Hãng bay của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết 100% quốc tịch Việt

06/09/2022 16:22 GMT+7

Công ty CP Liên Thái Bình Dương Air Cargo (đơn vị đề xuất thành lập hãnh bay IPP Air Cargo) ngày 31.8 đã ban hành Nghị quyết về việc cam kết lựa chọn thủ tục đầu tư trong nước khi thành lập Công ty cổ phần IPP Air Cargo.

Theo kế hoạch, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay trong năm đầu tiên, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 10 máy bay. Chủng loại máy bay sẽ đưa vào khai thác là B737/B777/A330 và các loại máy bay tương đương.

100% vốn trong nước

Liên quan đến việc các cổ đông trong IPP Air Cargo có 2 quốc tịch, các thành viên HĐQT trong công ty đã cùng thống nhất xác nhận và cam kết Công ty cổ phần IPP Air Cargo áp dụng theo điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước.

Cùng ngày, doanh nghiệp này cũng có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến quyết định chủ động lựa chọn tư cách "nhà đầu tư trong nước", không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, hãng hàng không của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết mang quốc tịch Việt Nam 100% theo đúng quy định pháp luật.

Hãng bay của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết 100% quốc tịch Việt Nam

Động thái này được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch các cổ đông góp vốn tại IPP Air Cargo để xác định điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư.

Theo cơ quan này, trường hợp các cổ đông góp vốn tại IPP Cargo Airlines mang 2 quốc tịch thì áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư theo khoản 2, Điều 16 Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Nghĩa là nhà đầu tư có quyền chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục như với nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài. Trường hợp họ chọn là nhà đầu tư trong nước, người mang hai quốc tịch không được thực hiện các quyền, nghĩa vụ với nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Đáp ứng đủ điều kiện

Trước đó, báo cáo của Bộ GTVT cho biết các cổ đông của IPP Air Cargo đều là cá nhân quốc tịch Việt Nam, nên Công ty cổ phần IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Theo Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa của IPP Air Cargo là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tuy nhiên, hàng không và vận tải hàng không là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng các quy định và được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương lập, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18 - 20%.

Về các điều kiện đang đươc xét duyệt, liên quan đến tình hình phát triển ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã có văn bản giải trình, qua đó khẳng định trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, việc thành lập mới hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Việt Nam là phù hợp.

Đối với điều kiện thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây là ngành kinh doanh có điều kiện, nên mức vốn tối thiểu để lập, duy trì hoạt động đến 10 tàu bay là 300 tỉ đồng. Hiện số vốn này đã được IPP Air Cargo góp đủ. Hồi tháng 2, hãng này cũng có giải trình bổ sung về phương án tăng vốn để bù đắp số thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do lợi nhuận có thể âm.

Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo được 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất thành lập từ tháng 6.2021, tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.