Tỉ phú Trung Quốc 'ngã ngựa': Cú trượt dài của ông trùm bất động sản

04/01/2021 14:00 GMT+7

Việc hoạt động kinh doanh của tỉ phú Jack Ma - Tập đoàn Alibaba bị điều tra và Công ty tài chính Ant bị chỉ đạo ngưng phát hành cổ phiếu gợi nhớ đến nhiều đại gia Trung Quốc từng “ngã ngựa”, thậm chí vướng vòng lao lý.

Trong số này, tỉ phú Vương Kiện Lâm, người từng nhiều năm giữ vị trí giàu nhất Trung Quốc, nhưng cơ nghiệp của ông đang “xuống dốc không phanh” từ khi chính phủ mạnh tay kiểm soát các thương vụ mua bán ở nước ngoài.
AMC Entertainment, chuỗi rạp phim lớn nhất thế giới do Tập đoàn Dalian Wanda (Đại Liên Vạn Đạt) của tỉ phú Vương Kiện Lâm sở hữu phần lớn cổ phần, cuối tháng 12.2020 đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) để bán 50 triệu cổ phiếu trong nỗ lực vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19, theo tạp chí Deadline.
Trước đó, AMC đã đăng ký bán 200 triệu cổ phiếu và hồi tháng 10.2020 cảnh báo có thể không còn tiền mặt cho đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Trong vòng 3 năm qua, Dalian Wanda đã phải bán hàng loạt bất động sản và những tài sản khác sau giai đoạn thâu tóm ồ ạt. Cùng khoản thời gian đó, ông Vương Kiện Lâm từ vị thế người giàu nhất châu Á, nay bị đẩy ra ngoài tốp 20 người giàu nhất Trung Quốc.

Những mối quan hệ dích dắc

Ông Vương xuất thân là con nhà binh và cũng có 17 năm tham gia quân đội, lên đến chức chỉ huy trung đoàn. Sau khi rời quân đội vào cuối thập niên 1980, ông Vương làm việc trong chính quyền thành phố Đại Liên. Bước ngoặt sự nghiệp đến với ông khi ông “lột xác” một công ty xây dựng quốc doanh trên đà thất bại đến chỗ có lợi nhuận. Năm 1992, công ty tái cấu trúc và trong 10 năm sau đó được tư hữu hóa, trong đó ông Vương là cổ đông chính.
Sau này, Dalian Wanda trở thành đế chế bất động sản số 1 tại Trung Quốc với hàng trăm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, rạp chiếu phim, tòa nhà văn phòng... Để có thể phát triển cơ nghiệp bất động sản tại Trung Quốc, ông Vương đã biết cách tạo ra những lợi ích cho chính quyền địa phương để có được quyền sử dụng đất, theo tờ The New York Times.
Giới chuyên gia cho rằng chính quyền địa phương mong muốn hợp tác với Wanda vì nguồn thu thuế mà tập đoàn này mang lại từ những dự án họ xây lên. Bên cạnh đó, tiến độ hoàn thành dự án của Wanda cũng thường rất nhanh, ví dụ như một trung tâm thương mại Wanda Plaza có thể được xây xong trong 18 tháng, và đó có thể coi là thành tích để các quan chức kỳ vọng vào một sự thăng tiến. Nhờ đó, ông giành được những mảnh đất có địa thế tốt với giá rẻ hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh.
Mặt khác, sự trỗi dậy của Dalian Wanda cũng có dấu ấn hỗ trợ từ những mối liên hệ với một số người thân của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của Bắc Kinh, theo điều tra của The New York Times.
Ông Vương không bình luận về vấn đề này, nhưng từng giải thích rằng kinh tế Trung Quốc do chính phủ dẫn đầu và ngành bất động sản phụ thuộc vào sự chấp thuận của nhà nước, nên để nói rằng có thể thành công trong nghề này mà không cần hỗ trợ của chính phủ là điều không thể. Tuy nhiên, ông Vương cũng nhấn mạnh công ty của ông không đưa hối lộ để có thể phát triển.

Ông Vương Kiện Lâm cho rằng đề phát triển trong ngành bất động sản ở Trung Quốc mà không cần sự hỗ trợ của chính phủ là điều không thể

Reuters

Sự thăng trầm của Wanda

Mặt khác, sự phát triển của Dalian Wanda không chỉ nhờ việc kinh doanh, phát triển bất động sản mà còn là nhờ việc đa dạng hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa giải trí. Chiến lược này phù hợp với chính sách của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm mở mang sức ảnh hưởng văn hóa trong nước lẫn ra nước ngoài, trong bối cảnh các thế hệ trẻ ngày càng có xu hướng tìm đến các giá trị phương Tây.
Năm 2012, Wanda chi 2,5 tỉ USD mua lại AMC và chiếm 80% cổ phần công ty sau thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2013 trị giá 1,7 tỉ USD. Wanda sau đó là một trong những công ty tư nhân của Trung Quốc đi đầu trong chiến dịch thâu tóm ở nước ngoài, với các hợp đồng mua các hãng phim, chuỗi rạp chiếu phim, câu lạc bộ thể thao, hãng sản xuất du thuyền, bất động sản tại Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác. Năm 2016, tạp chí Forbes xếp ông Vương là người giàu nhất châu Á với khối tài sản ròng 28,7 tỉ USD. Tháng 3.2017, ông xếp thứ 18 trong danh sách tỉ phú thế giới với 31,3 tỉ USD.
Tuy nhiên, đà phát triển của Wanda bị chững lại từ khi chính quyền trung ương bắt đầu mạnh tay với các vụ đầu tư ra nước ngoài nhằm giữ ổn định tài chính trong nước. Từ năm 2017, Wanda bắt đầu bán dần tài sản, bao gồm các dự án công viên giải trí, bất động sản cả trong lẫn ngoài nước để giảm nợ doanh nghiệp dù không lâu trước đó có tham vọng tạo ra Hollywood của Trung Quốc và xây dựng công viên giải trí cạnh tranh với Disneyland. Tháng 5.2017, ông Vương bị Chủ tịch Jack Ma của Alibaba soán ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc.
Hồi tháng 8.2020, Wanda bán 90% cổ phần trong dự án tòa nhà chọc trời Vista Tower ở Chicago (Mỹ) với giá 270 triệu USD để giảm nợ của tập đoàn. Tính đến ngày 31.12.2020, tổng tài sản ròng của ông Vương chỉ còn khoảng 14,2 tỉ USD và ông đang xếp thứ 30 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, theo Forbes.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.