Hàng quán được bán mang về nhưng bạn trẻ vẫn chờ sau ngày 30.9, vì sao?

22/09/2021 17:17 GMT+7

Hơn 2 tuần qua khi các hàng quán được phép bán mang về nhiều bạn trẻ dường như đã được giải tỏa 'cơn thèm' đồ ăn sau nhiều tháng ngày chỉ ăn trong nhà nhưng vẫn chưa thoải mái đặt hàng.

Thèm đồ ăn nhưng ngán tiền "ship"

Sau 3 tháng nấu ăn ở nhà, sáng ăn mì gói, hai bữa cơm cơm trưa- chiều, Trần Bảo Trâm (28 tuổi, ở chung cư Thủ Thiêm Garden, TP.Thủ Đức) cho hay  hôm nay thì "cuộc đời đã nở hoa" trở lại. Dù hiện tại chưa có nhiều hàng quán mở cửa nhưng các tiệm bán những món ăn cô yêu thích như pizza, trà sữa, bánh mì, sashimi, ốc… dần dần hoạt động.
Trâm cho biết cô là một "tín đồ" của món sashimi cá hồi. Lướt mạng xã hội thấy hàng quán yêu thích mở bán lại nhưng vì xa mà đến hôm nay cô vẫn chưa đặt hàng. Tiền giao thức ăn hiện tại cao gấp 2, 3 lần so với trước đây và số lượng shipper cũng hạn chế nên dù thèm rất nhiều món nhưng cô vẫn chưa có thể đặt hàng.

Món bánh tráng được hầu hết giới trẻ yêu thích đã được mua mang về trong thời gian gần đây

“Có những buổi chiều, tôi ngồi lướt Grabfood cả tiếng mới đặt được ly trà sữa. Đặc biệt là các món ốc, rất khó để đặt. Tôi đang sống ở TP.Thủ Đức mà các quán ốc yêu thích toàn ở Q.3, 4. Khoảng cách hơi xa và tiền 'ship' lại cao nên tôi cứ chần chừ mãi”, Trâm nói.
Tương tự, Tống Kim Thư (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết từ ngày thành phố cho phép đặt đồ ăn về nhà trở lại, Thư cũng đã đặt được vài lần.

Shipper TP.HCM loay hoay tìm điểm xét nghiệm dịch vụ: ‘Chạy cả ngày bù phí test’

“Mình đặt trên nhóm bán hàng của quận qua nền tảng ứng dụng, mình may mắn đặt được đồ ăn khá dễ dàng và chỉ mất 20 phút là có đồ tới. Cảm giác nhận đồ ăn vặt chưa bao giờ là hạnh phúc, xúc động như vậy. Đây chỉ là việc làm quá bình thường của những ngày bình thường nhưng giờ thì khiến mình vỡ òa sau gần 4 tháng không uống trà sữa, không ăn đồ ăn vặt”, Kim Thư xúc động nói.

Một quán trà sữa trên đường Nguyễn Tri Phương Q.10 cũng tấp nập các shipper đến mua

Tuy nhiên, Kim Thư nói thêm chỉ đặt những thức ăn thực sự thèm nhất: bánh tráng, trà sữa, bánh trung thu và một số đồ ăn sáng. Mỗi lần đặt, cô ngán nhất là tiền giao hàng nhưng vì quá thèm nên cũng “cắn răng” để đặt.

Chạy 3 điểm không được xét nghiệm miễn phí, shipper TP.HCM tắt app về nhà

Chờ sau 30.9...

Nguyễn Phan Trúc Khanh (27 tuổi, ở đường Phạm Văn Hai, P.1, Q.Tân Bình) tỏ ra hơi buồn khi vẫn chưa được thưởng thức món trà sữa yêu thích. Khanh cho hay khi thành phố cho phép bán lại nhiều mặt hàng, cô rất vui mừng vì đã rất lâu rồi chỉ ăn uống ở nhà. Tuy nhiên, cô thèm cảm giác được lê la hàng quán, nhâm nhi món trà sữa hơn là mua mang về nhà. Khanh nói: “Thôi thì còn vài ngày nữa đợi để ra quán ngồi vừa ngắm cảnh vừa uồng trà sữa mới thích hơn”.
Còn Nguyễn Văn Hân (30 tuổi, ngụ đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú) lại chọn cách chờ ngày thành phố mở cửa mới đến quán ăn. Hân lý giải dù cho phép bán mang về nhưng việc mua hàng cũng không phải dễ, giá giao hàng còn khá cao, nhiều hàng quán bán còn dè chừng, nấu ít hoặc không ngon. Nhiều món thức ăn muốn mua thì lại không có bán hoặc quá xa. Hân chỉ thích ăn ở quán hơn là đem về nhà.
 

Thắm cho biết không cần chờ các quán mở cửa mà mình có thể tự nấu những món mình thích

Tương tự, Nguyễn Thị Thắm (28 tuổi, đang là nhân viên văn phòng ở đường CMT8, Q.10, TP.HCM) vẫn chưa mua món gì từ ngày các hàng quán được phép hoạt động bán mang về. Thắm quen với việc ăn cơm ngày ba bữa ở nhà trong thời gian qua. Muốn ăn vặt, cô chỉ mua trái cây siêu thị hoặc nấu rau câu, chè ăn rồi ăn ở nhà. Cộng thêm ngân sách cũng không cho phép để cô phải chi tiêu nhiều trong thời gian này.
“Cái gì cần thiết thì mình ưu tiên thôi chứ trà sữa hay ăn vặt không phải thiết yếu với mình trong thời gian này”, Thắm cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.