Từng là địa điểm dựng “lô cốt” dự án nước thải Yên Xá, đường Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) nay còn là nơi thực hiện thi công đường ống nước sạch sông Đà khiến tuyến đường giao thông này càng thêm phức tạp.
"Đường Lương Thế Vinh này nhỏ, vẫn hay tắc đường. Tùy từng giờ, giờ cao điểm tắc đường lắm, chỉ cần hai xe to đi vào đây thôi có khi tắc đường cả tiếng mới qua được. Một ngày bọn tôi chạy ngoài đường gặp tắc đường thì mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công việc. Đợt này đỡ hơn ngày trước rồi. Bây giờ đường chỉ hơi bụi thôi vì thỉnh thoảng vẫn còn chỗ mà người ta thi công. Ngày trước chắc do người ta thi công nhiều nên tắc đường nhiều hơn", anh Tiến Lực (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) chia sẻ.
Đây là một trong 3 tuyến ống nhánh nối với đường ống nước sạch sông Đà số 2 (công suất 300.000 m3/ngày đêm) và cũng là tuyến ống được thi công cuối cùng trong 3 tuyến này. Tuyến ống dài 3,4 km, có điểm đầu là Đại lộ Thăng Long nút giao cầu vượt Mễ Trì, đi qua đường Lương Thế Vinh để đến các quận phía Nam Hà Nội, tổng kinh phí đầu tư của dự án là hơn 100 tỉ đồng.
"Theo giấy phép, thời gian chúng tôi được phép thi công từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong quá trình thi công, chúng tôi rào chắn một phần đường để thực hiện công tác đào và đặt hệ thống tuyến ống D900 HDBE. Mặt bằng thi công chật hẹp, phải vượt qua nhiều hạng mục ngầm, nổi hiện trạng như điện nước, thông tin, cấp thoát nước nên gây ra nhiều khó khăn. Lưu lượng giao thông qua đây cũng rất lớn nên chúng tôi cũng phải có người phân luồng, phân làn để đảm bảo quá trình thi công an toàn và thông suốt. Trong quá trình thi công, chúng tôi có lịch trình là khi lắp đặt, hàn ống xong, đến 3 giờ, anh em chúng tôi phải san lấp mặt bằng, lu lèn, đến 5 giờ phải đảm bảo trả lại mặt đường cho người dân khai thác giao thông. Sau khi hạng mục này được đưa vào hoạt động sẽ cung cấp được lượng nước cho người dân rất lớn, phục vụ công tác dân sinh và sử dụng của người dân, để giảm bớt tình trạng mất nước như hiện nay", ông Mai Anh Chiến (Phó tổng giám đốc đơn vị thi công) cho biết.
"Đặc thù của tuyến ống truyền tải cấp 2 số 1 đi qua địa bàn dân cư rất đông đúc, có tính chất thi công phức tạp nhưng với tinh thần cao nhất để đảm bảo tiến độ của chủ đầu tư, tất cả cán bộ kỹ thuật, quyết liệt thi công cả ngày và đêm để đảm bảo tiến độ của chủ đầu tư giao, đảm bảo đưa vào sử dụng đúng thời hạn", anh Nguyễn Như Đa (cán bộ kĩ thuật) cho biết thêm.
Dự kiến đến hết tháng 11, tuyến ống cấp 2 số 1 sẽ thi công xong. Sau khi hoàn thành, tuyến ống này và hệ thống đường ống nước sạch sông Đà số 2 sẽ giúp tăng khả năng vận chuyển nước từ nhà máy về Hà Nội, nâng công suất hiện nay từ 300.000 m3/ ngày đêm lên 600.000 m3/ ngày đêm, phục vụ nhu cầu nước sạch của người dân thủ đô.
Bình luận (0)