Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở Nem chả sạch Quang Hậu (TP.HCM), cho hay mọi năm khi vào thời điểm còn nửa tháng là Tết Nguyên đán thì cơ sở của ông ngày nào cũng có điện thoại đặt hàng trước để biếu tặng, để dành ăn tết nhưng năm nay chưa thấy. “Mọi năm, lượng hàng đặt có thể không nhiều nhưng bán lai rai và cơ sở luôn trong tâm thế tăng công suất để bán hàng Tết âm lịch. Tuy nhiên, năm nay cả ngày “bói” không ra khách mới đặt hàng. Sản phẩm của chúng tôi là chả sạch, không có chất bảo quản, làm số lượng có hạn và hút chân không, bán ngay trong ngày thế nên thường được khách quen mua tặng biếu người thân dùng tết. Nhưng năm nay, lượng khách mua cũng giảm. Ví dụ, trước đặt 10 kg chả bò biếu nội ngoại, đến nay hỏi khách quen toàn nhận được câu trả lời là “để xem đã”. Nhiều khách “để xem đã” thế này thì cơ sở đâu dám tăng công suất. Tình hình có vẻ khó khăn hơn cả năm ngoái dịch bệnh nặng nề”, ông Hậu chia sẻ.
Hàng hóa phục vụ tết đang dồi dào nhưng sức mua còn yếu |
Ngọc Dương |
Giám đốc một DN phân phối hàng đầu VN cho biết thường dịp tết, sức mua tăng 40 - 50%, lượng gói quà mà các DN đặt để tặng cho cán bộ công nhân viên làm không xuể. Thế nhưng, năm nay sức mua chỉ tăng khoảng 7 - 8% còn giỏ quà tết thì giảm thê thảm. “Chưa bao giờ thấy cận tết mà hệ thống siêu thị lại vắng như năm nay”, vị này cho biết.
Sức mua thực phẩm thiết yếu giảm, hàng hóa áo quần thời trang tết lại càng ảm đạm. Bà Nguyễn Thái Trang, Giám đốc kinh doanh cơ sở thời trang thương hiệu Đ.T, cho hay lượng khách mua sắm tết còn yếu. Hàng thời trang hiệu Đ.T của cơ sở chủ yếu bán khách mua sỉ miền Tây và miền Bắc. Đặc biệt, thời trang cao cấp tuổi trung niên bán ra thị trường Hà Nội rất đắt khách. Thế nhưng, theo bà Trang, năm nay ngồi chờ khách đóng hàng đi tỉnh từ sáng đến chiều không có.
“Đáng nói là khách mua từ giữa tháng 12 năm ngoái, nay gọi hỏi sao không mua hàng bán tết, khách bảo có ai mua áo mặc đâu mà đóng hàng. Trước đây, mỗi lần các khách tỉnh này đóng cũng hơn chục triệu đồng, nay nợ tiền hàng còn gộp 2 lần chưa trả…”, bà Trang ngao ngán cho biết.
Một thành viên Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) thừa nhận hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đang đổ về ngập chợ, siêu thị nhưng sức mua hiện tại chỉ xấp xỉ 80% so với năm trước dịch bùng phát. “Sự sụt giảm mạnh xuất hiện ở chính những ngành vốn là lõi tổng cầu của kinh tế TP.HCM như lương thực thực phẩm, gỗ, vật liệu xây dựng, vật phẩm văn hóa, giáo dục… Trong thực tế, năm nay, DN rất kỳ vọng vào sức mua cho đến tháng 8 là thấy hơi bất an, tín dụng khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm. Theo đà giảm đó, đến nay, thị trường chưa vực dậy mạnh mẽ để “ăn tết” như mong đợi”, vị này nhận xét.
Một trong những tín hiệu tích cực trong vài ngày qua là khách hàng đi mua sắm trong 3 ngày nghỉ lễ Tết dương lịch đã tăng khá mạnh, đặc biệt khách đi siêu thị. Ngày 4.1, đại diện chuỗi siêu thị MM Mega Market (TP.HCM) thông tin, trong 3 ngày nghỉ lễ tết vừa qua, doanh thu của siêu thị tăng hơn 56% so cùng kỳ năm ngoái và lượng khách vào tham quan mua sắm tại siêu thị tăng khoảng 43%. Tương tự, đại diện WinCommerce với chuỗi siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ cho biết tăng khoảng 40% trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ, hoạt động mua bán trở lại bình thường. Đa số các siêu thị đều có chung nhận định sức mua sẽ tăng khoảng 30% trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Theo đó, lượng hàng các hệ thống siêu thị dự trữ sẽ tăng mức tương đương hoặc hơn mức đó với một số mặt hàng thiết yếu. Thế nhưng, đạt được tỷ lệ này hay không thì vẫn còn phải chờ.
Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
TP.HCM chuẩn bị khoảng 34.000 tấn hàng hóa cho chương trình bình ổn thị trường, phục vụ tết. Các siêu thị đều lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với sản lượng tăng 30%. Điều đặc biệt là các mặt hàng truyền thống dịp tết như giỏ quà trái cây, bánh chưng, đồ muối cũng được các hệ thống siêu thị chuẩn bị khá phong phú. Đại diện WinMart cho biết trị giá giỏ quà không quá cao, trong đó nhiều mặt hàng được khuyến mãi lên tới 50% được khách ưa chuộng.
Bình luận (0)