Hà Nội lạnh, TP.HCM nóng đến tết

26/01/2024 06:39 GMT+7

Trong khi Hà Nội và các tỉnh phía bắc tiếp tục chìm trong đợt rét đậm, nhiệt độ trung bình nhiều nơi dưới 10 độ C; thì TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ lại nóng gay gắt với nhiệt độ 34 - 35 độ C. Thời tiết trái chiều giữa 2 thành phố lớn nhất cả nước dự báo sẽ kéo dài đến cận Tết Nguyên đán.

Ngày 25.1, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Trung bộ; ở khu vực vùng núi cao phía Bắc một số nơi xuất hiện băng giá. Nhiệt độ trung bình của các tỉnh miền Bắc và bắc Trung bộ từ 9 - 13 độ C.

Các tỉnh phía Bắc đang hứng đợt rét đậm nhất trong mùa đông năm nay và sẽ kéo dài đến khoảng ngày 29.1ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Các tỉnh phía Bắc đang hứng đợt rét đậm nhất trong mùa đông năm nay và sẽ kéo dài đến khoảng ngày 29.1

NGUYỄN MINH CHUYỂN

Miền Bắc đốt lửa sưởi ấm

Tại thủ đô Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất từ 10 - 12 độ C và cao nhất từ 12 - 14 độ C. Tại các tỉnh vùng núi phía bắc, gồm cả Đông Bắc và Tây Bắc, xảy ra tình trạng rét hại, có nơi nhiệt độ chỉ từ 3 - 6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C.

Tiểu thương lạnh co ro trên vỉa hè Hà Nội, trông đào quất tết

Hình ảnh nhiều người dân đốt lửa để sưởi ấm, vất vả mưu sinh trong cái lạnh chính đông xuất hiện ngày càng nhiều. Đáng chú ý, băng giá đã xuất hiện ở nhiều vùng núi cao như đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mèo Vạc (Hà Giang) hay núi Yên Tử (Quảng Ninh)... Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, địa phương đã cắt cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, bản hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật tới các hộ chăn nuôi sử dụng bạt và các vật liệu khác để che chắn chuồng trại.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: "Đây là đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa đông năm 2023 - 2024". Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc bộ và bắc Trung bộ có thể kéo dài đến khoảng ngày 29.1, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Trong đợt rét này, trên khu vực Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9 biển động mạnh.

Vào những ngày giáp tết và đầu năm mới, thời tiết miền Bắc sẽ lạnh và miền Nam dịu đi một chút, nhưng cơ bản vẫn là nắng nóng.

Th.S Lê Thị Xuân Lan (chuyên gia khí tượng thủy văn)

Trước tình hình trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài. Theo đó, Bộ Y tế phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét, bảo đảm an toàn cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Nam bộ nắng chói chang

Trái ngược với cảnh giá lạnh của miền Bắc, TP.HCM và nhiều tỉnh thành Nam bộ lại đang hứng chịu cái nắng như đổ lửa của mùa nắng nóng điển hình.

Chị Trần Tuệ Minh (ngụ Q.10, TP.HCM) nói: "Tôi đọc báo, xem đài thấy dự báo không khí lạnh liên tục tăng cường ở miền Bắc, những ngày qua cứ nghĩ TP.HCM cũng được hưởng chút tiết trời dịu mát, nhưng đợi mãi từ cuối tuần trước đến giờ vẫn chỉ toàn nắng là nắng. Trưa hôm qua, có việc đi ra ngoài, khoảng 13 giờ 30 nắng như đổ lửa làm tôi bị say nắng, bạn tôi từ Hà Nội vào thì bị sốc nhiệt dẫn đến cảm nhẹ. Kiểm tra nhiệt độ qua điện thoại thì thấy nhiệt độ ngoài trời lên tới 35 - 36 độ C. Ngoài cái nắng, còn có cảm giác khô hanh rất khó chịu. Có lẽ vì vậy mà bạn bè đồng nghiệp xung quanh tôi gần đây bị bệnh khá nhiều".

Hà Nội lạnh, TP.HCM nóng đến tết- Ảnh 2.

TP.HCM đang vào cao điểm nắng nóng và xu hướng tiếp tục tăng

NHẬT THỊNH

Bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Từ nay đến ngày 3.2, tại TP.HCM trời nắng nhiều và không mưa, chỉ số tia UV ở mức từ trung bình đến cao. Nguyên nhân nắng nóng ở khu vực Nam bộ là do trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua khu vực nam Trung bộ và Nam bộ hoạt động mạnh. Đến khoảng ngày 26 - 27.1, áp cao này hạ trục xuống phía nam của Nam bộ.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Đợt không khí lạnh này dù có cường độ mạnh nhưng chỉ ảnh hưởng nhiều ở khu vực phía bắc đèo Hải Vân trở ra. Phía nam đèo Hải Vân trở vào ảnh hưởng yếu, nhiệt độ chỉ giảm nhẹ vào ban đêm với mức nhiệt phổ biến là 22 - 23 độ C. Trong khi miền Nam đang vào mùa nắng nên số giờ nắng kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, trời ít mây nên nắng nóng càng gay gắt và nhiệt độ cao gần như suốt cả ngày. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm từ 10 - 12 độ C (ngưỡng an toàn của cơ thể với nhiệt độ thường chênh lệch chỉ từ 6 - 8 độ C), thêm vào đó là các vấn đề ô nhiễm không khí nên dễ dẫn đến các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì sốc nhiệt.

Đợt không khí lạnh ở phía bắc có thể tiếp tục duy trì tới ngày 28 - 29.1, sau đó suy yếu và duy trì tình trạng nắng ấm khoảng 1 tuần. Đến khoảng ngày 5.2 lại có một đợt không khí lạnh khác từ phía bắc tràn xuống nước ta.

Như vậy, trong tuần sau, nhiệt độ cả nước sẽ tăng, phía bắc ấm hơn còn miền Nam nắng nóng gay gắt hơn. Đến khoảng ngày 4 - 5.2 (25 - 26 tháng chạp), có khả năng một đợt không khí lạnh mới tràn xuống miền Bắc nước ta, nhiều khả năng cường độ sẽ không mạnh như đợt hiện nay.

"Vào những ngày giáp tết và đầu năm mới, thời tiết miền Bắc sẽ lạnh và miền Nam dịu đi một chút, nhưng cơ bản vẫn là nắng nóng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là xu hướng chung; còn tình hình cụ thể cần phải theo dõi thêm", Th.S Lê Thị Xuân Lan dự báo.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Từ tháng 2 - 4 năm nay, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam bộ (tập trung ở các tỉnh miền Đông), khu vực Tây bắc Bắc bộ và Trung bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, do tác động của hiện tượng El Nino nên nhiệt độ trung bình trên toàn quốc giai đoạn từ 11.1 - 10.2 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C, có nơi cao hơn 2 độ C.

ĐBSCL cần chủ động phòng chống khô hạn và xâm nhập mặn

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), khuyến cáo: Hiện tại chúng ta đang trải qua giai đoạn thời tiết bị chi phối bởi hiện tượng El Nino. Chính vì vậy, mùa khô năm nay đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Kiểu thời tiết năm nay là sự lặp lại của El Nino các năm 2016 và 2020. Các tỉnh thành ĐBSCL cần chủ động phòng tránh khô hạn và xâm nhập mặn, ưu tiên nước phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi. Đặc biệt các tỉnh khu vực ven biển và vùng giữa cần lưu ý hạn chế xuống giống vụ lúa mới để tránh thiệt hại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.