Hà Nội 'dệt mộng' thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/12/2018 09:35 GMT+7

Chuyên gia UNESCO và UBND TP.Hà Nội đang cùng phác thảo lộ trình đưa Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo và trở thành ' Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á'.

Đánh thức rồng

Về vị trí của “quận nghệ thuật”, ông Biển và bà Trâm đều cho rằng cốt yếu nhất là nó hài hòa với tổng thể xung quanh. Điều đó có nghĩa là nó phải được quy hoạch bài bản để có sức kết nối tốt. Chẳng hạn, nó có thể ở ven sông Hồng và kết nối với phố cổ - nơi có nhiều trầm tích văn hóa.
Ông Tim Voegele-Downing, chuyên gia của UNESCO, gọi đề án đang soạn thảo cho Hà Nội là “đánh thức Rồng”. Theo đó, Hà Nội sẽ tham gia hệ thống “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO”. Hệ thống này được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố cùng coi sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững.
Hiện tại mạng lưới có 180 thành phố. Mỗi thành phố trong mạng lưới lựa chọn một trong 7 lĩnh vực nhằm thúc đẩy hợp tác: nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, âm nhạc và các ngành nghệ thuật truyền thông. Theo ông Tim Voegele-Downing, dự án của ông chọn định vị Hà Nội như một “Thành phố sáng tạo về thiết kế”.
UNESCO cho biết trong đề án hợp tác với Hà Nội này, các dự án được tập trung vào 3 chủ đề chiến lược. Đó là tái tạo đô thị, giáo dục và các sự kiện văn hóa. Trong số này, dự án tái tạo đô thị là trung tâm cho biến chuyển văn hóa của thủ đô. Theo đó, sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa và các dự án tái tạo đô thị có ảnh hưởng lớn. Thủ đô sẽ có quận nghệ thuật Hà Nội, khu đô thị thông minh Đông Anh và trung tâm triển lãm quốc gia. Các dự án này cũng sẽ tạo cơ hội trong việc quảng bá kiến trúc, thiết kế và nghề thủ công của VN ra thế giới.
Bên cạnh đó, dự án giáo dục sẽ thành lập các viện nghiên cứu giáo dục và thiết kế, nghệ thuật hàng đầu. Dự kiến sẽ có trường đào tạo nghệ thuật và thiết kế Hà Nội, học viện nghiên cứu và phát triển Hà Nội… Cùng lúc, các sự kiện văn hóa sẽ giúp Hà Nội trở thành tâm điểm của các sự kiện văn hóa ở Đông Nam Á. “Học viện nghệ thuật Hà Nội sẽ có cả chương trình đào tạo cho nhà thiết kế tiếp cận thị trường, có học bổng thu hút người tài. Chúng ta cũng sẽ tổ chức các tuần lễ thiết kế Hà Nội, Hanoi Biennale - triển lãm mỹ thuật quốc tế Hà Nội và dùng các kênh khác nhau để quảng bá hình ảnh Hà Nội”, bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO, cho biết.

Hoạt động ngoài phạm vi thông thường

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, UNESCO cũng đề xuất một danh mục yếu tố cốt lõi. Chẳng hạn, sẽ có một tổ công tác chuyên trách đa chức năng cho dự án. Tổ này chịu sự chỉ đạo của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.Hà Nội. Tổ sẽ được trao quyền để hoạt động ngoài phạm vi thông thường của Chính phủ nhằm tạo điều kiện hoạt động nhanh chóng và quyết đoán, tương tự bản chất của một ủy ban Olympic. Hỗ trợ bởi một ban chuyên gia và cố vấn của VN, cộng đồng quốc tế và UNESCO, “Tổ công tác này sẽ trở thành động lực chính cho chương trình Hà Nội thành phố sáng tạo”, ông Tim Voegele-Downing cho biết.
Về đề án này, nhà thiết kế công nghiệp Nguyễn Huy Biển nói: “Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có nguồn lực thiết kế phát triển mạnh. Hà Nội có ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kinh doanh và công nghệ, FPT Arena... với những lĩnh vực như đồ họa, nội thất khá mạnh. Nếu muốn trở thành thành phố sáng tạo thì ngay vài năm tới mình nên triển khai đề án ngay”. Ông Biển cũng là người tham gia giảng dạy ở ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
Mặc dù vậy, so với tương quan của Đông Nam Á, ông Biển cho rằng chúng ta còn yếu. “Chẳng hạn Honda đặt cơ sở thiết kế ở Thái Lan, và đặt VN gia công sản xuất”, ông nói. Vì thế, trước mắt, theo ông cần phải tạo ra không gian để nhà thiết kế hoạt động tốt đã. Chẳng hạn, chúng ta cần cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng tạo, vốn di sản. Chúng ta cũng cần các thiết chế giám sát sở hữu trí tuệ. “Chứ nếu không, cứ thấy mẫu tốt là doanh nghiệp ăn cắp mẫu luôn. Thế thì làm sao thiết kế phát triển được”, ông nhấn mạnh.
Bà Vũ Ngọc Trâm, chủ không gian sáng tạo Manzi (Hà Nội), lại cho rằng nếu Hà Nội trở thành thủ đô nghệ thuật sẽ dễ hơn thành thủ đô thiết kế. “Nghệ thuật thì chúng ta ổn nhưng thiết kế thì đang còn yếu. Nguồn lực thiết kế của mình siêu kém. Nếu xây từ từ thì phải tạo nguồn, phải có giáo dục. Dự án đó có giáo dục thì sau 20 - 30 năm sẽ ra khoảng vài lớp nhà thiết kế giỏi”, bà Trâm nói.
Mặt khác, ông Biển cũng nhấn mạnh việc xây các hạ tầng cho hoạt động sáng tạo. “Ở nước ngoài không gian dành cho các hoạt động sáng tạo như bảo tàng, các khu công nghiệp sáng tạo cũng nhiều. Ở ta điều đó còn rời rạc. Vì thế, ngay lập tức trở thành thành phố sáng tạo thì khó. Tuy nhiên, nếu mình xác định làm thì cũng sẽ làm được thôi”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.