1. Dòng xe máy băng băng, liên lục như chiếc kim đồng hồ đo độ tấp nập của Hà Nội. Cái nóng oi ngày hè còn luyến tiếc vương lại trong những ngày đầu thu châm thêm lửa vào nỗi sợ của tôi khi băng qua đường. Những giây phút đầu gặp Hà Nội thật kỳ lạ, không giống những gì tôi tưởng tượng trước đó.
Nhưng rồi…
Mùi giấm bỗng quyến rũ từ một hàng bún ốc dắt tôi vào con ngõ nhỏ, một thế giới bị che giấu bởi nét rêu phong nơi phố cổ. Những chiếc ghế nhựa thấp tè rải rác nép dưới những đường dây điện chằng chịt. Thực khách khép nép bưng bát bún còn nghi ngút khói, nhưng không quên nhoẻn miệng cười, rồi sì sụp từng muỗng nước dùng chua dịu, trong tiếng bóp còi của vài ba chiếc xe máy len lỏi lướt qua.
Từ ngõ nhỏ ra phố lớn, dáng hình 36 phố phường dần nhào nặn cảm xúc của tôi. Chớp mắt, hồn tôi quay ngược về Hà Nội của vài trăm năm trước. Kìa các u, các mợ thật duyên với váy lĩnh, nụ cười đen nhánh lấp ló dưới bóng của chiếc nón quai thao ngay ngắn trên đầu. Những gánh phở tất bật khắp phố phường phá bĩnh trò chơi ô ăn quan của một đám nhóc đang chơi gần đó. Bác phu xe kéo lảo đảo chạy cắt ngang đường tàu điện rồi khuất dần trong phố chợ, âm thầm và mờ nhạt như số phận của người lao động nghèo thời ấy.
2. “Bánh giò, xôi khúc nào các bác ơi”. Tiếng rao cắt ngang dòng tưởng tượng. Tôi ngước nhìn những mái ngói rêu phong, trên những ngôi nhà cổ san sát như trong tranh phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Kìa con phố Cầu Gỗ, nơi từng có cây cầu bắc qua con lạch nhỏ nối ra hồ Hoàn Kiếm. Con phố Lò Sũ bây giờ thật đông đúc, chợt khiến tôi giật mình khi biết nơi đây xưa kia tồn tại nhiều cửa hàng đóng quan tài. 36 phố phường ngày nay đã khác với cái thời xa vắng rất nhiều, nhưng nét sầm uất và đặc biệt là linh hồn của Kẻ Chợ nghìn xưa vẫn ngự trị mãi và là điều khiến lữ khách xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội.
|
Đền, chùa đan xen với phố thị, một nét không thể nào lẫn lộn của Hà Nội. Mái đình đặc trưng kiến trúc Bắc Bộ khuất dưới tán đa già phủ cả một góc phố. Mùi hương trầm thoảng qua đưa tâm tôi về một cõi thanh tịnh, bất giác chắp tay thầm biết ơn những bậc tiền nhân đã khai sinh ra vùng đất nghìn năm văn hiến.
3. Tôi lẽo đẽo đi sau một cô hàng hoa, bẽn lẽn như một cậu bé theo mẹ đi khám phá vùng đất mới. Gánh hoa dệt bởi vô vàn sắc màu dẫn hồn tôi ra đến hồ Hoàn Kiếm.
Mặt hồ như chiếc gương thần, hắt cái sắc xanh ngọc bích vào ánh mắt mơ mộng của tôi, đang rơi rớt xuống tháp Rùa cổ kính xa xa.Tiếng gió khẽ thổi như tiếng vọng của lịch sử. Sóng nước khẽ gợn như đang vỗ về mạn thuyền ngự của vua Lê đi trả lại gươm báu cho Kim Quy Thần. Bóng tháp Hòa Phong trên bờ hồ lại đưa tôi lạc trong miền quá khứ của một không gian tráng lệ khi chùa Báo Thiên còn tồn tại giữa mênh mông sóng nước, như một bức tranh thiên cổ. Giờ chỉ còn lại hoài niệm nhạt nhòa nhưng tiếc nuối sâu đậm.
Những gốc sấu già, hàng hoa sữa nồng hương dẫn tôi ra Hồ Tây. Tôi loay hoay đi tìm những “cành trúc la đà”, cố gắng lắng tai nghe “tiếng chuông Trấn Vũ” từ đền Quán Thánh xa xa, mường tượng về “nhịp chày Yên Thái” từ làng giấy ngày xưa, để rồi tất cả lắng đọng trên ánh hoàng hôn của “mặt gương Tây Hồ”.
Với tôi, Hà Nội như một bậc cao niên thức thời, vẫn giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc nhưng tiếp nhận sự thay đổi tích cực của thời đại mới. Điều đó làm nên nỗi nhớ da diết mỗi khi căn bệnh tương tư Hà Nội của tôi hoành hành.
|
Bình luận (0)