Đáng chú ý, hàng loạt ngành đào tạo chuyển từ cấp bằng kỹ sư sang cử nhân hoặc cho phép người học lựa chọn học để lấy một trong 2 văn bằng.
Từ kỹ sư chuyển sang cử nhân kỹ thuật
Theo luật Giáo dục đại học (ĐH) mới, bằng kỹ sư cần có chương trình với khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương) hoặc từ 30 tín chỉ trở lên (với người đã tốt nghiệp trình độ ĐH). Nhiều trường ĐH đã có những thay đổi lớn trong chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật và công nghệ.
Sự khác biệt rõ rệt nhất phải kể đến Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết nhà trường điều chỉnh toàn bộ chương trình đào tạo các ngành từ năm 2019. Tất cả các ngành của trường đều có thời gian đào tạo 4 năm với 132 tín chỉ và cấp bằng cử nhân kỹ thuật (trừ ngành kiến trúc cấp bằng kiến trúc sư). Đây là sự thay đổi lớn bởi trước năm 2019 tất cả các ngành của trường đều cấp bằng kỹ sư trừ ngành quản lý công nghiệp (cấp bằng cử nhân) và kiến trúc (cấp bằng kiến trúc sư). “Năm 2023, trường có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân kỹ thuật này”, ông Thắng cho hay.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Vừa kỹ sư vừa cử nhân
Một số trường thực hiện điều chỉnh chương trình đào tạo, duy trì các ngành cấp bằng kỹ sư và các ngành cấp bằng cử nhân. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trường hiện có 31 ngành đào tạo cấp bằng kỹ sư, 14 ngành cử nhân (trừ ngành dược học cấp bằng dược sĩ). Trường vẫn giữ mô hình đào tạo riêng biệt 2 chương trình này, trong đó những ngành khối công nghệ và kỹ thuật được xây dựng theo định hướng đào tạo kỹ sư với 150 tín chỉ. Các ngành khối kinh doanh quản lý, khoa học cấp bằng cử nhân.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường đã nhanh chóng thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo cho sinh viên khóa mới. Hiện nay, đối với nhóm ngành cấp bằng cử nhân sẽ được đào tạo 121 tín chỉ (3 năm học rưỡi), với nhóm ngành cấp bằng kỹ sư sẽ 151 tín chỉ (4 năm học).
Hiện tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đào tạo 11 ngành cấp bằng cử nhân, các ngành này đào tạo thiên về nghiên cứu ứng dụng. 17 ngành đào tạo cấp bằng kỹ sư, chương trình đào tạo kỹ sư được tiếp cận nhiều hơn về thực hành, phân tích thiết kế, bám sát nhu cầu doanh nghiệp nên có môn thực tập doanh nghiệp vào cuối khóa học.
Sinh viên được lựa chọn
Đáng chú ý, song song với việc điều chỉnh chương trình đào tạo theo văn bằng ĐH, một số trường còn cho phép người học lựa chọn lấy bằng kỹ sư hoặc cử nhân.
Theo luật Giáo dục ĐH mới, bằng kỹ sư cần có chương trình với khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương) hoặc từ 30 tín chỉ trở lên (với người đã tốt nghiệp trình độ ĐH) |
đào ngọc thạch |
PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cùng với 6 trường kỹ thuật khác trên cả nước ký kết xây dựng chương trình đào tạo 180 tín chỉ để cấp bằng kỹ sư - thạc sĩ. Sinh viên theo học chương trình cử nhân kỹ thuật đến năm thứ 3 có thể đăng ký xét tuyển để học chương trình đào tạo kỹ sư - thạc sĩ khi có tối thiểu 60 tín chỉ tích lũy, điểm trung bình tích lũy trên 7.0. Hiện đã có khoảng 5 - 7% tổng sinh viên đang học tập chương trình tích hợp kỹ sư - thạc sĩ kỹ thuật tại trường, sớm nhất đến năm 2024 sẽ có lứa kỹ sư - thạc sĩ đầu tiên ra trường.
“Một sinh viên tốt nghiệp ĐH 4 năm với 132 tín chỉ, để lấy bằng thạc sĩ cần thêm 60 tín chỉ trong 2 năm. Nhưng nếu chọn chương trình tích hợp, sinh viên chỉ cần 5 đến 5 năm rưỡi hoàn thành 180 tín chỉ để vừa có bằng cử nhân và kỹ sư - thạc sĩ kỹ thuật. Các môn học tích lũy này được xét công nhận theo danh mục môn học xét miễn tương đương cho các môn ở trình độ ĐH tối đa 15 tín chỉ”, PGS-TS Thắng cho hay.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa cũng cho biết: “Cùng một ngành đào tạo, trường thiết kế các chương trình khác nhau để sinh viên lựa chọn. Chẳng hạn, người học có thể lựa chọn theo học chương trình đào tạo 151 tín chỉ để được cấp bằng kỹ sư hoặc chương trình 121 tín chỉ để nhận bằng cử nhân kỹ thuật”.
Tương tự, sinh viên trúng tuyển từ khóa tuyển sinh năm 2019 trở về sau vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cũng được lựa chọn theo học chương trình kỹ sư hoặc cử nhân cho từng ngành của trường. Chẳng hạn, cùng ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân chỉ có thời gian 4 năm với 132 tín chỉ. Trong khi đó, chương trình cấp bằng kỹ sư của ngành học này được thiết kế 155 tín trong thời gian 4 năm rưỡi.
Bằng kỹ sư khác bằng cử nhân ra sao ?
Theo Nghị định 99/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ ĐH theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia VN với khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ.
Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia VN.
Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục ĐH bao gồm: bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ. Các văn bằng này, chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ ĐH; Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia VN.
Bình luận (0)