Hàng chục 'trí thức trẻ' đối diện nguy cơ mất việc

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
21/04/2021 08:21 GMT+7

Theo ông Trần Hữu Anh, những chính sách đối với trí thức trẻ hoàn thành nhiệm vụ chỉ là những 'ưu tiên trong công tác tuyển dụng' chứ không thuộc diện 'được tuyển dụng đặc biệt nào'.

Anh Phạm Hưng (35 tuổi, quê ở H.Triệu Phong, sinh sống ở H.Hướng Hóa, một trí thức trẻ tăng cường ở xã Tà Long, H.Đakrông, cùng tỉnh Quảng Trị) kể tháng 12.2010 anh cùng 38 người vừa tốt nghiệp đại học, trở thành những trí thức trẻ theo chính sách thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ. Sau đó, UBND H.Đakrông đã tổ chức tuyển dụng và ký hợp đồng lao động về công tác tại 13 xã thuộc địa bàn huyện.
Nhưng theo anh Hưng, ngày anh hoàn thành nhiệm vụ, sau 10 năm bám bản, cũng là lúc anh đối diện với nguy cơ... mất việc. “UBND huyện và Phòng Nội vụ đến nay vẫn chưa có hướng dẫn gì thêm về việc chúng tôi có được giữ lại hoặc bố trí công việc khác không, nên chúng tôi vẫn thấp thỏm đến nhiệm sở dù hơn 3 tháng, không nhận một đồng lương”, anh Hưng nói.
Còn trí thức trẻ Lê Quang Tố (35 tuổi, quê ở H.Triệu Phong, làm cán bộ xóa đói giảm nghèo ở UBND xã Mò Ó, H.Đakrông) cũng khó khăn trong công việc. Vợ của anh Tố cũng là một trí thức trẻ, nhưng nghỉ việc từ đầu năm 2020. Anh Tố cho biết anh đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bởi nhiều tháng không có lương.
Không chỉ anh Hưng, anh Tố mà nhiều trí thức trẻ sau 10 năm vật lộn với núi rừng Đakrông hiện đang đứng trước khó khăn việc làm...
Ông Đoàn Quang Anh, Trưởng phòng Nội vụ H.Đakrông, cho biết đối với những trí thức trẻ tình nguyện đang là vấn đề nan giải. “Chúng tôi ghi nhận những công hiến của trí thức trẻ, chúng tôi cũng không muốn bị mang tiếng “đem con bỏ chợ” nhưng thẩm quyền của cấp huyện đối với sự việc này rất khó. Chúng tôi đã có văn bản gửi về Sở Nội vụ xin ý kiến và chờ phía tỉnh có trả lời”, ông Anh nói.
Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND H.Đakrông, cũng cho biết huyện vẫn cần đến sự đóng góp của các trí thức trẻ, đồng thời cho rằng không nên gia hạn thời gian công tác cho các trí thức trẻ trong thời gian ngắn (6 tháng - 1 năm) sẽ không có ích lợi gì, mà phải lựa chọn hoặc ưu tiên xét tuyển hoặc chấm dứt hợp đồng, đi kèm với những ưu đãi chấp nhận được.
Tương tự, ông Trần Hữu Anh, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, cho rằng sau 10 năm công tác, đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đã có bước trưởng thành và góp phần hỗ trợ các xã thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 30A của Chính phủ.
“Chúng tôi đã rất lưu ý đến các nhân sự này và cũng gửi văn bản xin ý kiến ra Bộ Nội vụ, tuy nhiên theo văn bản trả lời của Bộ Nội vụ mà tôi vừa nhận hôm 12.4 thì những trí thức trẻ này sẽ chỉ được áp dụng chế độ, chính sách đối với trí thức trẻ tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 3 Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg”, ông Trần Hữu Anh nói.
Đáng chú ý trong đó, các trí thức trẻ hoàn thành nhiệm vụ sẽ được trợ cấp bằng 2 tháng tiền công trong thời gian công tác tại tổ công tác; được cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển vào công chức, viên chức theo quy định của pháp luật...
Theo ông Trần Hữu Anh, những chính sách trên đối với trí thức trẻ hoàn thành nhiệm vụ chỉ là những “ưu tiên trong công tác tuyển dụng” chứ không thuộc diện “được tuyển dụng đặc biệt nào”. “Thương thì tôi cũng biết vậy, nhưng chế độ chính sách, người ta không cho vận dụng nữa, phải cho họ nghỉ việc chứ biết làm sao”, ông Trần Hữu Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.