Hàng vạn lao động trông ngóng
Sau tết Nguyên đán, chị Nguyễn Hồng Hải (quê Ninh Bình) ra Hà Nội làm phụ hồ cho một công trình xây dựng ở Q.Cầu Giấy. Chưa được bao lâu, dịch Covid-19 bùng phát, việc lúc có lúc không, đến tháng 7 thì nghỉ hẳn.
Chị Hải chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều lao động khác bị “kẹt” lại Hà Nội không về được, 2 tháng nay cạn sạch tiền, thỉnh thoảng được nhận hỗ trợ gạo, mì, trứng… của các nhà hảo tâm, tổ dân phố. Hay tin nhà nước hỗ trợ LĐTD 1,5 triệu đồng, nhưng tôi chưa được nhận vì chưa kịp đăng ký tạm trú ở chỗ trọ”.
Mất chứng minh nhân dân, chưa kịp về quê làm lại thẻ căn cước mới, anh Đào Văn Huyến (làm nghề xe ôm ở Q.Tây Hồ) cũng không thuộc diện được nhận hỗ trợ. “Bình thường tôi chạy xe kiếm sống qua ngày, cứ nghĩ có bằng lái xe là đủ, giấy tờ không vội. Đâu ngờ dịch bệnh tái bùng phát, không giấy tờ tùy thân, tôi không thuộc diện nào được hỗ trợ”, anh Huyến thở dài.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái, Tổ trưởng Tổ dân phố 1, P.Phú Đô (Q.Nam Từ Liêm), nơi có hơn 1.000 lao động ngoại tỉnh thuê trọ, đối tượng LĐTD được nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người theo Nghị quyết 68 rất ít.
“Tổ gửi danh sách đăng ký lên cấp trên hơn 100 người, nhưng chỉ có 40 người được duyệt. Nhiều LĐTD không được nhận hỗ trợ do giấy tờ chưa đầy đủ, nhiều người không đăng ký khai báo tạm trú. Với những người chưa đủ hồ sơ, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận từ nay đến hết năm”, ông Thái cho biết.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Oanh, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, P.Phúc Diễn (Q.Bắc Từ Liêm), tổ dân phố này cũng đang chờ xét duyệt danh sách LĐTD nhận hỗ trợ Covid-19. “Chúng tôi vẫn đang đề nghị, LĐTD thường không có tạm trú nên rất khó được nhận hỗ trợ”, bà Oanh nói.
Xem xét hỗ trợ 500.000 đồng một số đối tượng
Trước tình thế khó khăn của LĐTD, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.Hà Nội, cho biết cơ quan này đã có văn bản đề nghị rà soát lao động khó khăn để hỗ trợ. Theo đó, ngày 14.9, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã rà soát đối tượng khó khăn.
“Các đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động bị dừng việc làm, mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, Chỉ thị 20 của Hà Nội đang gặp khó khăn, nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo các quyết định, nghị quyết của thành phố. Những người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa làm đăng ký tạm trú có nhu cầu, nguyện vọng cũng được xem xét hỗ trợ. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn cũng thuộc đối tượng được rà soát”, bà Hương thông tin.
Mỗi trường hợp đủ điều kiện sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội hỗ trợ 500.000 đồng. Kinh phí trích từ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Để nhận hỗ trợ, những người thuộc các trường hợp trên làm đơn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã, thông qua Ban Công tác Mặt trận, tổ dân phố nơi đang cư trú, tạm trú.
Tuy nhiên, do thông báo trên quá gấp gáp, nhiều tổ dân phố đã “khóa sổ”, không nhận đơn đăng ký từ chiều 13.9. “Chúng tôi nhận được thông báo chiều 12.9, lập tức thông báo triển khai ngay đến người dân đang cư trú tại địa bàn. Hiện danh sách gửi lên cấp trên phê duyệt có 200 người đăng ký. Phần nhiều trong số họ là thợ xây, thợ sơn bả, bán hàng rong, sinh viên... Do làm gấp gáp nên sau khi gửi danh sách lên trên, vẫn có nhiều người xin đăng ký”, bà Oanh cho hay.
Tại tổ dân phố 1, P.Phú Đô, ông Nguyễn Hữu Thái cho biết: “Tính đến 14.9, riêng tổ tôi nhận được gần 700 đơn của LĐTD và 300 đơn của sinh viên. Do chính sách của MTTQ mở rộng đối tượng, không yêu cầu tạm trú, chỉ cần chứng minh thư hoặc căn cước công dân nên mọi người đăng ký rất đông. Giờ đông quá, thành ra lúng túng phải dừng không nhận đơn, chờ hướng dẫn của MTTQ quận để hoàn thiện hồ sơ”.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, cho rằng về nguyên tắc cứu trợ, những nhóm yếu thế nhất, khó khăn nhất phải được cứu trợ đầu tiên. Tuy nhiên, qua thực tế tại Hà Nội, việc quá xem nặng hộ khẩu, tạm trú, thường trú dẫn đến LĐTD khó tiếp cận với các gói hỗ trợ. “Để không bỏ sót đối tượng, tôi đề nghị Hà Nội cần phải bỏ hết các thủ tục hành chính, chỉ cần có chủ nhà, tổ trưởng tổ dân phố xác nhận sự tồn tại của người lao động là được”, bà Giang khuyến nghị.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Lan Hương cho biết, đợt 1 chi trả hỗ trợ “chốt” đơn đến ngày 14.9, MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội căn cứ vào đề nghị để chuyển kinh phí về hỗ trợ lao động kịp thời. Sau đó, các phường, xã sẽ tiếp tục nhận đơn đợt 2 đến ngày 21.9 (khi Hà Nội hết giãn cách).
“Chúng tôi đang khẩn trương hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất có thể. Tất cả người lao động, sinh viên thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được nhận hỗ trợ trong những ngày tới, dù địa bàn đông hay ít lao động”, bà Hương khẳng định.
Bình luận (0)