Hàn Quốc lỗ hơn 1.100 tỉ đồng, K-League trở lại chậm hơn V-League

17/04/2020 18:35 GMT+7

Dịch Covid-19 có thể khiến nền bóng đá Hàn Quốc sụt giảm doanh thu đến 57,7 tỉ won (khoảng 1.103 tỉ đồng), trong khi K-League vẫn chưa sớm xác định ngày trở lại như V-League.

Cuộc khủng hoảng tài chính bóng đá châu Á đã xuất hiện như dự đoán, khi dịch Covid-19 khiến các giải đấu từ V-League đến khắp châu lục bị hoãn vô thời hạn. Hàn Quốc, nền bóng đá hùng mạnh hàng đầu châu Á là minh chứng.
Phân tích dữ liệu sơ bộ của Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA) dự đoán tổng doanh thu của KFA và K-League 1, K-League 2 sẽ giảm khoảng 57,7 tỉ won (khoảng 1.103 tỉ đồng). Một con số quá khủng nếu so với V-League.
Trong cuộc họp ngày 14.4 ở Seoul, phân tích dữ liệu cho thấy K-League vẫn đang bị kéo dài vô thời hạn đã gây ảnh hưởng không nhỏ, nhất là khi các CLB dù muốn giảm lương vẫn chưa dám đề xuất vì sợ va chạm với Hiệp hội các cầu thủ bóng đá Hàn Quốc.

Một trong các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng của KFA như ủng hộ trang thiết bị, hiến máu... phòng chống dịch Covid-19 tại Hàn Quốc

KFA

Nhẩm tính, thiệt hại của KFA vào khoảng 5,7 tỉ won (gần 109 tỉ đồng) từ quảng cáo, cấp phép cho nhà tài trợ sử dụng logo và tên của KFA, quyền phát sóng...
K-League 1 lỗ 46,4 tỉ won (8.872 tỉ đồng) từ vé vào sân và quảng cáo… K-League 2 lỗ 2,4 tỉ won (45,9 tỉ đồng). KFA cho biết năm 2019 tổng doanh thu của KFA và tất cả các đội K-League là 271,7 tỉ won (gần 51.950 tỉ đồng).
Ngược lại, các đội bóng K-League năm nay khi lịch thi đấu giảm từ 38 xuống 27 vòng sẽ giảm được kinh phí tổ chức từ 15,7 tỉ won (khoảng 300 tỉ đồng) giảm gần 2 phần 3 xuống chỉ còn 4,7 tỉ won (gần 90 tỉ đồng). 

Tuyển nữ Hàn Quốc chung vui chiến thắng sau trận gặp Việt Nam tại vòng loại Olympic Tokyo 2020. Tất cả các hoạt động bóng đá xứ kim chi đều đang phải tạm hoãn vô thời hạn vì Covid-19

KFA

Trước đó, có những chuyên gia dự đoán sẽ có sự phân hóa giữa các nền bóng đá quanh hệ quả xấu bởi dịch Covid-19 kéo dài. Những nền bóng đá lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông… sẽ có sức đề kháng tốt hơn nhờ nền tảng tài chính mạnh mẽ.
Ngược lại, các CLB vùng trũng như Đông Nam Á như V-League sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Cá biệt những CLB nhỏ có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản vì thường phụ thuộc một bầu sữa của 1 doanh nghiệp hoặc chính phủ.
Những đội bóng nhỏ này, kể cả V-League vẫn đang trong quá trình hoàn thiện mô hình chuyên nghiệp. Do ký sinh đơn thể nên khi ông bầu gặp vấn đề suy thoái, nguồn tiền duy nhất bị cắt họ sẽ lập tức lao đao vì không có phương án dự phòng giống V-League đã từng.

Từng vượt qua những cuộc khủng hoảng kinh tế vô tình giúp các CLB Việt Nam đều trải qua "thử lửa", vẫn sống sót qua được dịch Covid-19 theo kiểu nhà khó co kéo đã quen

Độc Lập

Sự khác biệt của Việt Nam rất có thể sẽ đến từ cuộc tổng động viên “chống dịch như chống giặc” tương đối thành công của Chính phủ. Tất cả đang hy vọng Cúp Quốc gia sẽ khởi tranh ngày 15.5 trong khi V-League sẽ đá lại từ vòng 3 ngày 23.5.
Các đội V-League sẽ đá theo thể thức truyền thống thay vì phương án đá vùng VPF từng gợi ý. Một số CLB như Sài Gòn chấp nhận khi mới trở lại, các vòng đầu tiên là 3-4 thậm chí có thể đá không khán giả rồi tùy tình hình mà nới lỏng hơn… 
Nếu trái bóng lăn sớm trong tháng 5, các đội V-League sẽ an toàn vượt qua khúc cua ngoặt đầu tiên của dịch Covid-19. Trái bóng V-League có thể lăn trở lại trước những quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan (dự kiến tháng 9) có thể xem là tín hiệu tích cực từ Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.