Từ cuối tháng 3, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã công bố sẽ cung ứng gần 500.000 chỗ, tương ứng xấp xỉ 2.600 chuyến bay nội địa cũng trong 6 ngày từ 28.4 - 3.5 trên các đường bay giữa những điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Quốc... Số ghế tăng xấp xỉ 100.000 ghế so với thường lệ nhằm đáp ứng nhu cầu đi du lịch của hành khách trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5.
Bamboo Airways dự kiến bổ sung khoảng 110 - 150 chuyến bay mỗi tuần, tương ứng 22.000 - 30.000 ghế vào mạng đường bay nội địa với nhiều đường bay sẽ được khai thác với tần suất lên đến 4 - 5 chuyến/ngày, như giữa Hà Nội/TP.HCM đi đến Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn hoặc Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng. Trong khi đó, ngoài việc mở 5 đường bay mới từ Vinh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nha Trang, Đà Lạt bay tới Phú Quốc, Vietjet cũng tăng tần suất chuyến bay để đáp ứng nhu cầu của hành khách dịp lễ này.
Đường bay mở, chuyến bay tăng, tuy nhiên rất nhiều người tỏ ra thất vọng khi vé máy bay vừa hiếm, vừa đắt.
Được nhận định là điểm đến “hot” nhất mùa lễ năm nay, nhưng khảo sát trên trang bán vé trực tuyến Abay, chặng Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 30.4 còn không nhiều chuyến. Vietjet là hãng có mức giá “mềm” nhất, hơn 1,8 triệu đồng/chiều nhưng chỉ còn 1 chuyến bay lúc 17 giờ 25 có vé giá này. 4 chuyến khởi hành giờ chiều, từ 14 giờ 15 - 16 giờ, giá dao động từ 2,4 đến gần 3 triệu đồng/chiều. 6 chuyến bay còn lại của hãng này khởi hành vào buổi sáng chỉ còn vé hạng VIP từ 3,9 - 4,2 triệu đồng/chiều. Cùng chặng, cùng ngày, Vietnam Airlines có 5 chuyến bay, giá từ gần 2,9 đến hơn 4,2 triệu đồng/chiều, tùy hạng vé. Bamboo Airways là hãng có mức giá cao nhất, 3 chuyến bay giá thấp nhất là hơn 3,6 triệu đồng/chiều, cao nhất 4,26 triệu đồng/chiều.
Chặng Hà Nội - Nha Trang khảo sát cách đây hơn nửa tháng, ghi nhận giá vé rẻ nhất của Vietjet ở mức hơn 1,7 triệu đồng/chiều, cao nhất của Vietnam Airlines là 2,79 triệu đồng/chiều. Đến nay, vé rẻ nhất đã tăng lên gần 2,2 triệu đồng/chiều của Vietjet; Vietnam Airlines chỉ còn vé từ 3 triệu đến hơn 3,6 triệu đồng/chiều.
Những chặng như TP.HCM - Quy Nhơn, cách đây 2 tuần vẫn còn vé dưới 1 triệu đồng, nay đã tăng lên từ 1 triệu đến gần 2 triệu đồng/chiều tùy hãng.
Đáng chú ý, để kích cầu du lịch, bên cạnh việc mở thêm nhiều chuyến bay, đường bay, các hãng hàng không liên tục phát đi thông báo triển khai bán giá khuyến mãi, tuy nhiên lại kèm theo lưu ý “không áp dụng cho giai đoạn cao điểm”. Khách hàng muốn đi chơi lễ sẽ không có vé rẻ.
Theo đại diện một số doanh nghiệp (DN) lữ hành, do lịch tour đã được công ty chốt từ khoảng đầu tháng 3 nên hiện giá vé máy bay tăng, giảm thế nào, lữ hành cũng không thể thay đổi được mức giá. Điều này là lợi thế cho những người đã đặt tour, “xuống tiền” từ sớm. Tuy nhiên, sau nhiều lần bùng dịch ngay trước “giờ G”, cả DN và khách hàng đều có tâm lý chờ sát ngày mới chốt. Chưa kể xu hướng khách hàng giờ mua dịch vụ lẻ, combo nhiều, nên giá vé tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá dịch vụ phía lữ hành.
“Du lịch VN đang trong giai đoạn kích cầu để phục hồi sau hơn 1 năm bết bát. Vấn đề lớn nhất hiện nay là kích thích nhu cầu, hấp dẫn bằng nhiều cách để kéo người dân đi du lịch. Phía DN chưa nên vội áp dụng triệt để các chính sách để tăng giá, tăng lời. Mặt bằng giá thấp, kích cầu nên được áp dụng trong giai đoạn dài, có thể từ nay đến hết 2021 để lữ hành chủ động và tạo niềm tin cho khách hàng. Giai đoạn mình khó khăn, khách hàng ủng hộ, giúp đỡ, nay vừa chớm phục hồi đã lo tăng giá thì có vẻ không công bằng”, đại diện một DN lữ hành nêu ý kiến.
Bình luận (0)