UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận đề án “Xe đạp đô thị” của Sở GTVT Hà Nội theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến thực hiện ngay trong năm 2022, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 30 tỉ đồng, triển khai tại 85 điểm trên địa bàn 6 quận, gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ với khoảng 85 điểm bố trí xe, mỗi điểm từ 10 - 15 chiếc.
Hệ thống xe đạp công cộng chính thức thí điểm tại khu vực trung tâm TP.HCM |
h.mai |
Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Doanh nghiệp dự án sẽ đầu tư thêm 3.000 xe tại 350 điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải khách công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…
Phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, đơn vị thực hiện và xây dựng đề án xe đạp đô thị tại TP.HCM và đang được Sở GTVT Hà Nội đề xuất triển khai tại Hà Nội.
* Được biết xe đạp cho thuê nhập khẩu với giá 15 triệu đồng/chiếc, mức giá này có cao không thưa ông? Công ty dự kiến mức giá cho thuê xe đạp là bao nhiêu?
- Ông Đỗ Bá Dân: Giá nhập khẩu xe đạp khoảng 15 triệu đồng/xe, mức giá này không quá đắt nếu so với chất lượng xe cũng như độ bền đẹp. Nếu mua xe rẻ kém chất lượng, xuống cấp nhanh thì người dân cũng sẽ không sử dụng sau một thời gian.
Về giá cho thuê dự kiến là 5.000 đồng cho 30 phút, 10.000 đồng/giờ xe đạp cơ, giá phí cho thuê cả ngày là 50.000 đồng. Đối với xe đạp điện, sau khi doanh nghiệp có cụ thể mức đầu tư cho một xe được nhập về sẽ tính toán để đưa ra mức phí cụ thể. Ước tính khoảng 4 năm, chúng tôi sẽ hoàn vốn.
* Trước Hà Nội, loại hình xe đạp công cộng đã được thí điểm tại TP.HCM. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả triển khai?
- Xe đạp công cộng đã được triển khai tại TP.HCM từ 15.12.2021, mức phí cho xe đạp cơ điện cũng được áp dụng tương tự tại Hà Nội. Sau 3 tháng triển khai, loại hình xe đạp công cộng tại TP.HCM cũng đang được người dân đón nhận nhiệt tình.
Hiện tại, TP.HCM có 500 xe đạp cho thuê, với khoảng 100.000 tài khoản sử dụng, nhiều người đã sử dụng thường xuyên. Không chỉ TP.HCM, Hà Nội mà chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới ra nhiều địa phương khác, tạo thành mạng lưới kết nối thuận tiện cho người dân đi đâu cũng có thể sử dụng.
Dự kiến trước 30.4 chúng tôi sẽ cho triển khai mô hình xe đạp công cộng tại Đà Nẵng và Vũng Tàu, cũng như đang làm việc với các địa phương như Huế, Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh, các điểm du lịch lớn.
Về định hướng lâu dài, sẽ phát triển vé xe đạp công cộng kết nối cùng vé với xe buýt, metro. Người dân mua một loại vé sẽ có thể đi nhiều loại phương tiện công cộng khác nhau.
Người dân đi xe đạp trên làn đường riêng tại Amsterdam (Hà Lan) |
mai hà |
* Có khá nhiều trở ngại với mô hình xe đạp công cộng như ý thức một số người dân chưa cao, thời tiết nắng nóng không phù hợp và hạ tầng các địa phương chưa có làn dành riêng cho xe đạp. Liệu mô hình xe đạp công cộng có khắc phục được những trở ngại này?
- Thực tế là trước khi áp dụng mô hình xe đạp công cộng tại TP.HCM cũng đã có nhiều lo ngại như mất xe, hay hỏng xe. Nhưng sau vài tháng áp dụng, tới nay chỉ có duy nhất một trường hợp tại TP.HCM có người đưa xe đạp lên xe máy đưa về nhà. Nhưng do mỗi chiếc xe đạp đều gắn GPS nên chúng tôi tìm ra rất nhanh.
Về làn đường dành riêng cho xe đạp thì hiện các địa phương đều chưa có. Nhưng nhiều tuyến đường hỗn hợp có thể đi chung cả xe đạp và xe máy. Về lâu dài, những tuyến đường mới xây dựng có thể sẽ ưu tiên bố trí khoảng 1 m cho xe đạp như nhiều nước đã thực hiện. Trước mắt, cần hình thành thói quen cho người dân đi xe đạp, sau đó sẽ tính dần tới chuyện phát triển hạ tầng ưu tiên.
Bản thân mô hình xe đạp công cộng dù học hỏi kinh nghiệm các nước nhưng đã có cải tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ví dụ như tại nước ngoài, các xe cho thuê đều được gắn vào một trụ điện, nhưng về Việt Nam chúng tôi bỏ trụ này, vừa giảm chi phí đầu tư, kinh phí bảo trì cũng như nguồn điện, không vướng cho người đi bộ trên đường. Thay vào đó chỉ sử dụng vạch kẻ ở các trạm, thực tế mọi người sau khi sử dụng cũng trả xe rất ngăn nắp.
Ở nước ngoài thuê xe đạp phải đặt cọc, nhưng ở Việt Nam chúng tôi cũng không cần cọc, người dân chỉ cần tải app và quét mã QR Code để sử dụng xe. Sau vài tháng triển khai tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy đa số người dân rất ý thức và kỳ vọng những tín hiệu lạc quan cho việc phát triển mô hình này tại nhiều địa phương khác.
Bình luận (0)