng như người tiêu dùng với khoản vay nhỏ, bị thất nghiệp hoặc do giãn cách xã hội bị ảnh hưởng. “Có gần 150.000 khách hàng là hộ kinh doanh có các khoản vay trung bình từ 50 - 200 triệu đồng. 60% ở một số tỉnh lớn đang dừng hoạt động, nếu dịch tiếp tục kéo dài và giãn cách xã hội mà không được nới lỏng, thì ảnh hưởng sẽ rất mạnh thời gian tới”, ông Vinh cảnh báo.
Xem xét cơ cấu lại nợ, lãi cho cả khách hàng cá nhân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các NH giúp chính sách đi thẳng vào cuộc sống, gỡ khó ngay cho người dân, DN. Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý quá trình triển khai các chính sách vẫn còn những khó khăn, hạn chế. “Ngay sau cuộc họp hôm nay, 4 NH thương mại quốc doanh sẽ triển khai ngay. Tất cả quy định phải được quán triệt, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình làm việc với khách hàng để xử lý tháo gỡ”, Thống đốc yêu cầu và nhắc nhở việc thực hiện Chỉ thị 01, Thông tư 01, Chỉ thị 02 của NHNN phải được coi là trọng tâm trong năm nay. Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo NHNN một cách hiệu quả, có kết quả trên thực tế.
Ông Lê Minh Hưng cũng đề nghị các tổ chức tín dụng cần chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này, cũng như sau khi dịch kết thúc. “Các đơn vị phải có cơ chế khuyến khích phù hợp để chi nhánh, phòng giao dịch, cán bộ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đặc biệt, phải xử lý với giám đốc chi nhánh, nếu thiếu trách nhiệm gây khó khăn phiền hà... Trong quá trình cơ cấu lại nợ, không chỉ khách hàng DN mà cả khách hàng cá nhân. Đề nghị các NH thương mại phải xem xét khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập cũng cần được quan tâm xem xét cơ cấu lại nợ, cả nợ gốc và nợ lãi”, Thống đốc nói.
Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân.
Bình luận (0)