Tôi thích Hà Nội tầm tháng 3 qua tháng 4 một tí. Khoảng thời gian này sẽ có những ngày thời tiết xuống còn 18 độ C. Và chưa có tháng nào, Hà Nội lại nhiều hoa như thế. Đã có những gánh bông bưởi, đã có những xe chở hoa loa kèn; lại còn những con đường đầy hoa gạo, hoa sưa.
Phố cổ - loanh quanh đã trở về điểm hẹn
Những người thân mà nghe tôi nói nhớ, nói nôn nao với Hà Nội, chắc hẳn ai cũng tròn mắt lên và... cười! Mà cũng lạ, mỗi khi chú Hoàng, tài xế khách sạn nơi tôi ở đón từ sân bay về đến phố Lý Nam Đế, chuẩn bị rẽ vào các Hàng là tôi luôn có cảm giác nôn nao như được... trở về nhà!
Tôi không rành đường Hà Nội lắm, ngoại trừ các Hàng trong phố cổ. Nhớ cách đây chừng hai chục năm, ra Hà Nội, tôi lơ ngơ hỏi sếp: “Anh ơi, sao trụ sở mình lại ở... ngoại ô?”. Sếp đã cả cười khi biết với cách nghĩ của tôi thì Hà Nội chỉ phố cổ mới gọi là nội đô.
tin liên quan
Đà Lạt chuyện khu Hòa Bình: Từ Chợ Cây xưa đến rạp Hòa Bình naySếp tôi còn khe khẽ hát bài Xe đạp ơi của Phương Thảo - Ngọc Lễ vốn rất thịnh hành thời đó. Vậy là tôi đã phải lòng phố cổ ngay từ khung cảnh xung quanh... bát phở Bát Đàn.
Tôi có một khách sạn quen ở phố Hàng Trống, dễ cũng đã ở hơn 10 năm nay. Hẹn hò làm việc thì đã có một loạt quán cà phê ngay phố Nhà Thờ gần đấy. Hồi xưa, lúc Highlands đối diện Báo Nhân Dân còn chưa bị Starbucks Reserve chiếm mặt bằng, cà phê Cộng chưa ra đời thì Moca Cafe là nơi chốn tụ tập của giới văn nghệ, báo chí.
Thích nhất vào quán ngay mùa đông, chọn chỗ ngồi sát lò sưởi luôn được chủ quán đốt bằng những thân cây còn cả vỏ. Quán ấm sực, thơm mùi cà phê, thơm mùi nhựa cây. Phục vụ ở đây, có một chút thân thiện, có một chút lãnh đạm, có một chút thờ ơ. Thật khó gọi tên. Nhưng đó cũng là một kiểu của một số người Hà Nội. Vậy mà, lâu lâu không ghé lại nhớ. Và Moca vẫn sống được khi hàng loạt những tên tuổi lớn trong ngành bao vây quanh đấy.
Nhiều người sẽ thắc mắc tự hỏi tại sao Hà Nội luôn thu hút khách du lịch nước ngoài. Cái phố cổ bé tí, phòng khách sạn dẫu chi chít sao cũng vẫn be bé xinh xẻo; hàng quán thì chật hẹp, trông... bân bẩn thế nào ấy. Vậy mà Tây ba lô mê đắm đuối.
tin liên quan
Về Huế đi chợ Đông Ba: Mê mệt trong 'thiên đường' mua sắm, ăn uống, sống ảo!Hồi đó, trên phố Cầu Gỗ có cô Nga bán miến măng vịt, danh tiếng một thời. Ngơi tay bán là cô Nga phì phèo hút thuốc và í ới gọi chồng: “Này ông đi đâu đấy, lại đây tôi nhờ hay không thì bảo...”. Vừa dứt lời lại quay qua với khách. Cứ vậy mà rộn ràng cả một khúc phố.
Đâu chừng dăm năm trở lại đây, chẳng thấy cô Nga dọn hàng, mọi người bảo là cô ấy đi vào Nam rồi. Vậy là tôi mất một người quen.
Những người quen như vậy của tôi ở phố cổ còn nhiều. Bà Nhàn miến măng vịt ngõ Trung Yên, bà bún ốc Hàng Chai, bà cụ bún dọc mùng phố Hàng Bè, bà bánh đa nem cá rô đồng Hàng Thùng, bà Hà phở gà Hàng Hòm. Cứ thấy tôi tới lại cười và bảo: “Bác lại ra!”.
Và khi ở lâu, quen hơi bén tiếng thì mới biết đằng sau vẻ chao chát điêu ngoa ấy là cả một tấm lòng, cả một sự đối đãi với nhau hết sức nhân hậu. Mới đây, Võ Quốc, một tên tuổi trong giới ẩm thực, ra Hà Nội mở tiệm bán... bánh mì. Trong những người mở hàng cho Quốc là bà bán bún cá phố Nguyễn Thái Học. Duyên nợ, cũng từ chuyện Võ Quốc lân la đi ăn bún cá, thấy ngon, Quốc bèn đưa lên Facebook, rủ rê bạn bè cùng tới. Vậy là thành thân quen. Giờ thì gánh bún cá Nguyễn Thái Học đã nở nồi lắm. Lại thấy bà chủ tự động in chữ Bamidon Hàng Gà của Quốc lên giấy lót mâm để quảng bá giùm.
tin liên quan
Những quán cà phê cũThanh xuân bên hồ
Tôi thích ở phố cổ còn vì phố cổ có hẳn cái hồ Gươm. Cũng không nhớ đã bao nhiêu lần chạy bộ mỗi sáng quanh hồ, đã hẹn hò bạn bè bao nhiêu bận ở cà phê Bốn Mùa, ở cà phê Lục Thủy. Sắc màu hồ Gươm với tôi luôn khó nắm bắt. Chụp hình mãi nhưng vẫn luôn có cảm giác, dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó.
Cách đây chưa tới dăm năm trước, Hà Nội ban lệnh cấm trên mười mấy tuyến đường phố cổ để làm phố đi bộ mỗi cuối tuần. Lúc đó, ngay cả tôi đây còn hoài nghi, còn bảo, không còn xe cộ, nhịp sống chậm lại, rồi liệu có ai đến với hồ Gươm. Năm tháng dần qua. Và giờ thì hồ Gươm có một sức sống khác. Trai thanh gái lịch lượn lờ ra phố nhiều hơn. Toàn bộ con đường vòng quanh hồ Gươm trở thành sân chơi, thành nơi biểu diễn nghệ thuật đường phố một cách tự nhiên nhất. Góc này đánh cờ, góc kia chơi ô ăn quan, góc nọ đi cà kheo...
Quanh hồ Gươm, đã thấy các quán cà phê thanh lịch mở ra. Tỷ như quán Gardenista ở phố Lê Thạch với vô vàn cây xanh. Cây xanh trên chậu, cây xanh trên bàn, cây xanh trên lối đi. Các bạn phục vụ trẻ mặc đồng phục luôn cười tươi, nói khẽ giới thiệu những cây mới với tín đồ yêu cây cỏ.
Đôi khi mọi việc cứ diễn ra tự nhiên, lặng thầm như thế, đến một lúc tôi mới ngớ người ra mà rằng: Ồ, bây giờ cung cách phục vụ của người Hà Nội (vốn bị chê) có khác gì Sài Gòn đâu!
Bình luận (0)