Vốn FDI tăng hơn 38%
Theo thông tin mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), từ đầu năm đến ngày 20.2, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Các đối tác đầu tư lớn nhất đều là đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 đối tác dẫn đầu (Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đã chiếm tới 77% số dự án đầu tư mới và gần 85,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 38 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP.HCM, Hải Phòng, Hưng Yên.
Cụ thể, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 914,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 24,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Quảng Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 471,1 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn FDI. Tiếp theo lần lượt là Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh...
Trường hợp của Hà Nội, vốn đầu tư tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn, với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD, đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội.
Ưu tiên dự án hàm lượng công nghệ cao
2 tháng đầu năm, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Nguyên nhân được lý giải bởi tăng số lượng dự án mới (tăng 55,2%) và có dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 400 triệu USD và hơn 600 triệu USD).
Với mức tăng 55,2% về số dự án và một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước và tăng 36,9 điểm phần trăm so với tháng 1.
"Vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ song mức độ giảm được cải thiện so với tháng 1. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng 19,5% so với cùng kỳ, thay vì giảm 15,7% so với cùng kỳ trong tháng 1. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam", đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, định hướng thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam là ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Các lĩnh vực khuyến khích đầu tư là điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.
"Thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển trong tình hình mới", người đứng đầu ngành KH-ĐT nhấn mạnh.
2 tháng đầu năm, có 405 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 55,2% so với cùng kỳ); tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỉ USD (gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ).
Vốn điều chỉnh: có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ); tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu USD (giảm 17,4% so với cùng kỳ).
Góp vốn, mua cổ phần: có 367 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 16,6% so với cùng kỳ); tổng giá trị vốn góp đạt hơn 255,4 triệu USD (giảm 68% so với cùng kỳ).
Bình luận (0)