Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã rà soát đối tượng, tổng hợp và có tờ trình UBND TP.Hà Nội về việc bổ sung chính sách hỗ trợ.
Theo Sở LĐ-TB-XH, những đối tượng được rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ nêu trên là những người bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chưa quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Trên cơ sở đề xuất của Sở LĐ-TB-XH, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã họp và thống nhất đồng ý về chủ trương. Thường trực HĐND TP.Hà Nội đã họp và đồng ý ban hành nghị quyết quy định các chính sách đặc thù của thành phố đối với 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn.
Ngoài việc đồng ý ban hành chính sách đặc thù của Hà Nội hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng này; UBND TP.Hà Nội cũng bổ sung 500 tỉ đồng ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.
Theo rà soát của Sở LĐ-TB-XH, dự kiến có khoảng trên 324.000 người được hỗ trợ theo chính sách đặc thù của TP.Hà Nội, với tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỉ đồng.
10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của TP.Hà Nội, gồm:
1. Hỗ trợ hộ nghèo (1 triệu đồng/hộ).
2. Hỗ trợ hộ cận nghèo (1 triệu đồng/hộ).
3. Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng (1 triệu đồng/người).
4. Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa vào lại trung tâm do ảnh hưởng của Covid-19 (1 triệu đồng/người).
5. Hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (1 triệu đồng/người).
6. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 (1,5 triệu đồng/người).
Người lao động đang mang thai, đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ, hoặc bố, hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).
7. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh (có ký hợp đồng lao động với người lao động và có đóng bảo hiểm xã hội) chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (1,5 triệu đồng/người).
Người đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em, nhưng chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ, hoặc bố, hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
8. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và không thuộc đối tượng được quy định tại chương 4 Quyết định số 23/QĐ-TTg (mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người).
Người lao động đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi, hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em, chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ, hoặc bố, hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
9. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại chương 6 Quyết định số 23/QĐ-TTg phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19 (1,5 triệu đồng/người).
Chính sách này cũng hỗ trợ thêm cho người đang mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi với mức 1 triệu đồng/trẻ.
10. Hỗ trợ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (có trụ sở chính tại Hà Nội và do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19 (3 triệu đồng/chủ cơ sở).
Hình thức hỗ trợ là chi trả 1 lần cho đối tượng, người lao động. Quá trình triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; không trùng lặp đối tượng, mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; trường hợp một đối tượng hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên, thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.
Các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố thì không hưởng chính sách hỗ trợ này.
Bình luận (0)