Hai VĐV điền kinh Việt Nam dính doping vì dùng hoạt chất giảm cân?

15/09/2022 12:18 GMT+7

Sau khi kết quả xét nghiệm mẫu A được công bố là dương tính với chất cấm, hai tuyển thủ của đội tuyển điền kinh Việt Nam nếu muốn xét nghiệm mẫu B, phải làm đơn và tự lo chi phí.

Trong 1.000 mẫu thử doping tại SEA Games 31, Tiểu ban y tế và phòng chống doping của đại hội đã phát hiện ra nhiều trường hợp bị dương tính với chất cấm, trong đó có các VĐV của các nước và của cả Việt Nam. Hai VĐV của đội điền kinh đã được báo tin về kết quả xét nghiệm mẫu A (cho thấy đã có dấu hiệu sử dụng doping tại SEA Games 31). Xin được nói kỹ hơn về quy trình thực hiện xét nghiệm doping. Mỗi VĐV được chỉ định kiểm tra doping, khi lấy mẫu xét nghiệm, VĐV đó sẽ chia mẫu thành hai lọ, gồm lọ A (gọi là mẫu A) và lọ B (mẫu B). Mẫu A sẽ được Ban tổ chức gửi ra nước ngoài xét nghiệm (tại Thái Lan và chi phí do Ban tổ chức chi trả). Còn mẫu B được lưu trữ từ 6 tháng đến vài năm tùy yêu cầu.

Nếu mẫu A cho kết quả dương tính với chất cấm, VĐV có quyền yêu cầu xin xét nghiệm lại mẫu B. Trên thế giới, có vài trường hợp VĐV khi xét nghiệm lại mẫu B lại cho kết quả âm tính với chất cấm và được minh oan. Tuy nhiên, thường thì mẫu A đã dương tính thì mẫu B cũng sẽ dương tính.

Ban tổ chức SEA Games 31 tuyên truyền phòng chống doping

HOÀNG QUÂN

Liên đoàn điền kinh Việt Nam đang giúp các VĐV này làm đơn xin xét nghiệm mẫu B. Chi phí sẽ do VĐV chi trả với số tiền khoảng hơn 200 USD. Nếu VĐV đó muốn trực tiếp sang Thái (nơi có phòng xét nghiệm doping mà Ban tổ chức SEA Games 31 chọn làm đối tác) thì tốn thêm tiền di chuyển, ăn ở. Thời gian để đợi có kết quả xét nghiệm mẫu B khoảng 10 ngày.

Được biết, loại chất cấm mà VĐV Việt Nam dùng có thể liên quan đến hoạt chất có tác dụng làm giảm cân. Trong danh sách các chất bị coi là doping có loại thuốc có tác dụng giảm cân, nhằm giúp cơ thể VĐV trở nên nhẹ nhàng hơn, thực hiện các động tác thể thao dễ dàng hơn và cũng dễ có thành tích cao hơn. Hai VĐV Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với mẫu A vừa đoạt huy chương vàng và huy chương bạc tại SEA Games 31.

Dù là lỗi vô tình hay cố ý thì các VĐV vi phạm cũng đều bị phạt rất nặng. Hình thức xử lý đầu tiên sẽ là Ban tổ chức sẽ tước huy chương đại hội, đôn những VĐV ở các vị trí tiếp theo trám vào chỗ các VĐV bị dính doping. Sau đó, các VĐV có thể sẽ bị cấm thi đấu ít nhất từ 1 đến 3 năm hoặc có thể vĩnh viễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.