Hàng loạt sai phạm ở 'vựa cát' miền Tây

27/08/2023 07:04 GMT+7

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến cấp phép mỏ khai thác cát tại 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, những nơi được ví là 'vựa cát' của miền Tây.

CHUYỂN CƠ QUAN ĐIỀU TRA NẾU CÓ DẤU HIỆU TỘI PHẠM

Sau An Giang, mới đây, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra (KLTT) việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường tại một số tỉnh khu vực phía nam, trong đó có Đồng Tháp - một trong những tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất ĐBSCL.

Hàng loạt sai phạm ở 'vựa cát' miền Tây - Ảnh 1.

Khai thác cát ở TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

ĐÌNH TUYỂN

KLTT nêu ra nhiều sai phạm ở Đồng Tháp trong việc cấp phép, dẫn đến đơn vị khai thác cát trên địa bàn cung cấp cát ra thị trường chưa đúng quy định của Chính phủ. Cụ thể, theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2009 - 2020, tỉnh này có tổng diện tích quy hoạch khai thác cát sông gần 724 ha, trữ lượng hơn 173 triệu m3, trong đó cát san lấp có diện tích hơn 542 ha, trữ lượng hơn 104 triệu m3.

Theo kết quả thanh tra, ở dự án (DA) xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn đầu cầu thuộc DA xây dựng đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 (đi qua Tiền Giang, Vĩnh Long) với chiều dài khoảng 6,61 km do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, DA cần hơn 495.600 m3 cát, do Công ty CP xây lắp và VLXD Đồng Tháp khai thác tại Ðồng Tháp cung cấp. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp đã không cấp phép khai thác cát cho DA này. Nguồn cát phục vụ cho công trình do đơn vị thi công mua qua trung gian cung cấp và vận chuyển cho DA.

Bên cạnh đó, sau khi luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực ngày 1.7.2011, tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn 12 giấy phép khai thác cát với diện tích hơn 753 ha, tổng trữ lượng hơn 25 triệu m3 không đúng quy định. Cùng với đó là cấp mới 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá. Bước đầu, Thanh tra Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm này do UBND tỉnh và Sở TN-MT Đồng Tháp áp dụng quy định pháp luật chưa chính xác. Các vi phạm cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. Ở đó, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN-MT và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Qua đó, xem xét xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc gia hạn giấy phép không đúng quy định... Quá trình kiểm điểm xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xem xét theo thẩm quyền.

Hàng loạt sai phạm ở 'vựa cát' miền Tây - Ảnh 2.

Các cần cẩu khai thác cát tại mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68 ở xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới, An Giang tạm ngưng hoạt động sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án

TRẦN NGỌC

KHỞI TỐ 19 BỊ CAN LIÊN QUAN CÁT LẬU Ở AN GIANG

Tương tự như Đồng Tháp, trước đó, ngày 6.7.2023, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành KLTT về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, KLTT chỉ ra hàng loạt vi phạm của tỉnh An Giang trong cấp giấy phép khai thác cát.

Cụ thể, từ năm 2011 - 2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khai thác cát sông tại khu vực không đấu giá, nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản. Ngoài ra, An Giang cũng gia hạn sai quy định đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước ngày 1.7.2011 (ngày luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực - PV), cấp 7 giấy phép khai thác thuộc khu vực khoanh định không đấu giá sai quy định. Đồng thời, không thu tiền cấp quyền khai thác cát với 2 trường hợp gia hạn khai thác cát…

NGUỒN CUNG KHAN HIẾM, GIÁ CÁT TĂNG GẦN GẤP ĐÔI

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mấy ngày qua, nguồn cung cát tại ĐBSCL tiếp tục khan hiếm, giá cát đang ở mức cao chưa từng thấy, thậm chí có nơi tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Tình trạng trên diễn ra căng thẳng ngay sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến khai thác hơn 3,2 triệu m3 cát trái phép tại An Giang của Công ty Trung Hậu 68.

Một phản ứng dây chuyền xảy ra khi các mỏ khai thác cát ở ĐBSCL, đặc biệt ở 2 tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông là An Giang, Đồng Tháp khai thác cầm chừng. Kéo theo đó là nguồn cung cát giảm tới mức khan hiếm đẩy giá cát tăng cao.

Theo ông N. (chủ doanh nghiệp chuyên cung ứng VLXD tại TP.Cần Thơ), hiện nguồn cung cát rất hạn chế. Giá cát san lấp đưa về tới công trình ở Cần Thơ hiện khoảng 320.000 đồng/m3, tăng khoảng 100.000 đồng so với tháng 7.2023. Nhưng khó là nguồn cung gần như không còn, chỉ có thể cung cấp nhỏ giọt cho các công trình. Tương tự, giá cát xây tô (thường nhập khẩu từ Campuchia qua cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang) về đến công trình tại Cần Thơ hiện dao động từ 350.000 - 380.000 đồng/m3, tùy vào địa điểm giao cát.

Ở những tỉnh khác như Hậu Giang, Sóc Trăng, chi phí vận chuyển khiến giá cát đội cao hơn ở Cần Thơ khoảng 20.000 đồng/m3. Trong khi những tỉnh xa hơn như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, nguồn cát san lấp dường như "đứt gãy" hoàn toàn. Riêng cát xây tô, hầu hết phụ thuộc vào lượng cát nhập từ Campuchia với giá bán về đến công trình khoảng 400.000 đồng/m3, tăng hơn 150.000 đồng/m3 so với tháng trước. Đây cũng được xem là mức giá cát cao nhất từ trước đến nay tại ĐBSCL.

Đình Tuyển

Cục Thuế An Giang và Sở TN-MT không thực hiện đúng quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan TN-MT trong quản lý hoạt động khai thác tài nguyên giai đoạn 2015 - 2020. Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng sai phạm ở An Giang đã dẫn đến số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước được xác định hơn 2,6 tỉ đồng và số tiền thuế, phí chưa nộp của một tổ chức cần thu nộp ngay gần 1 tỉ đồng.

Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến nay, UBND tỉnh An Giang đã ban hành 6 quyết định thu hồi giấy phép khai thác đối với các mỏ cát sông đã cấp phép sai quy định.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 19 bị can có liên quan vụ án vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty CP đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Công ty Trung Hậu 68). Trong đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư và Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT An Giang bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ. Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68 bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và đưa hối lộ…

Theo điều tra ban đầu, Công ty Trung Hậu 68 tổ chức khai thác cát, bỏ ngoài sổ sách, không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính với số cát khai thác vượt giấy phép hơn 3,2 triệu m3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.