Hàng không nỗ lực bổ sung máy bay

25/07/2024 06:13 GMT+7

Tính tới tháng 7, tổng số máy bay của các hãng hàng không VN được cấp chứng chỉ khai thác là 195 chiếc, giảm 36 chiếc. Các hãng hàng không đang tất bật xoay trở, thuê thêm máy bay để lấp khoảng trống nguồn cung thị trường nội địa.

Dồn dập đón tàu mới

Theo thông tin từ Cục Hàng không VN, số tàu bay các hãng đang khai thác trung bình là 167 chiếc, giảm 51 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, tỷ lệ tàu bay khai thác của các hãng hàng không VN trên tổng số tàu bay được cấp AOC đạt 94,4%. Do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ từ nhà sản xuất tàu bay nên tỷ lệ này của năm 2024 giảm xuống chỉ còn 85,6%. Trong bối cảnh trên, các hãng đã tích cực tìm kiếm, đàm phán thuê tàu bay mới nhằm bổ sung, thay thế cho các tàu bay đang dừng khai thác, góp phần tăng nguồn cung trên thị trường.

Hàng không nỗ lực bổ sung máy bay- Ảnh 1.

Vietnam Airlines nhận tân binh Airbus A320neo giữa "cơn khát" máy bay

VNA

Đơn cử, trong tuần đầu tiên của tháng 7, Hãng hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines) đã đón nhận "tân binh" Airbus A320neo gia nhập đội máy bay, đưa vào khai thác trên các đường bay nội địa như Hà Nội - Đà Lạt, Hà Nội - Phú Quốc, TP.HCM - Thanh Hóa, TP.HCM - Chu Lai… Đại diện Vietnam Airlines cho biết đây là máy bay đầu tiên trong số 3 chiếc Airbus A320neo mà Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận trong năm nay. Hai tàu còn lại sẽ đáp sân bay VN vào tháng 9 và tháng 12 tới.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, hãng bay này cũng sẽ tiếp nhận 2 tàu bay Boeing 787-10, trong đó 1 tàu dự kiến về tới VN vào ngày 31.7, nâng tổng đội tàu thân rộng của Vietnam Airlines lên 30 chiếc. Tàu Boeing 787-10 thứ 2 sẽ về sau 2 tháng. Ngoài ra, hãng thông tấn Bloomberg mới đây cũng "phát hiện" kế hoạch nghiên cứu đặt mua khoảng 20 máy bay khu vực Airbus hoặc Embraer để mở rộng năng lực chở khách trong nước của Vietnam Airlines. Theo thông tin sơ bộ, hãng hàng không quốc gia đã gặp gỡ với các hãng sản xuất máy bay và các hãng hàng không sử dụng máy bay Airbus A220 cũng như Embraer E2 và đang trong quá trình đàm phán.

Trong khi đó, Bamboo Airways cũng đang xúc tiến kế hoạch nhận thêm khoảng 4 chiếc máy bay trong quý cuối cùng của năm. Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam thông tin: Hiện hãng đang có 8 máy bay Airbus A320/321, khai thác 7 chiếc trên các đường bay nội địa và thuê chuyến quốc tế đi Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Hàn Quốc. Một máy bay đang phải tạm dừng khai thác dự kiến đến hết tháng 1 chờ động cơ đi đại tu về. Trường hợp nếu có thể thuê được động cơ thay thế, chiếc máy bay này sẽ được trở lại khai thác sớm hơn. Lãnh đạo Bamboo Airways dự kiến trong quý 4 sẽ thuê ướt thêm 1 máy bay và thuê khô 2 - 3 máy bay nếu thị trường thuê máy bay thuận lợi. Đồng thời, dự kiến khai thác lại các đường bay nội địa đến Phú Quốc trong cuối năm nay và một số đường bay quốc tế khu vực vào đầu năm 2025.

Thực tế, khó khăn lớn nhất đối với việc lấp khoảng trống đội bay của các hãng hiện nay là số lượng máy bay trên thế giới khan hiếm và giá thuê tăng cao. Giá thuê động cơ đối với máy bay Airbus A321 tăng gấp đôi so với năm 2019, từ mức 48.000 - 50.000 USD/tháng vào năm 2019, hiện tăng lên 80.000 - 100.000 USD/tháng (khoảng 2,4 tỉ đồng/tháng). Giá thuê máy bay Boeing B-787 là 160.000 USD/tháng vào năm 2022, hiện ở mức 370.000 USD/tháng (khoảng 9,4 tỉ đồng/tháng). Chi phí phụ tùng vật tư tăng từ 10 - 13% so với thời điểm trước năm 2019.

Đây cũng là một phần lý do khiến Hãng Vietjet từ tháng 5 đã công bố sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào. Mặc dù vậy, Vietjet vẫn đang nỗ lực chuẩn bị đội tàu mạnh cho tương lai bằng cách ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỉ USD tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough Airshow 2024 vừa diễn ra. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất tại sự kiện năm nay. Các tàu bay mới sẽ thay thế đội máy bay A330-300 hiện tại của hãng cũng như hỗ trợ kế hoạch mở rộng mạng bay xa hơn.

Không "sốt" vé cao điểm hè

Không chỉ nỗ lực bổ sung đội tàu, các hãng bay còn thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và tăng tải cung ứng như: điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay vào khung giờ chiều và tối…

Hàng không nỗ lực bổ sung máy bay- Ảnh 2.

Thị trường hàng không nội địa cao điểm hè năm nay không quá "nóng" như những năm trước

Phạm Hữu

Lãnh đạo Vietnam Airlines dẫn chứng 1 máy bay của hãng hiện phải bay nhiều hơn trước dịch 26%, bay ngày bay đêm, mặc dù mất 14 tàu phải ngừng bay vì chuỗi cung ứng nhưng giờ bay tăng ngang bằng với năm 2019 và tăng 26% so năm ngoái để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân. Nhờ vậy, mức độ chênh lệch giữa cung - cầu trên thị trường không quá cao, không xảy ra tình trạng giá vé máy bay cao ngất ngưởng vì khan hiếm.

Khảo sát trên trang bán vé của các hãng, chặng từ Hà Nội - TP.HCM dù mua vé sát ngày thì cũng còn khá nhiều vé khoảng 1,5 triệu đồng/chiều. Mức giá này được duy trì từ nay đến hết tháng 9 và bắt đầu hạ nhiệt từ khoảng tuần thứ 2 của tháng 9. Chặng Hà Nội - Nha Trang cũng có dải giá rộng, từ 3,4 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi tùy thời điểm bay, thấp hơn rất nhiều so với mức "giá sàn" hơn 5 triệu đồng/vé khứ hồi giai đoạn lễ 30.4 - 1.5. Đường bay "nóng bỏng tay" các mùa cao điểm trước là Hà Nội - Phú Quốc cũng đã "nguội" dần khi giá vé mua trước 1 tuần cũng vẫn còn chỗ giá 1,5 - 1,6 triệu đồng/chiều.

Đáng chú ý, rất nhiều chương trình ưu đãi được các hãng hàng không cùng địa phương phối hợp triển khai nhằm xóa nỗi lo vé máy bay, kích cầu du lịch hè. Ấn tượng nhất phải kể đến chương trình 16 cơ sở lưu trú tại TP.HCM hợp tác với Vietnam Airlines xây dựng gói sản phẩm bay đêm, ưu đãi cho khách lưu trú tại TP.HCM với mức giảm từ 20 - 100% giá phòng cho đêm đầu tiên... Khách bay đêm đến TP.HCM được miễn phí 1 đêm khách sạn là ưu đãi chưa từng có mà theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hàng không thì đây là minh chứng cho sự liên kết mang tính cách mạng, đi đầu, giữa hàng không và du lịch. Cùng với đó, hãng hàng không quốc gia cũng triển khai chương trình "Bay giờ đêm, thêm giá tốt", giúp hành khách có thể mua vé máy bay nội địa với mức giá chỉ từ 1,098 triệu đồng/chiều cho hạng phổ thông và từ 1,905 triệu/chiều cho hạng thương gia. Giá này đã bao gồm thuế, phí và dễ dàng mua được trên các chuyến bay sáng sớm hoặc tối muộn.

Mặc dù vậy, các hãng hàng không vẫn ghi nhận thị trường nội địa mùa hè năm nay không thuận lợi như bình thường các năm trước và sau Covid-19. Theo ông Lương Hoài Nam, không chỉ ở VN mà trên thế giới cũng có dấu hiệu như vậy. Nguyên nhân chính do sức mua trên thị trường giảm và có thể một phần nhu cầu du lịch phân tán sang các loại hình như đường sắt, đường bộ. Hệ số ghế nội địa của Bamboo Airways từ đầu hè đến nay vẫn đạt cao (khoảng 90%), song giá vé bình quân nội địa gần như không có sự cải thiện so với các tháng thấp điểm trước hè và thấp hơn nhiều so với giá trần quy định. Đây là thách thức rất lớn cho các hãng hàng không VN trong giai đoạn hiện nay cũng như tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.