Như Thanh Niên đã đưa tin, trong cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, Vietnam Airlines đã đề xuất giá trần vé máy bay tăng 50.000 - 250.000 đồng/khách, giá sàn từ 414.000 đồng/chặng - 1,4 triệu đồng/chặng.
Giải thích lý do đề xuất này, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, cho biết trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp tìm mọi giải pháp để vượt khó khăn, đồng thời Chính phủ cũng rà soát lại toàn bộ các quy định trong quản lý ngành để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hãng hàng không tại Việt Nam...
“Vietnam Airlines nêu ra mọi giải pháp để bàn bạc, không loại trừ bất cứ giải pháp nào. Việc quyết định lựa chọn giải pháp nào sẽ do các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, cân nhắc và xem xét thực hiện”, ông Tuấn nói.
Hiện Bộ GTVT chỉ quy định khung giá trần vé máy bay nội địa, song không quy định giá sàn. Đây là lý do các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air thường đưa ra các chính sách giá khuyến mãi 0 đồng vào mùa thấp điểm để kích cầu. Vietjet và Pacific Airlines cũng thường đưa ra các chương trình khuyến mãi giá vé 39.000 đồng hoặc 99.000 đồng/vé (chưa gồm thuế, phí). Đề xuất áp giá sàn nếu được thông qua sẽ chấm dứt cuộc đua giá rẻ, cũng như đặt dấu chấm hết cho khái niệm vé 0 đồng.
Kiểu kinh doanh bóp chết cạnh tranh
“Tôi thật sự thất vọng khi biết có đề xuất việc áp sàn giá vé máy bay. Đã là cạnh tranh sao lại áp giá sàn? Như vậy thì hành khách chịu thiệt thòi rồi, không còn giá vé 0 đồng, giá rẻ khi ở những thời điểm thấp điểm, bay đêm... nữa sao?”, bạn đọc (BĐ) Kiều Giang bày tỏ nỗi lòng.
Nhiều BĐ khác cũng không đồng tình với đề xuất trên của Vietnam Airlines. BĐ Khánh Phạm ý kiến: “Tôi nghĩ không nên áp giá sàn. Kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh mà. Ai làm tốt sẽ được khách hàng ủng hộ”. BĐ Diễm Hạnh cũng cho rằng: “Áp giá sàn thì cạnh tranh ở đâu? Nếu có hãng bán giá vé dưới giá sàn mà họ vẫn lãi thì nên khuyến khích họ chứ, nên học hỏi họ chứ? Hay muốn khách hàng lúc nào cũng chịu “thiệt” thì mình mới vui? Thời kinh tế thị trường mà suy nghĩ lạ thật”. Tương tự, BĐ Bích Phượng viết: “Hãng nào cũng có chiến lược, chính sách của hãng đó, đừng bắt họ phải theo ý mình. Anh muốn áp giá sàn thì xin mời cứ tự nhiên làm mình anh thôi, xem anh có dám làm không? Xem các hãng khác giá thế nào là biết liền”.
Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đề xuất
Dẫn tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề, nhiều người bao lâu nay, BĐ Trình lo lắng “dịch bệnh mới vừa ngớt được thì đã tính áp giá sàn”. Theo BĐ này, “Nên suy nghĩ, tính toán thật kỹ: Hàng không “thắng” mà khách hàng “thiệt” thì có vui vẻ gì? Phải là cả hai cùng “thắng” mới đúng!”. Trong khi đó, BĐ Hải Quân cho rằng: “Đây chỉ mới là đề xuất của Vietnam Airlines, còn các hãng hàng không khác thế nào? Thử hỏi họ xem họ nghĩ gì? Quan trọng hơn là thử hỏi người tiêu dùng xem họ nghĩ gì? Riêng tôi thì hoàn toàn không đồng ý với đề xuất này”. Còn BĐ Phượng Uyên viết: “Covid-19 làm ảnh hưởng đến mọi nhà, mọi người. Ai cũng thiệt hại. Nay nếu anh áp giá sàn thì anh tăng thu, có nghĩ đến khách hàng phải tăng chi, phải thiệt thòi hơn không?”.
“Trước đây, năm 2017, Vietnam Airlines cũng đề xuất áp dụng giá sàn và đưa ra con số 1,54 triệu đồng - là mức thấp nhất cho vé máy bay nội địa, và cao nhất (trần) là 4,2 triệu đồng. Nhưng cơ quan quản lý không đồng ý đề xuất này. Nay lại đề xuất nữa cho thấy tư duy kinh doanh của Vietnam Airlines thật lạ”, BĐ Tuyết Vân ý kiến.
Mong hết dịch cả nhà tôi dự định đi du lịch phía bắc. Chưa kịp làm gì thì nghe nói đề xuất áp giá sàn vé máy bay, mới nghe thôi đã tụt... mất cảm xúc. Tự nhiên thấy buồn.
Loan Hồ
Không cần phải áp giá sàn đâu. Hãy để các hãng cạnh tranh nhau phục vụ khách hàng tốt nhất. Hành khách sẽ biết chọn lựa bay hãng nào hợp lý nhất, phù hợp túi tiền nhất.
Thúy Liễu
|
Bình luận (0)