Một dự án bất động sản đang triển khai tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc |
ảnh chụp màn hình scmp |
Tờ South China Morning Post ngày 18.7 đưa tin Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) chỉ đạo các ngân hàng cung cấp tín dụng cho những chủ đầu tư bất động sản thích hợp để hoàn tất những dự án nhà.
Đây là lần đầu tiên các ngân hàng Trung Quốc mở rộng thanh khoản kể từ khi ra hạn mức vào tháng 8.2021 khiến lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Tác động dây chuyền
Theo bản tin trên trang China Banking and Insurance News do CBIRC điều hành, các ngân hàng phải làm việc với chính quyền địa phương nhằm cung cấp đủ thanh khoản để xúc tiến hoàn thành và bàn giao các bất động sản đã bán theo hợp đồng, dựa trên nguyên tắc thị trường và tuân thủ pháp luật.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh thiệt hại của những chủ đầu tư mắc nợ nhiều nhất đang lan từ các chủ nợ, trái chủ nước ngoài và nhà đầu tư nợ lãi suất cao sang nền kinh tế.
Những căn hộ, biệt thự và nhà chưa hoàn thành ước tính thuộc khoảng 218 dự án nhà cửa tại 80 thành phố trên cả nước, khiến hàng ngàn người mua bức xúc.
Tỉ phú Trung Quốc 'ngã ngựa': Cú trượt dài của ông trùm bất động sản
Theo số liệu do South China Morning tổng hợp, khoảng 3/4 các chủ đầu tư nợ nhiều nhất đã quá hạn hoàn thành và bàn giao nhà.
Nhằm phản đối, nhiều người mua từ chối trả khoản tiền vay ngân hàng để mua nhà, dẫn đến gánh nặng lên hệ thống tài chính. Làn sóng phản đối này lan nhanh trên mạng.
“Lỗ hổng trên thị trường nhà ở của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với các khoản vỡ nợ hoặc sụt giảm trái phiếu trong cổ phiếu của các nhà phát triển mà chúng tôi đã thấy vào năm ngoái”, theo chuyên gia kinh tế hàng đầu Tommy Wu tại Công ty Oxford Economics (Anh).
Theo chuyên gia này, những chủ đầu tư không có đủ tiền và tác động dây chuyền lên cuộc sống của những người dân thường và ngân hàng có thể nghiêm trọng.
Chờ đợi vô vọng
Sam Chen, người mua nhà do Công ty China South City xây tại thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây) là một trong những người bị tác động. Sau khi ký hợp đồng mua nhà vào tháng 7.2020, ông mất 2 năm xoay xở để trả lãi suất 7.000 nhân dân tệ (24,3 triệu đồng)/tháng từ khoản vay 2 triệu nhân dân tệ (6,95 tỉ đồng) mà không được sở hữu nhà.
“Tôi đã làm gì sai? Đó là câu hỏi mà tôi thường tự vấn trong năm qua. Dường như từ lúc quyết định mua căn nhà này, toàn bộ cuộc đời tôi không còn đúng nữa”, ông than thở. Đúng ra, ông Chen đã vào ở căn hộ 190 m2 này từ tháng 9.2021.
Sau khi việc xây dựng tạm ngưng vào giữa năm ngoái, Chen và hàng trăm người mua khác không nhận được câu trả lời trực tiếp từ chủ đầu tư. Tin tức về China South City sau cùng đã đến vào tháng 1, khi chủ đầu tư xin các chủ nợ gia hạn 2 trái phiếu mệnh giá USD với tổng giá trị 700 triệu USD.
Tập đoàn bất động sản khổng lồ Trung Quốc Evergrande chính thức vỡ nợ
Nhiều người mua khác cũng đang chờ đợi một cách vô vọng tại Trung Quốc, và Công ty China South City không phải là chủ đầu tư duy nhất không bàn giao đúng hạn.
Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Nhà cửa và Kiến thiết đô thị, nông thôn Trung Quốc Vương Mông Huy cho biết nhiệm vụ chính của thị trường bất động sản trong năm 2022 là “đảm bảo việc bàn giao nhà, đảm bảo đời sống của người dân và sự ổn định”. Đây là lần đầu tiên cụm từ “bàn giao nhà” được một quan chức cấp cao nước này đề cập.
Thị trường bất động sản Trung Quốc năm ngoái gặp nhiều khó khăn sau khi ngân hàng trung ương đẩy mạnh thực thi cái gọi là lằn ranh đỏ về hạn mức nợ. Điều này khiến nguồn vốn vay ngân hàng của các công ty bị tắc nghẽn nếu họ đã lún sâu trong nợ nần. Kết quả là nhiều chủ đầu tư không thể bán các căn hộ để thu hồi vốn, dẫn đến việc gia tăng trái phiếu vỡ nợ và không thể thanh toán. Sichuan Languang Development là công ty đầu tiên vỡ nợ vào năm ngoái, không thể trả 139 triệu USD trong tháng 7.2021. Làn sóng vỡ nợ lan nhanh chóng đến cả Tập đoàn Evergrande Trung Quốc, công ty tư nhân có số nợ lớn nhất thế giới, lên đến 300 tỉ USD.
Bình luận (0)