Tối 8.4, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, chiều cùng ngày, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở này đã chủ trì cùng với các sở, ngành, địa phương có nuôi cá lồng tổ chức cuộc họp để làm rõ nguyên nhân cá chết trong nhiều ngày nay.
Cá chết hàng loạt do thiếu ô xy từ nhiều nguyên nhân cộng hưởng
"Sau khi xảy ra việc ra, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp để tìm nguyên nhân dẫn đến cá lồng của các hộ dân chết hàng loạt. Cơ quan quan trắc về môi trường thuộc Sở TN-MT đã lấy mẫu nước tại thời điểm cá chết để xét nghiệm. Đồng thời, Cục Thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT cũng về lấy mẫu trên cá chết để phân tích nguồn bệnh.
Kết quả cho thấy, nguồn nước tại nơi các hộ nuôi cá lồng có nồng độ ô xy rất thấp, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá thiếu ô xy để thở dẫn đến chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Cục Thủy sản cho thấy, cá không bị nhiễm bất kỳ một loại bệnh nào", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương thông tin.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước thiếu ô xy, vị này cho biết thêm, thứ nhất, đây là hiện tượng thường niên vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, nhất là khi diễn biến thời tiết phức tạp, nóng lạnh đột ngột khiến nồng độ ô xy giảm mạnh.
Thứ hai, trong các ngày từ 25 - 27.2 có mưa liên tiếp cũng khiến nồng độ ô xy xuống ở mức rất thấp.
Thứ 3, thời điểm cá chết đúng vào dịp thủy triều xuống, mực nước trên sông xuống thấp khiến lưu tốc dòng chảy xuống thấp. Từ đó, biên độ nước lên xuống trong ngày ở mức thấp. Bình thường, khi nước lớn, biên độ lên xuống trong ngày dao động mực nước từ 1 - 1,5 m, tuy nhiên, khi nước kém biên độ nước lên xuống trong ngày chỉ từ 20 - 30 cm cũng là tác nhân khiến nồng độ ô xy giảm.
Một yếu tố khác khiến tình trạng cá chết diễn biến nhanh đó là khi phát hiện cá chết, người nuôi cá không tăng lượng máy sục khí, vẫn duy trì ở mức bình thường khiến lượng ô xy trong nước bị giảm mạnh.
"Như tôi đã nói, dù được coi là hiện tượng thời tiết thường niên, thế nhưng ở các năm trước cá không chết nhiều bởi lẽ không bị tác động mạnh bởi các yếu tố kết hợp. Năm nay, do nhiều yếu tố trên cộng hưởng, kết hợp với nhau khiến thiệt hại của người nuôi cá lồng tăng đột biến.
Ngoài nguyên nhân về thiếu ô xy, Sở NN-PTNT cũng đang phối hợp với các sở, ngành để tìm hiểu thêm còn nguyên nhân nào khác nữa hay không", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương lý giải.
Đề nghị ưu tiên cấp điện cho các hộ nuôi cá lồng
Theo thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, tính đến hôm nay 8.4, có trên 300 tấn cá lồng của các hộ dân tại P.Nam Đồng và xã Tiền Tiến (TP.Hải Dương) bị chết, không tính đến lượng cá yếu mà người dân đang phải bán rẻ cho người dân hoặc các cơ sở thu mua.
Trong cuộc họp chiều 8.4, Sở NN-PTNT đã thông báo đến rộng rãi các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn toàn tỉnh cần tăng cường lắp đặt thêm máy tạo ô xy để cứu lượng cá còn lại, sở sẽ có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt.
Mặt khác, Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đã đề nghị Điện lực tỉnh Hải Dương ưu tiên cung cấp điện cho các hộ nuôi cá lồng để duy trì máy sục khí tạo ô xy.
"Chúng tôi coi việc cung cấp điện liên tục cho các hộ nuôi cá lồng là tình thế cấp bách, có thể cắt điện trong sinh hoạt, nhưng đối với cá lồng chỉ mất điện 2 giờ đồng hồ và không được sục khí thì cá sẽ chết hết", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương nói thêm.
Bình luận (0)