Hạn, mặn gia tăng khắp nơi

Chí Nhân
Chí Nhân
28/02/2024 06:35 GMT+7

Nắng nóng trên diện rộng kéo dài khiến cho tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn đến sớm và gay gắt ở nhiều nơi.

Đà Nẵng mặn sớm, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt

Đà Nẵng, một thành phố ven biển nên việc bị xâm nhập mặn vào mùa khô vốn không phải điều lạ và thường xảy ra vào giai đoạn cuối tháng 4 đầu tháng 5.

Nhưng năm nay tình hình lại khác, mặn đến sớm và gay gắt hơn nhiều so với trung bình các năm. Mới cuối tháng 2 mà xâm nhập mặn đã xảy ra ở mức độ nghiêm trọng. Độ mặn ở hạ lưu sông Vu Gia tại vị trí cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) ngày 24 và 26.2 lên tới 2.378 mg/l, cao gấp 7 lần quy chuẩn cho phép. "Tình hình xâm nhập mặn có khả năng gây thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Nhất là khi mực nước sông không ổn định, hạ rất thấp dẫn đến không bảo đảm vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để đưa nước về Nhà máy nước Cầu Đỏ", Sở TN-MT TP.Đà Nẵng nhận định.

Hạn, mặn gia tăng khắp nơi- Ảnh 1.

Mực nước sông Yên tại cửa thu nước Trạm bơm phòng mặn An Trạch (mới) hạ thấp

Nguyễn Tú

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cũng báo cáo khẩn cấp về tình trạng vào một số thời điểm mực nước sông xuống thấp ảnh hưởng đến vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch. Đây là trạm bơm để cung cấp nước thô về cho các nhà máy nước. Đặc biệt, từ đêm 24.2, mực nước tại thượng lưu đập An Trạch giảm nhanh và đến sáng 26.2 mực nước chỉ còn 1,26 m. Nguyên nhân là hầu hết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực xả nước quá ít về hạ du. Dawaco kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các hồ chứa thủy điện xả nước về hạ du theo quy trình vận hành liên hồ, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đắp đập tạm tại sông Quảng Huế.

Để giải quyết nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trước mắt Dawaco tiếp tục phối hợp Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị TP.Đà Nẵng tăng công suất Nhà máy nước Hòa Liên để bảo đảm nguồn cấp nước.

Theo các chuyên gia, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Trung đến sớm cũng vì ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Mùa mưa kết thúc sớm nên các hồ chứa thủy điện vẫn chưa tích đủ nước và mực nước sông giảm nhanh vì khô hạn. Hiện các tỉnh miền Trung vẫn chưa chính thức bước vào cao điểm mùa khô nên sắp tới tình trạng hạn mặn ở khu vực này sẽ còn tiếp tục gay gắt hơn. Các cơ quan chức năng và người dân cần chủ động ứng phó với những tình huống xấu.

TP.HCM và ĐBSCL sống chung với hạn mặn

Tính đến ngày 27.2, các tỉnh Nam bộ đã qua đợt triều cường rằm tháng giêng, một trong những đợt mặn cao. Trong đợt xâm nhập mặn vừa qua, độ mặn tại trạm Cát Lái trên sông Sài Gòn lên đến 8,2‰, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 2,1‰. Mức độ xâm nhập mặn vừa qua có nguy cơ ảnh hưởng đến cả nhà máy nước Thủ Đức.

Hạn, mặn gia tăng khắp nơi- Ảnh 2.

Người dân vùng ven biển ĐBSCL đã chủ động xuống giống sớm vụ đông xuân để né hạn mặn. Lúa hiện đang thu hoạch, giá tốt

Công Hân

Trong khi đó, tại ĐBSCL trên các cửa sông chính, chiều sâu ranh mặn 4‰ đã vào sâu từ 40 - 45 km. Ở hầu hết các trạm đo, độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2023 với mức phổ biến từ 0,5 - 1,5‰ và cá biệt một số nơi cao hơn đến 4 - 5‰.

"Xâm nhập mặn năm nay tuy cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như những năm có El Nino gần đây là 2015 - 2016 và 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn sắp tới cũng sẽ tập trung vào các đợt triều cường vào đầu và giữa tháng, bên cạnh đó còn phụ thuộc lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đưa về", Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo.

Đối với nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của hàng chục triệu người dân TP.HCM, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết đã chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó. Cụ thể như chủ động theo dõi tình hình chất lượng nước thô, giám sát tình hình nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và kênh Đông để chủ động xử lý khi cần thiết. Phối hợp chặt chẽ với Công ty Thủy điện Trị An và Công ty Khai thác thủy lợi miền Nam để đảm bảo vận hành tối ưu tài nguyên nước tại hồ thủy lợi Dầu Tiếng và hồ thủy điện Trị An đảm bảo ổn định chất lượng nước tại các điểm khai thác nước thô.

Riêng vựa lúa và rau quả miền Tây, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết Cục đã phối hợp, theo dõi các dự báo sớm để đưa ra kế hoạch thích ứng phù hợp. Người dân và chính quyền các địa phương cũng có kinh nghiệm nhiều năm "sống chung" với hạn mặn, nên năm nay đã chủ động ứng phó thành công. Cụ thể, ngành nông nghiệp các địa phương đã khuyến cáo người dân thích ứng bằng cách chuyển đổi cơ cấu lại mùa vụ. Những khu vực ven biển đã xuống giống sớm vụ đông xuân từ giữa tháng 10 và đến thời điểm này đã thu hoạch xong trên diện tích khoảng 300.000 ha, năng suất vẫn bảo đảm. Ở những vùng có đê bao và cống đập sẽ tiến hành đóng cống khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép. Khi mặn rút theo các đợt triều cường, nước ngọt về sẽ tranh thủ bơm trữ nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng, vườn.

Đối với những khu vực bị ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng, Cục cũng đã khuyến cáo bà con chuyển đổi từ sản xuất lúa sang hoa màu và các loại cây chịu hạn, mặn. "Hy vọng hạn mặn sẽ đúng như dự báo là không gay gắt như các đợt El Nino gần đây và chúng ta có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại", ông Cường hy vọng.

Thích ứng hiệu quả theo vùng sinh thái

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng xâm nhập mặn ĐBSCL cần phân biệt 2 vùng khác biệt.

Thứ nhất, vùng cửa sông Cửu Long trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng là nơi ranh giới xâm nhập mặn, là sự tranh chấp giữa lực sông và lực biển - khi nào sông yếu thì biển lấn sâu.

Thứ 2, vùng bán đảo Cà Mau từ Bạc Liêu xuống Cà Mau và qua một phần Hậu Giang và Kiên Giang là vùng ít nhận được nước sông Cửu Long, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa. Sự thiếu hụt nước ngọt và gia tăng mặn ở vùng này trong mùa khô phụ thuộc vào lượng mưa. Với những năm El Nino gay gắt thì vùng này thiếu nước ngọt trong mùa khô.

Đối với vùng cửa sông Cửu Long, tình hình xâm nhập mặn có sự dao động ngắn hạn, ranh giới mặn dịch chuyển vào - ra thất thường theo hoạt động đóng - xả của các đập thủy điện Mê Kông phía thượng nguồn cũng như con nước lớn - ròng. Người dân có thể theo dõi và tranh thủ lấy nước ngọt từ thượng nguồn về và nước mặn bị đẩy ra xa phía biển.

Vùng cần lưu ý hơn là vùng bán đảo Cà Mau, có thể thiếu hụt nước từ đầu tháng 3 trở đi khi vào thời gian đỉnh điểm của mùa khô kéo dài đến tháng 5. Cần tập trung nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.