Hàng cổ thụ cả trăm năm ở Sài Gòn: Chuyên gia nói cây già nên ‘nghỉ hưu’

10/10/2020 12:15 GMT+7

Theo chuyên gia, cần đưa ra quy trình chăm sóc cụ thể, độ tuổi thành thục cho cây xanh trong đô thị đối với từng chủng loại cây khác nhau, sau đó cho cây cổ thụ ‘nghỉ hưu’ , thay thế dần bằng những cây mới.

Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM – đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn TP.HCM cho biết, hiện TP có hơn 3.000 cây cổ thụ (cây trên 50 năm), trong đó có những cây được trồng từ cả trăm năm trước.
Đơn vị này cho rằng, về nguyên lý, các cây cổ thụ trên đường phải được thay thế dần, tức là phải cho cây “nghỉ hưu” khi cây đã hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử. Tuy nhiên, chuyện cây xanh trồng bao nhiêu năm trong đô thị thì cho “nghỉ hưu” vẫn là vấn đề tranh cãi vì chưa xác định được “bao nhiêu năm” cụ thể là bao nhiêu?

Phải thay thế dần

TS Đinh Quang Diệp, Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Nông lâm TP.HCM nhận định, rất khó để đưa ra được con số cụ thể là cây bao lâu thì cho “nghỉ hưu” mà phải đánh giá cụ thể hiện trạng của từng cây, từng loài, từ đó mới quyết định cây nên đốn hạ hay bảo tồn.

Chuyên viên kỹ thuật và phó giám đốc xí nghiệp đi kiểm tra cây xanh

Ảnh: Vũ Phượng

Theo TS Diệp, xu hướng hiện nay trên thế giới là chọn loài cây trồng đô thị không quá cao, nên chọn những loài cây trung mộc có chiều cao không quá 15m, thân thẳng tự nhiên, gỗ tốt không giòn, cành dẻo dai không dễ gãy bất thường gây tai nạn, có sức chống chịu tốt, hệ rễ khỏe, cây có cành nhánh có thể chịu được gió mạnh, chịu được sự cắt tỉa, không thuộc các loài cây trong danh mục cấm hoặc hạn chế trồng. Những loài cây có chiều cao trên 20m chỉ nên trồng ở ngoại ô và vùng ven đô thị.
Vì vậy, TP cần thay thế những cây không phù hợp hoặc già cỗi không đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, bảo vệ môi trường của đô thị. Nhiều cây cổ thụ thuộc 2 loài sao đen và dầu rái có biểu hiện sinh trưởng và chất lượng kém cũng cần được thay thế để bảo đảm an toàn cho người dân. Để giám định những cây cần loại bỏ cần có một công trình nghiên cứu sâu hơn về chất lượng cây đang sinh trưởng này.

Hiện những nhân viên chăm sóc, duy tu ngoài việc cắt tỉa cành còn phải báo cáo lại nếu phát hiện cây có dấu hiệu sâu bệnh, sam, bọng

Ảnh: Khả Hòa

“Cần có quy định về tuổi thành thục của cây và kế hoạch thay dần những cây cổ thụ, sau bao nhiêu năm phải cho cây nghỉ hưu chứ không thể bắt cây nằm đó mãi như vậy được”, TS Diệp nêu ý kiến.
TS Nguyễn Thị Lan Thi, Giảng viên Khoa Công nghệ - Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng không thể đốn hạ thay thế cây hàng loạt trên đường vì chưa có cơ sở để kết luận cây bao nhiêu tuổi thì “nghỉ hưu”. Còn quy trình cụ thể đánh giá của sức khỏe của từng loại cây đang trong quá trình xin duyệt. Vì vậy nên thay thế dần dần các cây cổ thụ bằng cách trong quá trình đánh giá, Công ty cây xanh thấy cây nào có nguy cơ cao thì đề xuất xử lý đốn hạ.

Chuyên gia đề xuất cần thay thế dần cây cổ thụ ở TP.HCM

Ảnh: Vũ Phượng

TS Lan Thi cho hay, cùng một loại cây với cùng kích thước nhưng tùy vị trí trồng, cơ sở hạ tầng bên dưới thì sức sống của cây cũng khác nhau. TS Lan Thi ví dụ những cây nằm ở vị trí gần các tòa nhà cao tầng, đôi khi dễ gặp phải các luồng gió mạnh tác động lên cây. Trường hợp xấu rễ cây bị xâm hại làm mất khả năng bám đất của cây thì gặp luồng gió mạnh cây sẽ bị gãy đổ như cây ở Nguyễn Tri Phương vừa qua.
Mặt khác, có những cây hơn trăm tuổi hoặc cây khoảng 500 tuổi (2 cây dầu rái ở đường Nguyễn Đình Chiểu) vẫn sống khỏe. Do đó, TS Lan Thi nêu quan điểm không thể lấy thông số chung, quy ước chung về số năm tuổi rồi cây “nghỉ hưu” cho từng loại cây mà phải đánh giá, khảo sát với từng cây cụ thể thì mới có thể kết luận đốn hạ hay bảo tồn chăm sóc.

‘Đi chậm hơn Singapore 40 năm’

Theo TS Diệp, xanh đô thị bị ảnh hưởng của các cơ sở hạ tầng khác như cáp ngầm, ống dẫn nước, hố ga,… vì vậy trước khi trồng cây phải xác định được tầng đất, nơi hệ rễ của cây xanh có thể phát triển được để chọn loài cây trồng phù hợp.

Công nhân cây xanh cắt mé nhánh cây tại đường Đinh Tiên Hoàng

Ảnh: Khả Hòa

Việc trồng cây đô thị chỉ nên thực hiện sau khi các bước xây dựng cơ sở hạ tầng khác (cống thoát nước, đường ống dẫn nước, đường dây điện ngầm, đường cáp quang,...) đã được thực hiện xong tránh trường hợp vỉa hè thường xuyên bị đào bới ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ rễ cây xanh đường phố.
Nhưng thực tế, nhiều tuyến đường ở TP.HCM thì ngược lại, và chính việc can thiệp hạ tầng như sửa vỉa hè, làm đường cấp, thoát nước dễ làm hư bộ rễ cây, ảnh hưởng tới độ bám của cây xanh trên mặt đất về lâu dài.
“Hiện nay mỗi lần cấp phép đào đường chưa để ý đến cây xanh đô thị. Rễ của cây xanh đô thị không như cây trồng trong công viên với khoảng đất rộng mà phát triển theo hướng có lợi cho nó, không thể cứ đụng chuyện là đào đường. Đào xong cơ sở hạ tầng không đủ không gian cho rễ sinh trưởng hoặc xâm hại làm rễ chết từ từ ảnh hưởng đến độ bám mặt đất”, TS Diệp nhận định.

Theo Công ty cây xanh cần ban hành về tuổi thành thục của từng chủng loại cây trồng trong đô thị

Ảnh: Khả Hòa

TS Lan Thi thẳng thắn chia sẻ, Việt Nam đang đi chậm hơn Singapore từ 30 - 40 năm về quản lý cây xanh đô thị. Ở đó, từng hồ sơ của cây được lưu trên hệ thống, có riêng đội ngũ để khảo sát, “khám bệnh” cho cây cùng nhiều máy siêu âm cây. Còn ở Việt Nam, những người chăm sóc cây xanh hằng ngày cũng chính là người phát hiện các vấn đề của cây, thiết bị chẳng có gì ngoài chiếc xe thang và thước dây, máy móc đắt tiền chưa mua được. Phải đánh giá cây bằng mắt thường.
“Công ty chăm sóc cây xanh hiện cũng không biết được sơ đồ của đường dây điện, cáp ngầm, đường đi như thế nào, cách rễ cây bao xa vì mỗi một thứ là do các bộ phận thuốc khác nhau các sở khác nhau quản lý, không chia sẻ dữ liệu. Vậy nên khó mà đánh giá được toàn diện về hiện trạng của cây”, TS Lan Thi nói.
 
Cần làm ngay!
Tháng 11.2015 khi phải đốn 7 cây dầu tại Công Trường Lam Sơn để thi công ga xe điện ngầm điều làm mọi người kinh ngạc là không cây nào còn rễ cọc và bộ rễ chùm cũng bị mục rất nhiều. Cũng năm 2015 cây sọ khỉ loại 3 trên đường Nguyễn Đình Chiểu góc Mai Thị Lựu bị đổ, bộ rễ cũng mục gần hết. Cây sao loại 3 ở Mạc Đĩnh Chi đổ xuống cũng như vậy. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng tựu trung lại là chúng đã già cỗi và đã tới lúc dù có hơi muộn cần phải có kế hoạch đốn hạ thay thế những cây này.
Kế hoạch đốn hạ, thay thế này phải thật cụ thể đảm bảo không làm thay đổi đột ngột cân bằng sinh thái đã được thiết lập lâu nay trên các tuyến phố, vì không thể đốn hạ hàng loạt nên trong những chủng loại trên cần tập trung vào hai loại là dầu và lim sét, với sao và sọ khỉ trước mắt cho cắt thấp thật mạnh.
Một nguyên tắc nữa là đốn đến đâu trồng ngay đến đấy và vì thế cần phải có nhiều cây cỡ tuổi khác nhau tại vườn ươm để khi trồng thay thế trên đường phố đảm bảo cây đồng đều, tạo mỹ quan trong đô thị.
Song song với chương trình này cần có chương trình bảo tồn cây cổ thụ vì TP.HCM là một trong rất ít thành phố trong cả nước có những hàng cây cổ thụ rất đẹp. TP.HCM có thể bảo tồn dưới 3 dạng: bảo tồn cây cá thể, bảo tồn quần thể, bảo tồn một vài tuyến đường.
Những cây cổ thụ được bảo tồn cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, hằng năm cần cắt thấp và tỉa thưa thật mạnh (riêng với dầu con rái (còn gọi là cây dầu rái/ cây dầu) thì không thể cắt thấp). Kinh phí cho công việc này cũng cần có đầu tư riêng cho thích hợp.
Tóm lại đốn hạ thay thế cây già cỗi và bảo tồn cây cổ thụ là 2 vấn đề cấp thiết cần làm ngay đó chính là để an toàn với cây xanh đô thị tại TP.HCM.
KS Nguyễn Trịnh Kiểm - Chuyên viên Cây xanh đô thị
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.